Chương trình OCOP: Khắc phục khó khăn, hạn chế để bứt phá
Sau 2 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế, vướng mắc. Điều đáng mừng là những hạn chế, vướng mắc này đã được tỉnh và các địa phương nhận thấy và đang tập trung tháo gỡ.
Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, 2 năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ, người dân đồng lòng ủng hộ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực tham gia. Nhờ đó, chương trình đã đạt kết quả quan trọng bước đầu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 88 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao, 4 sao, vượt xa so với mục tiêu của giai đoạn 2018-2020 (có 29 sản phẩm được công nhận).
Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai chương trình cũng đã cho thấy những bất cập, hạn chế, cũng như các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là, sản phẩm đặc trưng của các địa phương nhiều, nhưng sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, theo phương thức thủ công; chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm hạn chế, thiếu sức cạnh tranh. Số lượng sản phẩm OCOP nhiều, nhưng đa phần mới chỉ đạt ở cấp độ 3 sao, mới ở mức trung bình và cũng chỉ tập trung khai thác ở lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp.
|
Nhận thức của người sản xuất về việc tham gia chương trình OCOP, dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều chủ thể chưa hiểu hết được ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng và phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Một số cơ sở e ngại về vấn đề thủ tục và có tâm lý trông chờ, ỷ lại nên chưa chủ động tham gia. Bên cạnh đó, năng lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất đa phần còn yếu nên rất khó khăn về mặt bằng nhà xưởng, chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm bài bản; việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Ở từng địa phương, việc triển khai chương trình OCOP có những trở ngại riêng. Chẳng hạn như thành phố Kon Tum, mặc dù đến nay, thành phố đã có 18 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (trong đó có 2 sản phẩm 4 sao và 18 sản phẩm 3 sao), nhưng thực tế cho thấy sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện chương trình OCOP còn có những hạn chế nhất định nên công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chưa hiệu quả. Đặc biệt, vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn mờ nhạt. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất còn thụ động trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chưa nhiệt tình tham gia. Việc triển khai ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị còn hạn chế.
|
Không để những khó khăn, hạn chế nói trên cản bước mục tiêu của chương trình, giai đoạn 2021- 2025, tỉnh ta đề ra những chỉ tiêu lớn. Đó là, quy hoạch và phát triển 350 sản phẩm OCOP với khoảng 200 chủ thể tham gia. Các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với ít nhất có từ 10 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ những bài học của giai đoạn trước, tỉnh ta đã xác định rõ những việc cần làm. Trước hết, tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chương trình OCOP, nhất là cần hiểu đúng và đầy đủ về quan điểm, định hướng của chương trình, gắn với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ để nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc…đảm bảo theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những bước then chốt để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy chương trình; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững…
Có thể nói, việc thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, cũng như vướng mắc gặp phải là cơ sở để các cấp, các ngành của tỉnh, địa phương tập trung chỉ đạo, khắc phục để đưa chương trình bứt phá, đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Thiên Hương