Đăk Glei: Hướng mở từ sâm dây
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, Huyện ủy Đăk Glei đã xác định phát triển cây dược liệu là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, với những lợi thế từ khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, cây sâm dây đã được huyện chú trọng quan tâm, đang từng bước dần trở thành thế mạnh đặc trưng của huyện.
Đồng chí Y Thanh - Phó Bí thư Thường trực huyện Đăk Glei cho biết: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Đăk Glei đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh; trong đó, với lợi thế từ khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt chú trọng phát triển cây sâm Ngọc Linh và cây đảng sâm (sâm dây). Tuy nhiên, đối với cây sâm Ngọc Linh đòi hỏi cần có thời gian (khoảng sau 4 năm mới có thể thu hoạch) và nguồn vốn đầu tư lớn nên huyện cần có sự chuẩn bị về các mặt để triển khai kế hoạch dài hơi. Vì vậy, giai đoạn này, huyện tập trung chủ yếu vào cây sâm dây, chú trọng mở rộng diện tích trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng Đề án Hỗ trợ phát triển đảng sâm (sâm dây) tại các xã phía Bắc giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến 2030 của huyện Đăk Glei. Mục tiêu Đề án đề ra: Đến năm 2020, huyện Đăk Glei phát triển được 60 ha sâm dây và đến năm 2030 đạt trên 300 ha; đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sâm dây Đăk Glei; nhân rộng mô hình tổ phụ nữ liên kết trồng sâm dây; khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, nhóm hộ để liên kết trồng, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị.
Với sự định hướng, hỗ trợ của huyện, các xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đã tích cực triển khai thực hiện đề án phát triển sâm dây cho người dân. Điển hình như ở xã Xốp, qua công tác tuyên truyền, bà con ngày càng ý thức được giá trị kinh tế mang lại của cây sâm dây, nên đã tự khai thác nguồn giống tự nhiên có sẵn để trồng, nhiều hộ còn tự ươm giống. Đồng chí A Ruổi - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đến nay, xã có 2 tổ chức hội và nhiều hộ gia đình tham gia trồng và chăm sóc phát triển loại cây dược liệu này với tổng diện tích 5 ha.
|
Chị Y Hiu - Tổ trưởng Tổ hợp tác Phụ nữ DTTS trồng sâm dây xã Xốp chia sẻ: Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cuối năm 2019, Tổ hợp tác được thành lập. Thông qua Đề án hỗ trợ phát triển sâm dây, các thành viên trong tổ được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc, cũng như đối phó với dịch bệnh, nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ vậy, chị em phụ nữ trong thôn đã tự nguyện tham gia vào Tổ hợp tác ngày một nhiều hơn. Đến nay, Tổ có 25 thành viên, dự kiến trong thời gian tới, sẽ đón nhận thêm 10 chị em nữa. Tổ hiện đang trồng 3 ha sâm dây, ước đem lại thu nhập khoảng 750 triệu đồng/năm.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây sâm dây, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trồng với diện tích lớn. Như chị Huỳnh Thị Phượng - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Xốp đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để trồng 1,5ha sâm dây tại thôn Xốp Nghét vào đầu năm 2020. Chị Phượng cho biết: Dù từ trước đến nay, tôi chưa thử sức với cây sâm dây bao giờ, nhưng qua các lớp tập huấn, được trang bị các kỹ năng, kiến thức về cây sâm dây do xã, huyện tổ chức và qua học hỏi từ các mô hình thực tế, tôi tin rằng mình có thể làm được. Với giá bán và đầu ra ổn định như hiện nay, tôi nghĩ đề án phát triển cây sâm dây của huyện sẽ góp phần tạo thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần giảm nghèo một cách bền vững...
Tại xã Đăk Blô, đến nay đã có 20 hộ gia đình trồng sâm dây với tổng diện tích hơn 1ha. Vườn sâm dây của các hộ này đều phát triển tốt, hứa hẹn vụ thu hoạch thắng lợi. Chị Y Hường (thôn Pênh Lang, xã Đăk Blô) phấn khởi: Trước đây, chúng tôi cũng đã nhiều lần muốn thử trồng sâm dây để vươn lên thoát nghèo, nhưng chưa thực hiện được phần vì thiếu kiến thức chăm sóc cây trồng, phần không có vốn. Năm 2019, nhờ huyện kêu gọi các đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nguồn vốn 100 triệu đồng, gắn với tổ chức các lớp tập huấn, nên chúng tôi mới có điều kiện trồng sâm dây. Tôi hy vọng sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây lúa, cây mì…
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei, tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng sâm dây trên địa bàn huyện là 232,2 ha (vượt 172,2 ha so với đề án đề ra), năng suất đạt 150,2 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 3.487 tấn.
Cùng với việc phát triển diện tích cây sâm dây, huyện Đăk Glei đặc biệt quan tâm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến tạo ra các sản phẩm từ sâm dây có chất lượng cạnh tranh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 1 nhà máy nước giải khát sâm dây Ngọc Linh tại thôn Đăk Nớ, xã Đăk Pék. Hiện, 2 sản phẩm trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh và nước sâm dây Ngọc Linh của nhà máy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, qua quá trình gắn bó với cây sâm dây, các tổ hợp tác, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện đã có những phương pháp chế biến ra các sản phẩm phong phú, đa dạng từ sâm dây như nhóm thực phẩm (mứt sâm dây, lẩu lá sâm), nhóm đồ uống và nhóm thảo dược (sâm dây tươi, sâm dây khô…). Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 15 cửa hàng đang hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ sâm dây.
Đồng chí Y Thanh cho biết: Thời gian qua, việc mở rộng và phát triển diện tích cây sâm dây tại các vùng quy hoạch đã có nhiều thuận lợi, góp phần tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Ban Thường vụ Huyện ủy đã hoàn thành kế hoạch, phương hướng cho việc phát triển cây sâm dây trên địa bàn huyện định hướng đến 2030. Qua đó, địa phương sẽ tiếp tục lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích cây sâm dây gắn với bảo tồn nguồn giống…
Tất Thành