Chuyển biến tích cực từ “tam nông”
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (ngày 5/8/2008), của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết “Tam nông”), những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp tổng thể, toàn diện để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Sau gần 14 năm thực hiện Nghị quyết, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta đã có những bước phát triển tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đời sống của người nông dân từng bước được nâng cao.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Để tạo sự chuyển biến trong sản xuất, chăn nuôi, khai thác và phát huy thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Ngành nông nghiệp và các địa phương chủ động rà soát, chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện của từng vùng; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tích cực dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
|
Nhờ đó, từ sản xuất tự phát, manh mún, lạc hậu là chủ yếu, đến nay toàn tỉnh đã có 7.919 ha diện tích đất canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đã thành lập và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (huyện Kon Plông) với tổng diện tích 170 ha; công nhận 2 vùng và 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và Đăk Hà. Các địa phương cũng đã xây dựng và hình thành được các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho chế biến như cao su, cà phê, mì, sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác; xây dựng được 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm nông nghiệp và giá trị gia tăng cho nông dân.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng có những chuyến biến tích cực theo hướng tập trung, quy mô lớn. Hình thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại an toàn sinh học đang dần thay thế việc chăn nuôi theo hướng phân tán, nhỏ lẻ trong khu dân cư, từng bước hình thành mối liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tổng đàn vật nuôi của tỉnh không ngừng tăng lên.
So với năm đầu thực hiện Nghị quyết (2008), đến nay, tổng đàn trâu của toàn tỉnh đã tăng khoảng 31,54%, tổng đàn bò tăng 1,5%, tổng đàn heo tăng gần 36%, tổng đàn gia cầm tăng hơn 190%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 59 trang trại và 30 liên kết chuỗi.
Công tác quản lý bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản được quan tâm. Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tăng cả về số lượng và quy mô. Toàn tỉnh có 148 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 127 sản phẩm 3 sao. Qua đó, góp phần nâng cao tốc độ gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (bình quân thời kỳ 2008 – 2021 khoảng 7,2%/năm).
Đổi thay diện mạo nông thôn
Với việc ban hành và triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã tạo ra sự đột phá vừa khuyến khích phát triển trên diện rộng, vừa tạo cơ hội cho người dân là chủ thể trong tổ chức thực hiện. Các địa phương cũng đã lồng ghép hiệu quả nguồn lực từ các nguồn vốn, chương trình, dự án để hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 37 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó, có 35 xã đã được công nhận, 2 xã đang hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận; có 5 xã đạt từ 15 -18 tiêu chí, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 15,4 tiêu chí. Toàn tỉnh có 4 xã đạt chuẩn 10/10 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, trong đó 1 xã đã đươc công nhận đạt chuẩn, 6 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
|
Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, nâng cao đời sống người dân. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có gần 600 công trình thủy lợi được xây dựng đáp ứng nhu cầu tưới nước cho khoảng 17.927ha đất sản xuất nông nghiệp; 360 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; khoảng 950km đường xã, hơn 2.500km đường thôn, trục giao thông nội đồng được đầu tư, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và giao thương hàng hóa. Hệ thống lưới điện nông thôn được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo 100% số thôn, làng có điện lưới quốc gia, trên 99% hộ dân được sử dụng điện. Hệ thống trường, lớp học cũng được đầu tư khang trang, trạm y tế được đầu tư, nâng cấp.
Một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới từ khi thực hiện Nghị quyết “Tam nông” đến nay là hệ thống hợp tác xã và tổ hợp tác được củng cố, đổi mới và phát triển theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Đến nay, toàn tỉnh có 210 tổ hợp tác, thu hút 2.195 thành viên và người lao động tham gia; 194 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã; trong đó, có 177 hợp tác xã đang hoạt động với 970 người lao động thường xuyên có thu nhập bình quân 47 triệu đồng/người/năm.
Thành công của Nghị quyết “Tam nông” còn được thể hiện qua việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Năm 2021, rà soát theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta còn 9.072 hộ nghèo, chiếm 6,32% tổng số hộ, bình quân giảm 3-4%/năm. Theo kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo 21.989 hộ, chiếm 15,32% tổng số hộ; số hộ cận nghèo 9.091 hộ, chiếm 6,33% tổng số hộ.
Có thể nói, Nghị quyết “Tam nông” đã tạo “cú hích” cho nhiều địa phương, tạo ra sự thay đổi toàn diện trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mang lại sức sống mới cho mỗi vùng quê. Đó là tiền đề, động lực để tỉnh ta hướng đến những mục tiêu lớn hơn trong những năm tiếp theo.
Thiên Hương