Cây “làm giàu” ở Đông Trường Sơn
“Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng, cây cà phê xứ lạnh không chỉ giúp bà con vùng Đông Trường Sơn xóa đói, giảm nghèo, mà còn đem lại cơ hội vươn lên làm giàu”. Câu nói của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Chương trong chuyến đi khảo sát thực tế triển khai Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông làm tôi nhớ mãi.
Tôi khá bất ngờ khi gặp lại A Thương (làng Ngọc Đo, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông) tại thành phố Kon Tum. Nhưng càng bất ngờ hơn khi cậu ta còn nhớ mình, gọi đúng tên, đúng nghề nghiệp.
Và vui nữa. Trước mắt tôi đâu còn là một gã đàn ông lôi thôi, nhàu nhĩ, trong người lúc nào cũng có rượu nữa. Hoạt bát và tự tin, cuộc trò chuyện cho tôi thấy một A Thương như thế.
Cậu ta cho biết đưa đứa con gái lớn đi học, nhân thể đưa vợ đi khám bệnh luôn. “Trông kìa, rõ ràng không phải là A Thương tôi quen nữa”- tôi đùa. Cậu ta cười: Khác rồi. Cuộc sống nay khá hơn nhiều. Đã làm được nhà mới, mua tivi, tủ lạnh, xe máy. Không riêng gì nhà em, mà nhiều hộ ở Ngọc Đo cũng vậy. Hôm nào anh lên chơi sẽ thấy. Nhờ cây cà phê xứ lạnh cả đấy.
Mừng cho A Thương. Mừng cho Ngọc Đo.
Nhìn A Thương hoạt bát, nói chuyện vui vẻ mà tâm trí tôi như trở về căn nhà lụp xụp, te tướp núp bên cạnh nhà rông làng Ngọc Đo năm nào.
Đó là một ngày cuối năm 2014, tôi theo anh Trần Văn Chương- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đi khảo sát thực tế triển khai Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh của tỉnh tại xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông. Cán bộ xã dẫn đi gặp một số hộ nghèo được lựa chọn tham gia đề án, trong đó có A Thương.
Nhìn căn nhà lụp xụp, bốn phía trống hoác, bầy con nheo nhóc, bám lấy chân gã đàn ông nhàu nhĩ, mắt lờ đờ vì rượu, tôi bỗng lo lắng. Liệu có ổn không anh nhỉ? Ý em là việc chọn đối tượng tham gia ấy - tôi hỏi nhỏ anh Chương.
Anh vỗ vỗ tay tôi: "Yên tâm. Không chỉ hỗ trợ vốn, giống, ta còn hướng dẫn, giám sát nữa. Bà con chưa biết, chưa hiểu thì kiên trì chỉ dẫn đến khi họ hiểu. Mình có một niềm tin mãnh liệt rằng, cây cà phê xứ lạnh không chỉ giúp bà con vùng Đông Trường Sơn thay đổi tập quán sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, mà còn đem lại cơ hội vươn lên khá giả”.
Cũng như một số hộ dân khác trong làng, A Thương được tham gia đề án (tiêu chuẩn là hộ nghèo, có đất sản xuất ổn định và có điều kiện lao động). A Thương được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê; được cấp hơn 2.200 cây giống và các loại phân bón. Với số giống này, A Thương trồng được 0,5ha cà phê xứ lạnh, sau đó, thật bất ngờ, vợ chồng A Thương trồng thêm 0,5ha nữa.
|
Đó là chuyện sau này, tôi nghe cán bộ đề án kể lại. Còn hôm ấy, tôi nhận thấy ánh mắt A Thương có sáng lên khi nghe cán bộ xã nói chuyện về hiệu quả kinh tế của cây cà phê xứ lạnh. Nhất là việc nó có thể giúp A Thương thoát nghèo. Phải, thoát nghèo. A Thương sợ nghèo lắm rồi.
Không chỉ A Thương sợ nghèo, thèm được thoát nghèo. Còn nhiều, rất nhiều hộ nghèo khác ở các thôn, làng thuộc 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông mong muốn có được “đòn bẩy” giúp họ thoát nghèo bền vững.
Cũng đồng đất ấy, con người ấy, mà bao nhiêu năm qua, người dân vẫn đói, vẫn nghèo. Vì sao vậy? Vì bà con không siêng năng ư? Không đúng, vì trừ một số ít người, đa phần còn lại đều cần cù, chịu khó. Vậy thì vấn đề là ở phương pháp, ở hướng đi và ở cách lựa chọn giống cây trồng phù hợp- Phó Giám đốc Trần Văn Chương phân tích.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông có khí hậu lạnh và mát mẻ quanh năm, thuận lợi để phát triển thành vùng chuyên canh một số loại cây trồng ưa lạnh, cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, như rau quả, hoa, chè, cà phê, cây dược liệu...
