Đăk Hà: Gỡ khó trong thực hiện OCOP
Thời gian qua, người dân ở huyện Đăk Hà đã được các cấp chính quyền, phòng, ban chuyên môn phối hợp tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ quy trình sản xuất sản phẩm hàng hóa theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tuy nhiên, đến nay vẫn có hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân gặp khó khi đưa nông sản tiến tới đạt các tiêu chuẩn OCOP.
Năm 2020, theo sự vận động của UBND xã Đăk Pxi, Hợp tác xã Dịch vụ Bách Thắng đã đăng ký thực hiện Chương trình OCOP, trong đó ưu tiên chuẩn hóa sản phẩm măng le là nông sản đặc trưng của địa phương.
Theo chị Phạm Thị Quỳnh - Giám đốc HTX Dịch vụ Bách Thắng, quá trình đăng ký thực hiện sản phẩm đặc sản măng le, cán bộ Tổ giúp việc thực hiện Chương trình OCOP của huyện đã xuống cơ sở tìm hiểu tình hình sản xuất để trợ giúp, hướng dẫn hội viên thực hiện các thủ tục về an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, mã vạch và quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm măng le của xã Đăk Pxi đăng ký năm 2020 còn thiếu hồ sơ nên chưa đạt yêu cầu và điều kiện để công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó, chủ yếu là thiếu địa chỉ cơ sở sản xuất chế biến, thiếu trang thiết bị, máy móc để chế biến măng khô đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
“Khi thực hiện thu mua sản phẩm măng tươi của bà con về, chúng tôi sơ chế, đem phơi nắng, rồi luộc và dùng thùng tre để ép măng khô ráo nước. Sau đó, đưa toàn bộ măng đã ép khô nước lên giàn lò sấy được làm từ đất sét, đốt lửa bằng than củi để hong măng khô dần. Việc xử lý nước thải luộc măng, sấy măng như vậy cũng có phần chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lẫn môi trường” - chị Quỳnh giãi bày quy trình sản xuất sản phẩm măng le của đơn vị.
|
Chị Quỳnh nói thêm, muốn khắc phục các điểm trên, Hợp tác xã cần nguồn kinh phí khoảng 2 tỷ đồng mua máy sấy năng lượng để sấy nông sản và xây dựng xưởng sản xuất tập trung diện tích 7.000m2 có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường. Thế nhưng, nguồn vốn của hợp tác xã chủ yếu là do các thành viên góp vốn bằng đất sản xuất, vườn cà phê, nên rất khó thực hiện công tác trên. Hợp tác xã mong muốn các cấp có hướng hỗ trợ vốn vay đầu tư máy móc, xây dựng kho xưởng hoạt động ổn định, tiến tới đưa sản phẩm đạt chuẩn chương trình OCOP.
Cũng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chuẩn OCOP, ông Nguyễn Văn Ghi ở xã Hà Mòn tâm sự: Vườn trái cây của gia đình được đầu tư hơn 7 năm qua với tổng diện tích 3,7 ha đã cho thu hoạch, bao gồm mít Thái Lan, sầu riêng hạt lép, bơ sáp, cam Vinh được trồng xen canh với cà phê. Mỗi năm, vườn cây trồng này cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng.
Năm 2020, ông Ghi đã đưa diện tích trồng 1.000 cây cam Vinh vào đăng ký sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Quá trình thực hiện chương trình này, ông đã tham gia 4 đợt tập huấn, đi tham quan các vườn cây ăn quả đạt chuẩn 3 – 5 sao cấp tỉnh và các mô hình VietGAP, GlobalGAP.
Mặt khác, nhờ ham học hỏi kiến thức trồng trọt cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, ông Ghi đã tận thu vỏ cà phê sau mỗi mùa thu hoạch trái cà phê để ủ thành phân bón hữu cơ cải tạo đất. Từ đó, đáp ứng cho cây ăn quả sinh trưởng tốt, năng suất đậu quả cao mà đảm bảo an toàn vệ sinh, môi trường. Hàng năm, vườn cam của ông cho thu hoạch 50 - 60 tấn quả.
Thế nhưng, sản phẩm cam Vinh của ông Ghi tham gia đăng ký thẩm định Chương trình OCOP của huyện chỉ đạt 2 sao. Theo ông Ghi, do kiến thức còn hạn chế, nên khả năng tiếp thị và dẫn dắt câu chuyện, thuyết phục Hội đồng thẩm định của huyện về nguyên nhân chọn sản phẩm cam Vinh để xây dựng thương hiệu đặc trưng chưa tốt và chưa có cơ sở chứng minh đảm bảo phát triển sản phẩm lâu dài… Ông mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành, địa phương trong việc khắc phục các hạn chế trên.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho hay: Năm 2020, toàn huyện có 13 sản phẩm của 11 xã, thị trấn đăng ký chương trình OCOP cấp huyện. Kết quả có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao. 5 sản phẩm còn lại đạt 2 sao, trong đó có sản phẩm măng le của xã Đăk Pxi và cam Vinh ở xã Hà Mòn.
Qua thẩm định, các sản phẩm đạt 2 sao còn nhiều hạn chế, nguyên nhân là, một số chủ thể tham gia quy trình thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn OCOP chưa thực sự nhiệt tình tham gia tập huấn, tham quan thực tế các mô hình điển hình và làm theo hướng dẫn về sản xuất, quảng bá, phát triển và tiêu thụ sản phẩm liên quan. Hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản ở một số xã chủ yếu sơ chế, chế biến đơn giản và nguồn nguyên liệu chưa ổn định, chẳng hạn như măng le ở Đăk Pxi chỉ mang tính thời vụ.
Bên cạnh đó, nhiều chủ thể chưa có kinh nghiệm ở khâu làm hồ sơ công nhận; một số chủ thể còn thiếu vốn để sản xuất; hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm hạn chế…
Ông Hậu thông tin thêm, để tháo gỡ những khó khăn và hỗ trợ tích cực hơn nữa cho các địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nông dân tiến tới xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, Phòng NN và PTNT huyện sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hộ cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm lợi thế; tiếp tục mở thêm các lớp tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn chủ thể tham gia chương trình có kiến thức về quản trị sản xuất, kiến thức marketing; tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm hội nhập thị trường. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể làm hồ sơ công nhận sản phẩm, nhất là các khâu còn yếu như phát triển vùng nguyên liệu; liên kết chuỗi giá trị; hỗ trợ bao bì, nhãn mác; hệ thống truy xuất nguồn gốc; quản lý chất lượng; đăng ký sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Mai Trâm