Cần có biện pháp quản lý thị trường giống sâm Ngọc Linh
Còn khoảng 1 tháng nữa là đến thời điểm người trồng sâm Ngọc Linh ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei xuống giống. Trong khi nguồn hạt và cây giống được thu hái, gieo ươm ở các vườn sâm Ngọc Linh của tỉnh không dễ mua, thậm chí là không có bán, thì người dân ở vùng trồng sâm lại đang dễ dàng mua được hạt giống bán trôi nổi trên thị trường với số lượng lớn.
Hơn 100.000 đồng cho mỗi hạt sâm Ngọc Linh là số tiền mà không ít người dân ở làng Xa Úa, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei đã bỏ ra để hiện thực hóa hy vọng trồng loài dược liệu có giá trị kinh tế cao này. Dù cũng đặt nghi vấn về nguồn gốc, chất lượng hạt giống, nhưng vì muốn trồng sâm Ngọc Linh nên nhiều người bỏ qua.
Anh A Thim- Trưởng thôn Xa Úa cho biết, trong làng có khoảng 30 hộ dân đã mua hạt giống sâm, dù không biết về nguồn gốc và cũng không rõ về người bán. Nhà mua ít khoảng 40 hạt, nhà mua nhiều tới hơn 100 hạt với giá tiền một hạt không dưới 100.000 đồng.
Nghi ngại về chất lượng hạt giống, Trưởng thôn A Thim đã cảnh báo người dân trong làng. Nhưng cuối cùng, chính anh cũng bỏ ra hơn 500.000 đồng mua 5 hạt để “trồng thử xem sao”.
Dù đã nhiều năm trồng sâm Ngọc Linh, hiện đang sở hữu khoảng 200 gốc giống bản địa trong vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh Kon Tum, song A Thim cũng không dám chắc đâu là hạt giống từ cây sâm Ngọc Linh bản địa và đâu là loại hạt dân làng và chính anh mua trôi nổi trên thị trường.
|
Đến khi được cho xem gói hạt giống bán trôi nổi trên thị trường còn nguyên cả chùm quả, A Thim mới tự tin khẳng định qua việc phân biệt một số đặc điểm dị thường ở phần cuống chùm quả. “Đây không phải là hạt sâm Ngọc Linh trên núi mình rồi. Tôi khẳng định không phải là sâm Ngọc Linh vì nó khác đấy. Sâm Ngọc Linh thật, cái cuống của chùm quả không to, không cứng, thô như thế này mà dẻo và rất mịn màng”.
Qua tìm hiểu thì từ nhiều năm trước đã xảy ra tình trạng người dân trồng hạt giống sâm Ngọc Linh mua trôi nổi trên thị trường.
Quá trình sinh trưởng, phát triển cây sâm có nhiều dấu hiệu bất thường so với giống sâm Ngọc Linh bản địa, như: Những nơi đất tốt chỉ sau khoảng 4 năm trồng cây cao tới cả mét, thậm chí hơn 1,5m. Phần củ to gấp nhiều lần so với giống sâm Ngọc Linh bản địa.
Còn khoảng 1 tháng nữa là đến thời điểm xuống giống sâm Ngọc Linh. Trong khi người trồng loại dược liệu “Quốc bảo” này đang khát giống thì bằng một cách nào đó nguồn cung hạt giống trên thị trường lại đang rất dồi dào.
Nếu như giá một hạt sâm loại này được bán ngay tại vùng trồng sâm khoảng 100.000 đồng thì người muốn mua cũng có thể đặt hàng qua mạng với giá 10.000 đồng một hạt và thậm chí còn rẻ hơn nữa nếu mua nhiều.
Hiện về mặt quản lý nhà nước, người dân không được phép trồng giống sâm Ngọc Linh bán trôi nổi trên thị trường. Nhưng theo phản ánh của đại diện một doanh nghiệp chuyên trồng, chế biến sâm Ngọc Linh có uy tín của tỉnh, thì dù có không cho, thực tế người dân cũng đã trồng.
Vấn đề đặt ra với công tác quản lý hiện nay là ngăn chặn triệt để không cho người dân đưa giống lạ vào trồng hay chấp nhận cho trồng nhưng dưới sự quản lý chặt chẽ của ngành chức năng? Đây là câu hỏi cần có câu trả lời, cùng với đó là những giải pháp cụ thể ngay trước vụ xuống giống sâm Ngọc Linh năm nay để bảo vệ chất lượng nguồn giống cũng như thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Khoa Điềm