“Cuộc chơi” mới cho hợp tác xã
Tôi không bất ngờ khi giám đốc một hợp tác xã quả quyết rằng, chuyển đổi số đang là thách thức, nhưng cũng là động lực để các hợp tác xã phát triển, bước ra khỏi “vỏ” tự ti, thụ động.
Hơn 2 năm hoành hành, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Không riêng gì doanh nghiệp, các hợp tác xã cũng là “nạn nhân” phải gánh chịu hậu quả nặng nề, bởi “thể trạng” và “sức đề kháng” yếu.
Để thích nghi với khó khăn chung, nhất là giai đoạn phục hồi trong bình thường mới hiện nay, các hợp tác xã phải tìm cách tồn tại. Trong đó, chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả.
Thực tế, những năm gần đây một số hợp tác xã nông nghiệp đã chủ động xây dựng website, tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử... các hợp tác xã "rộng cửa" để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.
Anh Lê Ngọc Khanh- Giám đốc Hợp tác xã Cựu quân nhân Đăk Hring (huyện Đăk Hà) từng cho rằng, “điểm yếu” của nhiều hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là sự tự ti, thiếu khát vọng, luôn cho rằng mình làm ăn nhỏ, không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp.
Chỉ khi phá bỏ được lớp vỏ ấy thì mới phát triển bền vững được. Và chuyển đổi số đem lại cơ hội, tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng, công bằng, giúp phá vỡ sự tự ti ấy- anh Khanh nhận định.
Nhờ nhanh nhạy chuyển đổi số, Hợp tác xã Cựu quân nhân Đăk Hring (huyện Đăk Hà) đã tìm được lời giải cho bài toán tồn tại và phục hồi. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh tiếp cận khách hàng trực tiếp, hợp tác xã đẩy mạnh kinh doanh trên mạng xã hội Facebook, Zalo.
Do vậy, dù gặp nhiều khó khăn bởi tác động của dịch bệnh nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã vẫn ổn định, sản phẩm đều đặn xuất ra thị trường- anh Khanh chia sẻ.
Là một trong số ít hợp tác xã đi tiên phong trong chuyển đổi số, kết quả sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) đã cho thấy đây là hướng đi đúng.
Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, hợp tác xã đã thích ứng nhanh với công nghệ số khi thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các kênh bán hàng online hay xây dựng website để lan tỏa thương hiệu.
Website Sau Nhung Coop được xây dựng khá bài bản, khi truy cập, khách hàng có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết về hợp tác xã; quảng bá sản phẩm nổi bật, giới thiệu chính sách bán hàng.
Đại diện hợp tác xã cho hay, việc đa dạng hóa phương thức kinh doanh, trong đó phát triển mạnh mảng bán hàng trực tuyến, đã góp phần mở rộng thị trường, đa dạng khách hàng. Lợi ích nữa là qua tương tác sẽ nhận được đánh giá của người mua. Qua đó, hợp tác xã sẽ nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình bán hàng.
|
Trong một thống kê mới nhất của Sở Công thương, hiện nay nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP tỉnh có sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên đã và đang đẩy mạnh việc bán hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, website riêng của cá nhân, doanh nghiệp để tăng cường quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm cho người tiêu dùng.
Nhận định chuyển đổi số là động lực để các hợp tác xã phát triển, bước ra khỏi “vỏ” tự ti, thụ động, nhưng đại diện một số hợp tác xã cũng cho rằng đây là một sân chơi mới, và không kém phần quyết liệt, ai rụt rè, nhút nhát sẽ thua thiệt và tụt lại phía sau.
Có nhiều thách thức trong chuyển đổi số của hợp tác xã. Nguyên nhân là vì chất lượng nguồn nhân lực của hợp tác xã còn hạn chế; mức độ hiểu biết và khả năng tiếp cận, nắm bắt công nghệ không cao.
Thói quen sản xuất, tiêu thụ truyền thống, tức là bày bán trực tiếp; nguồn lực tài chính hạn hẹp; kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử không cao cũng là những rào cản cần xử lý.
Việc các hợp tác xã thay đổi cách tiếp cận khách hàng, và phương thức kết nối thị trường là yếu tố quyết định để tồn tại và tăng hiệu quả hoạt động, thích ứng với yêu cầu mới. Tuy nhiên, do những khó khăn đặc thù, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và các ngành.
Theo đó, bên cạnh nỗ lực tự thân của các hợp tác xã, các cấp, các ngành cần quan tâm mở những khóa đào tạo để giúp các thành viên hợp tác xã thích ứng dần với công nghệ ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm qua nền tảng số; tương tác với người tiêu dùng.
Trong tình hình hiện nay, có thể coi việc Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh hợp tác triển khai hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 là một cơ hội.
Theo kế hoạch phối hợp năm 2022, hai bên cam kết hỗ trợ nông dân cập nhật, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.; phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn Postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng; triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp…
Các chuyên gia nhận định, mạng xã hội đang trở thành một thị trường lý tưởng, không chỉ là kênh tiêu thụ hàng hóa hiệu quả mà còn giúp quảng bá sản phẩm, kéo ngắn khoảng cách giữa sản xuất và tiêu thụ, bỏ qua các khâu trung gian.
Tuy nhiên, để kinh doanh trên nền tảng số, các hợp tác xã nông nghiệp phải có thành viên nắm vững kỹ năng bán hàng, chụp ảnh, viết bài, trả lời trên mạng và điều quan trọng là chữ tín.
Lẽ dĩ nhiên, không ai muốn bị tụt hậu trong cuộc chơi này.
Hồng Lam