Đăk Glei: Nỗi lo đi lại mùa mưa
Nguồn vốn duy tu bảo dưỡng có hạn, cộng thêm ảnh hưởng của thiên tai nên nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Đăk Glei đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân, nhất là vào mùa mưa.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đăk Glei có 7 tuyến đường gồm, Quốc lộ 14 (hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh), Tỉnh lộ 673 và 5 tuyến đường cấp huyện gồm ĐH 81, ĐH 82, ĐH 83, ĐH 84, ĐH85. Trong đó, Quốc lộ 14 vẫn sử dụng bình thường, tuyến đường huyện ĐH 84 vừa được đầu tư nâng cấp. Còn lại thì hầu hết các tuyến đường đều đã xuống cấp nặng.
Nặng nhất phải kể đến tuyến đường ĐH81 (từ ngã ba Măng Khênh đi xã Đăk Plô) có tổng chiều dài hơn 21km. Tuyến đường này đã bị hư hỏng nặng, mùa mưa các phương tiện không thể lưu thông, còn về mùa khô việc đi lại cũng vô cùng gian nan, khó khăn. Trên tuyến đường ĐH 81 có quy mô đường cấp VI, nền đường từ 5-7m, kết cấu mặt đường chủ yếu bằng bê tông nhựa, xi măng đã được đầu tư từ rất lâu đến nay hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, vào thời gian xảy ra mưa bão hàng năm thường xảy ra sạt lở taluy, nền mặt đường, cống bị cuốn gẫy tắc nghẽn giao thông dài ngày ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
|
|
|
Tương tự, con đường ĐH 83 (từ thị trấn Đăk Glei đi xã Đăk Nhoong, Đăk Plô) cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường xuất hiện hàng chục, có khi hàng trăm “ao nước” nối tiếp nhau, chiếm hết mặt đường. Ngoài ra, dọc tuyến đường xuất hiện nhiều điểm sạt lở ta luy âm lấn sâu vào nền đường rất nguy hiểm. Trong khi đó, đây là tuyến đường huyết mạch đảm bảo an ninh quốc phòng, thông thương đi lại của nhân hai xã Đăk Nhoong và Đăk Plô với trung tâm huyện Đăk Glei. Vì thế lưu lượng phương tiện đi lại trung chuyển hàng hóa, nông sản của nhân dân trên vùng là rất lớn. Nhưng hiện tại tuyến đường này đã xuống cấp trầm trọng vì công trình đầu tư đã lâu, trong khi đó lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa, lưu thông lớn kết hợp mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng.
Ông A Tiểu- thôn Pêng Sal Pêng (thị trấn Đăk Glei) cho biết: Nhà mình có rẫy ở xã Đăk Nhoong nên ngày nào mình cũng đi trên đường này vài lần, đường hư hỏng nhiều quá, trên mặt đường chằng chịt ổ trâu, ổ voi nên đi lại rất vất vả, nhất là vào mùa mưa, nhiều hố to tạo thành những chiếc ao lớn giữa đường, chỉ cần thiếu chú ý quan sát hoặc không quen đường là đã bị sụp hố ngay. Rất mong Nhà nước quan tâm sớm đầu tư, sửa chữa con đường để đi lại được thuận lợi hơn.
Ông A Nang- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đăk Nhoong cho biết: Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, huyện, cử tri trong xã đã phản ánh và đề nghị quan tâm sớm sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này để tạo điều kiện cho người dân trong việc đi lại, đồng thời để hàng hóa nông sản của người dân làm ra không bị tư thương ép giá vì đường xấu.
|
Không chỉ tuyến đường huyện bị hư hỏng mà tuyến Tỉnh lộ 673 từ ngã ba Đăk Tả đến xã Ngọc Linh dài gần 40km (do Sở GTVT quản lý) cũng bị hư hỏng nhiều. Tuyến đường này đi qua 3 xã Đăk Choong, Mường Hoong và Ngọc Linh được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2005, tuy nhiên, do nhiều yếu tố, con đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, đây là tuyến đường huyết mạch, độc đạo phục vụ cho việc đi lại của hàng trăm hộ dân tại các xã Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh. Qua nhiều năm mưa lũ đã làm tuyến đường hư hỏng rất nhiều. Dọc tuyến đường này, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ voi trên mặt đường như những “cái bẫy” giữa đường, khiến việc đi lại của người dân và phương tiện giao thông hết sức khó khăn và nguy hiểm. Đặc biệt, trên dọc tuyến, xuất hiện những điểm sạt lở phía ta luy âm ăn vào nền đường rất nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Văn Tứ- Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, nhiều tuyến đường trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Trong khi đó, kinh phí của huyện có hạn nên chỉ sửa chữa tạm thời và cắm biển báo do đó mức độ mất an toàn giao thông rất cao.
Cũng theo ông Tứ, để có thể sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường cần nguồn kinh phí rất lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó huyện không có khả năng để thực hiện. Do đó cần sự quan tâm, đầu tư xây dựng từ các cấp có thẩm quyền, nhất là khi mùa mưa bão đã tới.
Mùa mưa năm nay đã đến, nếu các tuyến đường trên không được khắc phục sớm, trong mùa mưa năm nay tình trạng sạt lở đất, khu dân cư bị chia cắt, cô lập là khó tránh khỏi. Do đó, người dân các xã biên giới, vùng sâu huyện Đăk Glei đang mong chờ các tuyến đường sớm được nâng cấp, sửa chữa để thuận lợi cho thông thương, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh…
Phúc Nguyên