Cần ưu tiên nguồn vốn ưu đãi để phát triển dược liệu
Hiện nay, phát huy tiềm năng thế mạnh về dược liệu, bà con đồng bào DTTS trong tỉnh đã và đang tập trung phát triển diện tích, nhất là sâm Ngọc Linh, sâm dây. Tuy nhiên, do đời sống còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh rất lớn, vì vậy, người dân mong muốn tỉnh và ngành chức năng có chính sách, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.
Theo ông A Chung (làng Đăk Zơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) hiện nay trên địa bàn thôn rất nhiều người dân đang tham gia trồng sâm Ngọc Linh và muốn mở rộng diện tích nhưng không có tiền đầu tư, do đó, bà con rất mong Nhà nước bố trí cho vay vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng diện tích.
Đại diện cho tâm tư nguyện vọng của người dân, ngay tại buổi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang với xã Măng Ri hồi tháng 11/2021, từ nguyện vọng, ý kiến của người dân, ông A Sỹ- Bí thư Đảng ủy xã đã đề xuất với Bí thư Tỉnh ủy và các ngành quan tâm cần bố trí nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp để bà con đầu tư mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu, nhằm thực hiện mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Cũng với nội dung này, xuất phát từ ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân, ngay tại Kỳ họp thứ 2-HĐND tỉnh khóa XII (diễn ra đầu tháng 12/2021), nhiều đại biểu đề đạt nguyện vọng của cử tri gửi đến HĐND tỉnh.
|
Đại biểu Y Hương- Bí thư Đảng ủy xã Đăk Na (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) cho rằng, để thực hiện được chỉ tiêu trồng 500 ha sâm Ngọc Linh trong năm 2022, ngoài yếu tố về kỹ thuật, nguồn giống, thì nguồn vốn vay để phát triển cũng có ý nghĩa quan trọng. Do đó, cần có chính sách ưu đãi đối với đồng bào DTTS trong việc trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác.
Theo ông Trần Hoàn (đại biểu HĐND tỉnh thuộc Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông), ngoài chính sách hỗ trợ cây giống cho người dân, tỉnh cần có cơ chế tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, xây dựng chuỗi giá trị; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia để người dân có điều kiện đầu tư và mạnh dạn trồng sâm Ngọc Linh cũng như các loài dược liệu khác.
Theo ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, mấy năm trở lại đây, bà con đã hiểu được giá trị của sâm Ngọc Linh nên rất muốn trồng để vừa góp phần đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch phát triển diện tích của tỉnh vừa nâng cao thu nhập.
|
“Hiện huyện đang chỉ đạo các xã tiến hành rà soát, khảo sát và lập danh sách người dân có nhu cầu vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu để từ đó làm cơ sở đề xuất lên tỉnh, lên Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua khảo sát, ước trong năm 2022, nhu cầu về vốn vay của người dân trên địa bàn đến cả hàng trăm tỷ đồng”- ông Võ Trung Mạnh cho hay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã ưu tiên khá nhiều nguồn vốn ưu đãi cho các đối tượng vay để thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, trong đó, nguồn vốn vay cho phát triển dược liệu cũng khá nhiều. Theo thống kê, đến nay, tổng doanh số cho vay trong năm 2021 trên địa bàn toàn tỉnh của ngân hàng này đạt gần 955 tỷ đổng, trong đó, doanh số cho vay về phát triển dược liệu chiếm khá nhiều. Cụ thể, chỉ tính cho vay để phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Glei là 3 tỷ đồng, huyện Tu Mơ Rông là 13 tỷ đồng và vay trồng sâm dây 5 tỷ đồng...
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chung- Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Cùng với nguồn vốn cho vay thường niên, chúng tôi sẽ cố gắng cân đối, ưu tiên các nguồn vốn từ các chương trình khác, nhất là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 để bố trí cho người dân vay phát triển dược liệu, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu về vốn vay ưu đãi để bà con phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần vào giảm nghèo nhanh và bền vững.
Phúc Nguyên