Chi hội trưởng Nông dân năng động
Dù còn trẻ, nhưng anh A Wĩ (40 tuổi)- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Kơ Tol (xã Hơ Moong, huyện Sa thầy) được nhiều người biết đến bởi dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình.
|
Nhiều lần đến nhà nhưng chúng tôi đều không gặp được A Wĩ, bởi anh luôn bận rộn với công việc trên rẫy. Lần này, tôi cùng anh A Đứu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hơ Moong tìm đến tận trang trại của anh A Wĩ.
Gặp chúng tôi, anh A Wĩ cười ngại ngùng, khiêm tốn: Tôi có làm được gì đâu mà, nhiều anh em còn giỏi hơn tôi nhiều. Tôi chỉ là người trẻ, vẫn đang học hỏi kinh nghiệm.
Sau một hồi thuyết phục, anh A Wĩ mới chịu kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình. Năm 2004, anh là một trong những hộ thuộc đề án di dân đến vùng tái định cư Hơ Moong. Lúc rời làng cũ, A Wĩ mới 22 tuổi, mang theo hy vọng và khát khao làm giàu của tuổi trẻ đến vùng đất mới.
Thôn Kơ Tol là nơi A Wĩ cùng nhiều hộ di dân khác tiếp tục phát triển kinh tế với sự hỗ trợ từ Nhà nước, gồm 1ha đất và căn nhà. Anh A Wĩ trồng lúa và mì trên diện tích đất được cấp, đồng thời khai hoang mở rộng diện tích canh tác. Năm 2005, nhận thấy đất trồng mì ngày càng bạc màu, cằn cỗi, không mang lại hiệu quả, A Wĩ chuyển sang trồng 1ha cao su.
“Tất cả đất được hỗ trợ và đất tự khai hoang tôi có gần 5ha, nhưng tôi chỉ đủ tiền để trồng 1ha cao su, số đất còn lại vẫn trồng mì và lúa để lấy ngắn nuôi dài. Các kiến thức trồng và chăm sóc cao su do tôi tự học từ những người trồng cao su ở xã khác và từ các lớp tập huấn do địa phương tổ chức” – anh A Wĩ tâm sự.
Thời gian đầu mới trồng, bà con ai cũng lắc đầu vì thấy cao su lâu cho thu hoạch, không như các giống cây ngắn ngày, nên rất ít người trồng theo. Anh A Wĩ thì khác, anh cố gắng chăm sóc, bón phân cho vườn cây phát triển thật tốt.
Đến năm 2011, những ngày thu hoạch đầu tiên, tuy lượng mủ thu chưa nhiều nhưng ai cũng trầm trồ vì mủ cao su giá cao nên thu nhập rất ổn. Có đồng ra, đồng vào, vợ chồng A Wĩ vô cùng vui mừng. Sau lần trồng cao su thành công, anh A Wĩ quyết tâm tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Dùng hết số tiền tiết kiệm được, năm 2014, anh A Wĩ đào ao trữ nước, nuôi cá, đồng thời trồng gần 3ha cà phê. Dù trước đó trong thôn đã có nhiều hộ trồng cà phê, nhưng bà con trồng không đúng kỹ thuật, trồng dày, đào hố nhỏ nên không hiệu quả. Chính vì thế, khi triển khai trồng, anh A Wĩ đã áp dụng các khiến thức mà mình học hỏi được qua các lớp tập huấn, xử lý đất, đào hố thật rộng, bón phân, tưới tiêu đều đặn nên vườn cà phê của anh hiện tại rất tốt.
Việc anh A Wĩ trồng cà phê thưa đã tạo được nhiều khoảng trống, từ đó anh quyết định trồng xen canh cây ăn trái vào năm 2020. Anh chọn lựa mít Thái, sầu riêng làm giống cây chủ lực rồi áp dụng các kiến thức do anh tự học hỏi, trau dồi bấy lâu để trồng. Giờ đây, mít Thái của gia đình anh đã cho thu bói, còn sầu riêng cũng đang từng ngày vươn mầm phát triển.
Mới đây, thấy nhiều nơi trồng chanh dây mang lại hiệu quả, anh A Wĩ đã tìm một người chuyên trồng chanh dây để liên kết phát triển. Theo đó, đối tác cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật cùng các vật liệu xây dựng mô hình, còn anh A Wĩ góp 8 sào đất, công trông coi, chăm sóc, khi thu hoạch sẽ chia đôi lợi nhuận. Hiện tại, vườn chanh dây đang leo giàn, đem lại kỳ vọng về một hướng đi mới hiệu quả.
Anh A Đứu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hơ Moong cho biết: Anh A Wĩ là một chi hội trưởng tiêu biểu, năng nổ, đi đầu trong các phong trào, hoạt động của Hội, đồng thời là tấm gương làm kinh tế gia đình giỏi, với mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh A Wĩ luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho hội viên có nhu cầu phát triển kinh tế.
Văn Tùng