“Cánh đồng lớn” - nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Với những ưu điểm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, ổn định đầu ra cho sản phẩm..., mô hình “cánh đồng lớn” là một trong những giải pháp nhằm thay đổi tư duy theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thực hiện Kết luận số 366-KL/TU ngày 17/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 176 của UBND tỉnh về dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng "cánh đồng lớn" thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
Theo ông Phạm Xuân Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất. Các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã dần hình thành vùng sản xuất lớn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp bằng hợp đồng cung ứng dịch vụ, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường hoặc theo giá bảo hiểm. Thực hiện dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp là 394ha với 675 hộ gia đình và 2 cộng đồng dân cư tham gia.
|
Từ năm 2017 đến nay, đã có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với các hộ dân sản xuất cà phê với quy mô lớn, trong số đó có Hợp tác xã thương mại dịch vụ Sáu Nhung liên kết với các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê (300ha), Hợp tác xã Công Bằng Pô Cô liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê (220ha),... Hình thành được 9 tổ hợp tác phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Đăk Hà, với tổng quy mô 1.340,3 ha/760 hộ. Các mô hình sản xuất quy mô lớn được xem là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm các mặt hàng nông sản, với chất lượng đồng đều, đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu của doanh nghiệp khi tiêu thụ… Ngoài ra, sản xuất theo hướng hàng hoá giải quyết tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tạo tiền đề kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chế biến sâu trên địa bàn, từng bước thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ ruộng đất.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã có 16 nhà đầu tư trên địa bàn huyện Kon Plông được miễn, giảm tiền thuê đất với tổng kinh phí 1.279.262.021 đồng. Từ năm 2016 đến năm 2020 ngân sách tỉnh đã bố trí 20,226 tỷ đồng; từ nguồn đầu tư phát triển (14,597 tỷ đồng) và nguồn vốn sự nghiệp (5,629 tỷ đồng) để thực các mục tiêu của Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Có thể nói, mô hình cánh đồng lớn đang là một trong những giải pháp để thúc đẩy sản xuất phát triển và cũng là hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp. Với mô hình này, từng bước làm thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ truyền thống của người dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân lực mùa vụ, giảm được chi phí trong sản xuất thông qua việc ứng dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, nhất là, tạo điều kiện để thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất; mặt khác, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Quốc Tuấn