Đăk Hà: Không “chạy sau” khô hạn
Tại huyện Đăk Hà, nhiều diện tích cây trồng hiện đã bắt đầu thiếu nước tưới, trong khi mùa khô đang trong thời kỳ cao điểm và có thể kéo dài hơn 1 tháng nữa. Trước tình hình này, chính quyền và ngành Nông nghiệp địa phương đang tích cực chủ động chống hạn cho cây trồng.
Những ngày này, kênh dẫn nước từ hồ Đăk Uy xuyên qua khu rẫy cà phê thuộc thôn Kon Gung (xã Đăk Mar) được “chăm sóc” kỹ bởi chính người dân. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng chỉ có phân phối, điều tiết nước hợp lý, sử dụng tiết kiệm thì mới có thể giảm bớt nguy cơ thiếu nước, khô hạn trong thời gian tới.
Bên bờ kênh, một thanh niên đang săm soi cửa lấy nước, thấy có người đứng nhìn thì gật đầu chào, cười thân thiện: Em phát hiện có dấu hiệu rò rỉ, nên phải kiểm tra cho kỹ.
Cả khu vực này đều lấy nước từ hồ Đăk Uy, đây đã là đoạn cuối kênh rồi. Hiện nay chưa xảy ra khô hạn, nhưng theo kinh nghiệm của bà con, cứ nắng nóng như thế này thì hơn 10 ngày nữa sẽ thiếu nước- anh nói, nét mặt trở nên lo lắng.
Xã Đăk Mar có một số hồ thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, như hồ 707, hồ 6A, 6B; một phần diện tích lấy nước lòng hồ thủy điện Plei Krông, nhưng phần lớn diện tích cà phê vẫn phải lấy nước từ hồ Đăk Uy. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước, dẫn đến khô hạn rất cao.
Ông Lê Trọng Hảo- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Mar cho hay, trong ngày 29/3, trên địa bàn xã có mưa khá lớn nên cũng phần nào “giải nhiệt” cho cây trồng, tuy nhiên, nếu nắng nóng kéo dài thì nguy cơ khô hạn là không thể tránh khỏi.
|
“Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn xã chưa xuất hiện tình trạng thiếu nước. Nhưng theo như dự báo của địa phương, khoảng 15 ngày tới mà không có mưa thì sẽ có khoảng 50ha cà phê ở 2 thôn Kon Gung, Đăk Mút bị khô hạn. Chúng tôi đã lên kế hoạch ứng phó với hạn hán, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước và điều tiết nước tưới phù hợp; vận động nhân dân sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, lập các tổ điều tiết nước…”- ông Lê Trọng Hảo nói.
Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện nay, tổng diện tích cây trồng có khả năng khô hạn trên địa bàn huyện Đăk Hà ở vào khoảng 505 ha, trong đó có 460ha cây cà phê, 85ha lúa nước.
Trong đó, khu vực tưới thuộc hồ Cà Sâm có 45 ha cà phê và 5 ha lúa nước; khu vực tưới ở cuối kênh chính Bắc hồ Đăk Uy (2 thôn Kon Gung, Đăk Mút, xã Đăk Mar) 50ha cà phê; các xứ đồng Mỏ đá, Đăk Căm và Đăk Xít, thôn 1A, thôn 1B (xã Đăk La) 15 ha lúa; các thôn Kon Stiu, Kon Jong, Kon Rốk, Kon Hrế (xã Ngọc Réo) 20ha lúa; hồ thôn 9, các thôn 7, Kon Hnoong Yốp, KonProh Turia, Tân Lập A, Tân Lập B (xã Đăk Hring) 10ha lúa và 115ha cà phê; thôn 7 (xã Đăk Pxi) 5 ha lúa. Một số khu vực thuộc các xã Đăk Ui, Đăk Ngọk, Ngọk Wang, Hà Mòn, Đăk Long (khoảng 250 ha cà phê và 50 ha lúa nước).
Và con số thống kê này rất có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Với phương châm “phòng hơn chống”, không “chạy theo” hạn để ứng cứu, UBND huyện Đăk Hà đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán (số 67/KH-UBND), trong đó, xác định cụ thể các giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất cũng như tác động đến sinh hoạt của người dân; huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác chống hạn khi xảy ra hạn hán.
