Chung tay vì một Kon Tum xanh
Với mục tiêu bảo vệ diện tích rừng hiện có gắn với đẩy mạnh trồng rừng và khoanh nuôi phục hồi rừng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, công tác trồng cây, gây rừng, nâng cao chất lượng, giá trị của rừng trên địa bàn tỉnh được nâng lên tầm cao mới.
Có độ che phủ rừng lớn nhất Tây Nguyên (chiếm 63%) nên Kon Tum luôn ý thức tiềm năng thế mạnh từ rừng và xác định một khi làm tốt công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng chính là gìn giữ tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không chỉ riêng Kon Tum mà khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước nói chung, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, rừng và các hệ sinh thái rừng trong tự nhiên ngày càng suy thoái. Nếu không sớm ngăn chặn sẽ gây ra nhiều hệ lụy: biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán…
Chính vì vậy, liên tục trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định: Thực hiện tốt công tác giao khoán quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và làm giàu từ rừng cho người dân, cộng đồng dân cư; gắn việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái; khuyến khích người dân nhận khoán và trồng rừng đối với các diện tích rừng nghèo. Rà soát diện tích đất lâm nghiệp còn trống, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và các dự án không hiệu quả để trồng lại rừng, trong đó, lựa chọn trồng các cây lấy gỗ có chu kỳ sinh trưởng nhanh, các loại cây gỗ quý, đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu theo quy hoạch gắn với thu hút phát triển nhà máy chế biến lâm sản, phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm được 15.000 ha rừng.
|
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngay sau Đại hội, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã xây dựng chương trình hành động thực hiện cụ thể. Trong đó, cùng với việc tăng cường đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật, không để mất rừng; thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, cho thuê đất, thuê rừng; sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên rừng…; các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác trồng, phát triển rừng để thực hiện tốt mục tiêu phấn đấu năm 2025, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt khoảng 64%.
Chung tay vì một Kon Tum xanh để góp sức hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”, ngay trong năm 2021 - năm đầu tiên đưa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống, công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, đặc biệt là việc thực hiện chỉ tiêu trồng rừng đã nhận được sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ hết lòng của người dân. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực nhưng con số 4.000 ha rừng được trồng mới, đạt 133,8% kế hoạch đề ra đã cho thấy trồng cây, gây rừng trên địa bàn tỉnh đã nâng lên một tầm cao mới.
Đó là sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở chỉ tiêu phấn đấu tỉnh đặt ra cho cả giai đoạn và hằng năm, các địa phương rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch giai đoạn, hằng năm chi tiết, cụ thể sát với thực tế địa phương để huy động các nguồn lực thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động được các cấp, các ngành tích cực triển khai, bằng phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, bằng việc xây dựng các mô hình hỗ trợ cụ thể, bằng vai trò nêu gương tiên phong thực hiện của những cán bộ, đảng viên… đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân. Cùng với đó, công tác sơ kết, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời hỗ trợ, động viên, biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác này cũng được các cấp, các ngành triển khai kịp thời…
Đó là kết quả của sự thay đổi về nhận thức, sự đồng tình ủng hộ của người dân, đặc biệt là người dân sống ở gần rừng. Thực tế bao đời nay, người dân sống gần rừng thường trồng mì và một số loại cây khác ở các vùng đất đồi sạt lở, xói mòn. Vẫn biết là hiệu quả kinh tế không cao, nhưng bà con ít phải đầu tư chăm sóc, sau 1, 2 năm là có nguồn thu. Còn khi chuyển đổi những diện tích bạc màu, xói mòn, sạt lở vốn trồng mì và một số loại cây khác sang trồng rừng thì phải mất 4-5 năm mới được thu, ban đầu bà con cũng băn khoăn, trăn trở. Nhờ được tuyên truyền, vận động, được mắt thấy tai nghe, được rừng đáp lại bằng những mùa quả ngọt…, bà con dần hiểu được lợi ích kinh tế và các lợi ích khác từ rừng mang lại. Tùy vào thực trạng diện tích đất mà bà con trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lấy ngắn nuôi dài, kết hợp xen cây nông nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu theo mô hình nông lâm kết hợp để phát triển diện tích rừng, mang lại màu xanh cho những đồi trọc, bạc màu, xói mòn. Như người dân thôn Tê Pen, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô, năm 2021, được sự tuyên truyền, vận động đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lần đầu tiên đã cùng nhau trồng 169,62 ha cây bạch đàn cự vỹ. Như các cộng đồng dân làng ở huyện Tu Mơ Rông đã khấm khá hơn nhờ trồng rừng, giữ rừng để phát triển dược liệu dưới tán rừng. Như anh Lê Quốc Vương thôn Kon Tu, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà trong năm qua đã đầu tư trồng 5.000 cây giống bạch đàn DH3229 trên diện tích đất đồi bỏ trống. Như anh Trần Thanh Hải ở xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy chỉ trong năm 2021 đã trồng 20ha rừng trên những đồi trọc, bạc màu…
|
Mùa mưa năm 2022 đang đến gần. Vụ trồng rừng mới đang được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh chuẩn bị triển khai với quyết tâm đạt kế hoạch năm là trồng mới 4.500 ha rừng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đai hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Khi có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng từ người dân, màu xanh cây rừng sẽ phủ lên những đồi trọc bị bạc màu, xói mòn, sạt lở…. Và chắc chắn, rừng sẽ không phụ lòng người, sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Nguyên Phúc