Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương
Những năm qua, việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng được các địa phương, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh chú trọng, quan tâm. Điều đó trở thành “điểm tựa” để các sản phẩm hàng hóa của địa phương phát triển bền vững và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Tỉnh ta có nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh từ rừng, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các đặc sản địa phương, thời gian qua, Sở Khoa học - Công nghệ cùng với các địa phương có nhiều nỗ lực trong xác lập nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa là các đặc sản địa phương và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.
Theo số liệu thống kê từ Sở Khoa học - Công nghệ, trên địa bàn tỉnh hiện có 111 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó, có 109 nhãn hiệu và 2 chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của các địa phương như cà phê, cao su, mì, mía đường, dược liệu, rau hoa củ quả xứ lạnh đã được tỉnh, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Ngoài các nhãn hiệu thông thường, tỉnh cũng đã thực hiện đăng ký bảo hộ được 2 chỉ dẫn địa lý là Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho cà phê Đăk Hà.
|
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 11 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn và hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Cà phê xứ lạnh Kon Tum, Đảng sâm Kon Tum, Ngủ vị tử Kon Tum, Lan kim tuyến Kon Tum, Ý dĩ Kon Tum, Sa nhân tím Kon Tum, Đinh lăng Kon Tum, Nghệ vàng Kon Tum, Đương quy Kon Tum, Nấm linh chi Kon Tum... Mặt khác, các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ 3 sao trở lên còn được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP Việt Nam do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn quản lý.
Việc đăng ký và được cấp nhãn hiệu bảo hộ đối với sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, là cơ sở quan trọng và tiền đề để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình. Bảo hộ nhãn hiệu giúp định vị được sản phẩm và tạo danh tiếng cho hàng hóa để người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng, sử dụng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, thúc đẩy các cơ sở sản xuất - kinh doanh gìn giữ và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình…
Cùng với doanh nghiệp, với người tiêu dùng, điều này tạo thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, an tâm khi sử dụng hàng hóa. Ngoài ra, việc công nhận nhãn hiệu, xác lập thương hiệu còn góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và giúp nhà sản xuất chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
|
Chính vì thế, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu; xây dựng dự án nghiên cứu khoa học, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; các chương trình khuyến công; xúc tiến thương mại, chương trình mỗi xã một sản phẩm… Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ, tạo dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản mang địa danh của tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Khoa học - Công nghệ, trên thực tế, nhận thức của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đối với vai trò, ý nghĩa của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm còn những hạn chế nên số lượng đơn đăng ký được cấp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn ít so với số lượng tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều này do cả hai nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do đa phần các doanh nghiệp của tỉnh ta có quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng sản phẩm chưa có tính cạnh tranh. Nguyên nhân khách quan, thời gian đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa theo quy định hiện nay kéo dài, số đơn còn tồn đọng lớn gây tâm lý e ngại cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký.
Thời gian tới, Sở Khoa học - Công nghệ rà soát, tham mưu HĐND và UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc cụ thể hóa cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, chọn lựa các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh để xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Qua đó, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm phát triển nghề, nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa thì sự chủ động của các chủ thể sản xuất đóng vai trò quan trọng, do đó, Sở Khoa học - Công nghệ tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người sản xuất; đồng thời, phát huy vai trò của Hội trong việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu của doanh nghiệp; tập huấn bồi dưỡng kiến thức về xây dựng, phát triển thương hiệu, hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại điện tử…
Có thể nói, việc xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm đặc trưng của các địa phương nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng tầm giá trị hàng hóa của tỉnh. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành có liên quan và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Thiên Hương