Các cấp ủy, chính quyền được yêu cầu phải xác định rõ, việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước và điều tiết nước tưới phù hợp nhằm chủ động phòng, chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Từ đó, huy động cả hệ thống chính trị, và toàn dân tích cực tham gia một cách hiệu quả, quyết liệt.
|
Nhóm giải pháp sẽ được huyện Đăk Hà chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai quyết liệt trong thời gian tới là thực hiện triệt để tiết kiệm nước trong sinh hoạt, trong sản xuất, hạn chế tổn thất, hao hụt trên các phương tiện tích trữ, chuyển tải (hồ, đập, kênh mương, đường ống,…); huy động sự phối hợp trong quản lý, điều tiết nước của các tổ chức, cá nhân sử dụng nước.
Áp dụng hình thức tưới luân phiên để tiết kiệm nước ngay trước khi hạn xảy ra tại các công trình thủy lợi như đập Đăk Uy, các hồ Đăk Lót, Đăk Trít, Cà Sâm...; thường xuyên theo dõi mực nước các hồ để chủ động phòng tránh, điều tiết nước hợp lý. Quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tưới đến cuối kênh. Thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước, khu gần đầu mối tưới sau; khu cao tưới trước, khu trũng tưới sau.
Bên cạnh đó, tổ chức nạo vét phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước; dùng các biện pháp giữ nước, tích nước, như dùng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ để sử dụng dung tích phòng lũ các hồ chứa...; nâng cao năng lực tích nước của đầu mối và nâng cao hệ số sử dụng nước của kênh mương.
Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch. Việc phân phối nước phải có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý cấp nước (Trạm quản lý thủy nông huyện, tổ hợp tác dùng nước ở các xã, thị trấn...) với các hộ dùng nước (tổ chức, hộ gia đình...) và bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng. Nghiêm cấm người dân không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực đoạn cuối kênh.
Là địa phương có diện tích cà phê lớn, trong đó có nhiều khu vực nằm ở cuối kênh dẫn nước nên nguy cơ thiếu nước cao, UBND xã Đăk Mar đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó khi khô hạn gay gắt, nguồn nước không đảm bảo cung cấp tưới cho các loại cây trồng.
Theo ông Lê Trọng Hảo, điều này hoàn toàn có thể xảy ra, nếu tình hình nắng nóng như hiện nay kéo dài. Khi đó, UBND xã sẽ chủ động xem xét bỏ điều tiết nước ở một số vùng trồng cây lương thực, tập trung nguồn nước để đảm bảo tưới cho cây công nghiệp (cà phê), vì nếu cà phê bị thiệt hại do hạn hán sẽ khó có khả năng phục hồi; sẵn sàng nhân lực, phương tiện, kinh phí để nhanh chóng tổ chức bơm nước từ khe, suối, hồ, đập tưới bổ sung cho khu vực bị hạn.
Về lâu dài, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng cạn ở những nơi thường xuyên thiếu nước, xảy ra hạn hán; thực hiện tưới tiết kiệm, tưới vừa đủ cho nhu cầu cây trồng, giữ bờ bao, bờ thửa để nâng cao khả năng trữ nước ở mặt ruộng từ 3-5 ngày, tránh tưới liên tục, tràn lan từ thửa này sang thửa khác. Đầu tư áp dụng công nghệ tưới tự động, tiết kiệm thay cho phương pháp tưới truyền thống- ông Lê Trọng Hảo cho biết.
Toàn tỉnh hiện có 178 công trình thủy lợi, gồm 73 hồ chứa, 98 đập dâng, 7 trạm bơm điện đảm bảo nước tưới cho gần 11.000 ha cây trồng với chủ yếu là lúa nước và cây công nghiệp. Đến nay, các công trình thủy lợi này vẫn đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất. Thế nhưng, nếu mùa khô kéo dài tới giữa tháng 4 thì tình trạng thiếu nước sẽ xảy ra với khoảng 1.000ha cây trồng, tập trung ở các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum.
Hồng Lam