Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản
Công nghiệp chế biến nông, lâm sản là ngành công nghiệp chủ lực và thế mạnh của tỉnh nhằm góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu, nhân công cùng với nhiều chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh, thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp chế biến của tỉnh ta có những bước phát triển.
|
Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đầu tư thiết bị công nghệ mới, nâng cấp quy mô sản xuất, nâng cấp máy móc, phương tiện vận chuyển để đảm bảo tiêu thụ, chế biến hết nông sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 8 cơ sở chế biến tinh bột mì với tổng công suất thiết kế đạt 1.430 tấn/ngày. Có 1 doanh nghiệp sản xuất chế biến đường đó là Công ty Cổ phần Đường Kon Tum với công suất thiết kế khoảng 2.500 tấn/ngày; 11 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất đạt trên 60.000 tấn/năm.
Thời gian qua, mặc dù thị trường tiêu thụ sản phẩm có những khó khăn nhất định, nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế lượng hàng tồn kho và mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển.
|
Toàn tỉnh có hơn 10 cơ sở thu mua và chế biến cà phê nhân, 27 cơ sở chế biến cà phê bột sản xuất được khoảng 120 tấn bột/năm, 3 cơ sở vừa chế biến cà phê bột vừa chế biến cà phê hòa tan. Sản phẩm cà phê bột và cà phê hòa tan của tỉnh ta đã được xuất khẩu sang một số nước như Singapore, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Mexico... Sự tăng trưởng ổn định của ngành nghề này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp chế biến.
Ngoài ra, thời gian gần đây, ngành nghề chế biến dược liệu, rau củ quả cũng được một số doanh nghiệp, cơ sở quan tâm, đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này như Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty TNHH MTV Sim Thiên Sơn, Công ty TNHH Thái Hòa Kon Tum, Công ty Biophap, Công ty Cổ phần Nước giải khát Ngọc Linh.
Các mặt hàng dược liệu đã được các doanh nghiệp thu mua, chế biến dưới dạng trà khô, trà hòa tan, trà túi lọc, nước uống, cao, tinh chất, rượu, nước chiết sâm dây Ngọc linh...
Trên địa bàn tỉnh đã có 1 công ty chế biến củ, quả với các sản phẩm như gừng sấy khô, tiêu đen sấy khô, sả sấy khô, hoa bụp giấm sấy khô, chanh lát sấy khô, măng sấy khô, bạc hà sấy khô… Bên cạnh đó, còn có một số hộ kinh doanh thu mua, sơ chế dược liệu và trái cây chế biến với qui mô nhỏ.
Cùng với hoạt động sản xuất, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh cũng được chú trọng. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng kênh phân phối, mở rộng mạng lưới bán hàng, tìm kiếm cơ hội quảng bá các mặt hàng nông sản, dược liệu, cà phê của tỉnh; tiếp cận các kênh tiêu thụ tại các siêu thị, nhà phân phối lớn trên phạm vi cả nước. Các hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu cũng được chính quyền và ngành chức năng quan tâm, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước củng cố thương hiệu nông sản của tỉnh. Hoạt động xúc tiến thương mại đã mở ra cơ hội và tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Dù có những chuyển biến tích cực, nhưng theo đánh giá của các ngành chức năng lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh vẫn còn những hạn chế. Đó là, đa số các nhà máy đứng chân trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất sản phẩm thô rồi chuyển về nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để bán nội địa và xuất khẩu; chưa có chế biến sâu, chế biến tinh nên giá trị sản phẩm, lợi nhuận thu về không cao. Việc tiêu thụ, xuất khẩu tinh bột mì, mủ cao su chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên không ổn định về đầu ra và thường bị thương lái ép giá.
Trên lĩnh vực chế biến lâm sản, hiện toàn tỉnh có tới 24 xưởng chế biến nằm trong quy hoạch, nhưng một số công ty chế biến gỗ tinh chế đã ngừng sản xuất mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Đa phần các doanh nghiệp yếu và thiếu về năng lực, công nghệ lạc hậu, quảng bá thương hiệu kém nên sức cạnh tranh của sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của tỉnh ta cũng yếu hơn so với các địa phương khác trong cả nước.
Nông, lâm nghiệp là lĩnh vực có nhiều lợi thế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh ta. Việc khắc phục những hạn chế, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đưa hàng hóa của tỉnh vươn xa, mang lại thu nhập cao cho nông dân, doanh nghiệp.
Thùy Hương