Trong thời gian qua, tuy tỉnh đã quan tâm, bố trí nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên của các huyện, nhưng hầu hết các mô hình chỉ hỗ trợ một lần trong năm đầu, không duy trì và nhân rộng mô hình. Việc hỗ trợ sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương để từng bước hình thành vùng chuyên canh.
Thực tế ấy cho thấy, để khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, giúp các hộ nghèo ở các huyện nghèo Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa đối với cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương, cần phải có chính sách mới phù hợp và hiệu quả.
Và Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh của tỉnh đã đáp ứng được niềm mong mỏi ấy. Sở dĩ cây cà phê chè được lựa chọn bởi đây là một trong số ít cây trồng có giá trị kinh tế cao rất thích hợp với điều kiện tự nhiên của 3 huyện vùng Đông Trường Sơn. Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch khá đơn giản, sản phẩm dễ tiêu thụ, phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân. Sản phẩm cà phê chè được thị trường ưa chuộng hơn cà phê vối, nên cho thu nhập khá cao và ổn định (trung bình 100-118 triệu đồng/năm).
|
Bên cạnh đó, trồng cà phê chè phù hợp với chủ trương hình thành vùng chuyên canh cà phê chè của tỉnh; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững cho các hộ nghèo.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2018, hỗ trợ phát triển 1.600ha cà phê chè, nâng tổng diện tích cà phê chè lên 3.000ha theo đúng mục tiêu phát triển cà phê chè vùng Đông Trường Sơn theo Quy hoạch tổng thể nông nghiệp, nông thôn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn 2011-2015. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% cây giống để trồng mới, trồng dặm; tập huấn, tuyên truyền, hợp đồng cán bộ kỹ thuật.
Từ năm 2014 - 2018, Đề án cà phê xứ lạnh đã hỗ trợ trồng mới 1.453ha cà phê chè, hỗ trợ 7.638.805 cây giống cho 5.939 hộ nghèo ở 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, đạt 90,8% kế hoạch, từ đó hình thành vùng chuyên canh cà phê xứ lạnh. Tổ chức 661 lớp tập huấn kỹ thuật về trồng mới, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản cà phê chè cho tất cả các hộ tham gia đề án.
Trong 7 năm (2014 – 2020), ngân sách tỉnh cấp hơn 31 tỷ đồng để hỗ trợ 100% cây giống trồng mới, trồng dặm; tập huấn, tuyên truyền; hợp đồng cán bộ kỹ thuật…; tổng kinh phí ngân sách huyện chi hơn 40,3 tỷ đồng để hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia đề án.
Đến nay, diện tích cà phê theo đề án đã cho thu hoạch, năng suất bình quân qua các năm đạt từ 7-12 tấn/ha, đem lại thu nhập bình quân cho các hộ tham gia 70-90 triệu đồng/ha. Mặc dù diện tích trồng mới chỉ đạt 90,8% so với đề án, năng suất chưa đồng đều giữa các hộ, các địa phương, nhưng có thể khẳng định, cây cà phê xứ lạnh đã cải thiện, nâng cao đời sống người dân vùng Đông Trường Sơn, đẩy nhanh tiến trình xóa đói, giảm nghèo, vươn lên khá giả của nhiều hộ dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương- báo cáo của Ban chỉ đạo đề án cho biết.
Về vấn đề tiêu thụ, đến nay cả 3 huyện đều đã có cơ sở thu mua cà phê cho bà con. Tại huyện Kon Plông có Công ty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Công Bằng Măng Đen; huyện Tu Mơ Rông có Hợp tác xã dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông và hộ kinh doanh Trần Văn Nghĩa; huyện Đăk Glei có Công ty TNHH Cao Nguyên.
Theo Phó Giám đốc Trần Văn Chương, để đạt được kết quả ấy, các cấp, các ngành đã có sự vào cuộc tích cực, kịp thời; sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo đề án cấp tỉnh, cấp huyện trong triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hầu hết các hộ gia đình tham gia đề án đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, chủ trương chính sách của đề án; tích cực chuẩn bị đất, nhận cây giống, trồng và chăm sóc đảm bảo thời vụ; có ý thức làm chủ, giữ gìn vườn cây, coi đó là nguồn lực để thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Niềm vui cứ trải mãi, trải mãi trên các triền núi, từ làng này sang làng khác, từ Đăk Glei sang Tu Mơ Rông, rồi qua Kon Plông. Trong những câu chuyện bên bếp lửa đã sáng lấp lánh niềm vui thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.
Và tôi tin, thêm vài năm, sẽ có nhiều A Thương nữa thoát nghèo. Và ở những thôn, làng xa xôi nơi đại ngàn sẽ có những triệu phú.
Bắt đầu từ trồng cà phê xứ lạnh.
Hồng Lam