Bước phát triển bền vững
Năm 2020, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta đã “giữ thăng bằng” tốt cho kinh tế - xã hội. Và năm 2021, chúng ta luôn nỗ lực vì sự phát triển bền vững.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau thời gian dài nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, sức chống chịu và nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp và người dân đã giảm sút đáng kể.
Trong bối cảnh ấy, Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đã có những quyết sách nhanh, kịp thời, kiên quyết trong việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nhất là thực hiện linh hoạt, phù hợp với thực tế chỉ đạo của Chính phủ về “mục tiêu kép” phòng, chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế; kịp thời chuyển hướng thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.
Chính điều đó đã tạo nên động lực mạnh mẽ, trực tiếp bảo đảm ổn định xã hội; phục hồi, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những gì diễn ra trong một năm qua cho thấy, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã tích cực, chủ động tham gia vào quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả; thi đua thực hiện các mục tiêu đề ra, và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
|
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2021, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng 6,47% so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 47,1 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 100% dự toán địa phương giao, bằng 115,4% so với cùng kỳ. Đến cuối năm, toàn tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giá trị xuất khẩu 290,5 triệu USD, đạt 179% kế hoạch…
Điểm sáng đầu tiên cần kể đến là khu vực doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, góp phần tạo nên bức tranh kinh tế với những gam màu sáng.
Sau năm 2020 chật vật, cộng đồng doanh nghiệp đã thích ứng với trạng thái kinh tế mới; năng động và tin tưởng vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Số doanh nghiệp giải thể giảm (33 doanh nghiệp, giảm 23% so với cùng kỳ) và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng (98 doanh nghiệp, tăng 51% so với cùng kỳ) cho thấy điều đó.
Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng nổi bật của năm 2021, với 43 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký gần 13.638 tỷ đồng.
Trong đó, có một số tập đoàn lớn của thế giới và trong nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Gần đây nhất, ngày 29/11, Tập đoàn De Heus Hà Lan và Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam đã ký ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Kon Tum về việc hợp tác triển khai Tổ hợp dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum với quy mô trên 200ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.450 tỷ đồng.
Một điểm sáng không thể không nhắc đến là cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, tỉnh đã đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Kon Tum, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tỉnh vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế.
|
Báo cáo của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XII cho hay, một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn; thành lập mới doanh nghiệp; diện tích trồng mới các cây dược liệu khác; thu hút khách du lịch...
Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là một “điểm nghẽn”, dù từ tháng 9/2021, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Đến hết tháng 10/2021, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 55,8 % kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2 %).
Nông nghiệp cũng gặp không ít thách thức. Giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng cao; dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, rủi ro tiếp tục gia tăng; sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, việc đề ra những giải pháp phù hợp và linh hoạt sẽ mang yếu tố quyết định.
Trước hết, cần khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng để sớm đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn.
Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, các dự án lớn, quan trọng của tỉnh. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư. Tập trung nội lực, thúc đẩy phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp kết nối, tạo việc làm cho người dân; chủ động tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cần phải nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở; bám sát yêu cầu thực tiễn, kịp thời có kế hoạch, phương án, biện pháp phù hợp để vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Hồng Lam