Giữ giá trị thương hiệu Sâm Việt Nam
Các thương hiệu sâm quý ở Việt Nam như Ngọc Linh, Lai Châu đang bị cây Tam thất hoang giá rẻ, chất lượng không kiểm soát từ Trung Quốc, đội lốt sâm Việt Nam, phá hoại, làm giảm niềm tin người dùng.
Đặc sản sâm… vùi
Mới đây nhất, trong tháng 12/2024, lực lượng chức năng Lai Châu lại phát hiện và bắt giữ 1 xe chở gần 7 tạ củ và lá có hình thái giống sâm Lai Châu, Ngọc Linh.
Tam thất hoang của Trung Quốc mua chỉ vài trăm ngàn/kg, đi đường tiểu ngạch, về tới Việt Nam, đội lốt thương hiệu sâm Việt Nam, chủ yếu là Ngọc Linh, Lai Châu đội giá lên hàng chục lần để gian thương thu lợi. Hình dáng bên ngoài sâm Trung Quốc và Việt Nam khá giống nhau nên người tiêu dùng khó phân biệt thật, giả.
Với những người chuyên mua, bán sâm, khái niệm sâm vùi được dùng cho Tam thất hoang từ Trung Quốc (sâm Trung Quốc) nhập lậu về, vùi trồng trong đất ở Việt Nam. Sau một thời gian, số cây sâm vùi sẽ được gắn mác với thương hiệu sâm Việt, chủ yếu là sâm Ngọc Linh, để bán ra thị trường.
|
Theo tìm hiểu của phóng viên, sâm Trung Quốc, đưa vào Việt Nam, gian thương liên kết 1-2 hộ dân, vùi sâm để “mặc áo” mới bán. Đặc biệt, các vườn Trung Quốc khi cây xuất hiện bệnh thối nhũn củ, không trị được, họ thường “xuất” cả vườn bán cho thương lái bên Việt Nam với giá rẻ, đem vùi 1-2 tháng, rửa nguồn, bán ra thị trường.
Tại huyện Tu Mơ Rông, được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh ở tỉnh ta, tình trạng sâm vùi cũng đã xuất hiện. Chuyện nhổ sâm vùi, giấu khi có đoàn lên kiểm tra vườn sâm đã có. Cá biệt, một số nhà vườn khoe hình, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, chủ vườn vội giấu.
Ngoài sâm vùi, thương lái còn nhập cây sâm giống Trung Quốc đưa về các vùng trồng sâm ở Kon Tum, Quảng Nam để lừa bán. Là Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu, nhưng anh Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận quả đắng từ chiêu trò này. Cụ thể, anh Tuấn đặt mua cây giống Ngọc Linh từ một thương lái ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).
Tuy nhiên, khi trồng, phát hiện có rất nhiều cây giống sâm Trung Quốc. Sau rà soát, mang cây giống sâm có hình thái lạ xét nghiệm, kết quả gần 40% cây giống không phải là sâm Ngọc Linh.
Tại Kon Tum, một lãnh đạo công ty sâm trồng Ngọc Linh lâu năm từng cảnh báo, công khai, kèm dẫn chứng cây, hạt sâm Trung Quốc xuất hiện tại huyện Tu Mơ Rông.
Giữ giá trị thương hiệu Sâm Việt Nam
Năm 2023, Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã dùng tên gọi Sâm Việt Nam cho 4 cây: Ngọc Linh, Lang Biang, Lai Châu và Pusailaileng. Trong 4 loại trên, sâm Ngọc Linh và Lai Châu được đầu tư trồng và cung cấp sản phẩm hàng hóa. Hai loại còn lại được phát hiện với số lượng ít, chủ yếu đang được bảo tồn, chưa được nghiên cứu nhiều.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia và ngay cả những người trồng sâm cho rằng, cơ quan chức năng cần phân biệt rõ loại sâm nào, trồng ở đâu để người tiêu dùng chọn lựa, nhất là khi đưa ra thị trường nước ngoài.
Không đồng tình việc “trộn” các loại sâm trên vào chung thương hiệu Sâm Việt Nam, Giáo sư, tiến sĩ Trần Công Luận- Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu thành phố Hồ Chí Minh, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn cho thương hiệu quốc gia.
Ông cho biết: Tôi kỳ vọng sâm Việt Nam nói chung được phát triển, thế giới công nhận. Tuy nhiên, nếu nhà quản lý đưa tên cho các loại sâm vào chung thì nguy cơ phá hỏng thương hiệu Sâm Việt Nam. Nhà quản lý đã xác lập nhưng phải có hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, không đổ đồng chung, mà phải rõ ràng xuất xứ.
|
Cùng quan điểm trên, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Đức (Khoa dược Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết: Là người nghiên cứu sâu về sâm Ngọc Linh và Lai Châu, tôi thấy không nên và không đúng khi gộp chung 2 loài sâm này vào thương hiệu Sâm Việt Nam.
Giới khoa học hiểu và công nhận sâm Việt Nam là sâm Ngọc Linh. Cây sâm Ngọc Linh là sâm đặc hữu, bản địa của vùng núi Ngọc Linh (Việt Nam), chưa phát hiện nơi nào khác. Còn tên khoa học của sâm Lai Châu hiện không mang yếu tố Việt Nam, nên không có cơ sở nào để nhập chung 2 loài sâm này dưới tên Sâm Việt Nam.
Còn ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, nơi đang trồng khoảng 2.800ha sâm Ngọc Linh, cho biết: Các nước trên thế giới đều chọn 1 loài sâm để đặt tên sâm Quốc gia. Trên cơ sở phân tích nguồn gốc tên sâm Việt Nam, cùng các yếu tố đặc thù, đặc hữu chỉ có ở núi Ngọc Linh, tôi nghĩ đặt tên sâm Ngọc Linh là sâm Việt Nam phù hợp nhất.
Cây sâm Ngọc Linh được vào dược điển Việt Nam III năm 2002, dược điển IV năm 2009, dược điển V năm 2017. Dược điển ghi sâm Việt Nam là sâm Ngọc Linh; sản phẩm quốc gia chỉ có sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) vào danh mục của Nhà nước công nhận năm 2017.
Ngày 14/6/2024, trong thư gửi Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Kế Long- người cùng cộng sự tìm ra sâm Lai Châu năm 2013- khẳng định: “do các taxa (phân loại thực vật) độc lập nhau nên chắn có sự khác nhau về hoạt chất và giá trị. Do đó, không thể đồng nhất chúng trong hoạt động thương mại”.
Cao Nguyên