Biến “đất chết” thành vườn sản phẩm OCOP giá trị cao
Sau hai năm kể từ ngày thành lập, Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Thái Thanh (HTX Thái Thanh) do ông Nguyễn Duy Lơ làm giám đốc cùng một số thành viên biến vùng “đất chết”, cho ra đời sản phẩm bưởi da xanh sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP đạt sản phẩm OCOP nổi tiếng. Đặc biệt, trong dịp Tết này, HTX Thái Thanh đưa ra thị trường sản phẩm bưởi có chữ nổi (phúc, lộc, thọ) có giá trị kinh tế cao, lượng cung không đủ cầu.
Từng tha hương từ tỉnh Nam Định vào xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy lập nghiệp với hai bàn tay trắng và không một tấc đất cắm dùi. Tuy nhiên, bằng sự cần cù lao động, chịu thương, chịu khó, khai phá đồi hoang cỏ tranh, chỉ sau một thời gian, ông Nguyễn Duy Lơ biến vùng “đất chết” dưới chân đồi Sạc Ly trở thành một trang trại với hơn chục hécta cây ăn quả bưởi da xanh, bơ, sầu riêng, cao su... xanh tốt, hàng năm thu về tiền tỷ. Đặc biệt, người dân trong vùng còn ngợi khen, chỉ sau hai năm cùng với một số người dân trên địa bàn xã thành lập HTX Thái Thanh, sản phẩm bưởi da xanh được sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP của HTX đạt sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh.
Điều đáng nói, mặc dù bưởi da xanh không phải là cây đặc sản ở địa phương vì nó có nguồn gốc từ miền Nam, nhưng sản phẩm bưởi da xanh của HTX Thái Thanh chất lượng không thua kém bưởi da xanh ở miền Nam, được người tiêu dùng đánh giá cao, chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để kiểm chứng cho lời ngợi khen của người dân cũng như các cán bộ khi ăn bưởi da xanh của HTX Thái Thanh, mới đây, tôi cùng với một số cán bộ xã đến tham quan vườn bưởi và được ăn bưởi. Đúng như những gì người tiêu dùng đánh giá, không thể chê vào đâu được, có phần nhỉnh hơn về độ ngọt thanh so với bưởi da xanh ở miền Nam.
Là người gắn bó với nông dân và trực tiếp tạo điều kiện cho ông Nguyễn Duy Lơ xây dựng thương hiệu sản phẩm bưởi da xanh của HTX Thái Thanh, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi Trần Lệnh Tuyến hồ hởi quả quyết, vùng đất dưới chân đồi Sạc Ly ông Nguyễn Duy Lơ cũng như nhiều thành viên của HTX Thái Thanh canh tác, một thời từng bị bom đạn trong chiến tranh cày xới, chỉ có cỏ tranh và le, nứa phát triển. Gắn bó với vùng đất này và Trưởng thôn Đăk Tang, ông Nguyễn Duy Lơ là đảng viên, cán bộ thôn năng động, nói đi đôi với làm, phát huy tốt vai trò “đầu tàu” trước người dân. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Lơ còn vận động nhiều hộ trong thôn tham gia thành lập và phát triển HTX Thái Thanh để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm cây ăn để góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong vùng.
|
Từ một vùng đất nghèo, khốn khó, đến nay, các hộ thành viên HTX Thái Thanh cũng như phần lớn người dân ở thôn Đăk Tang đã thoát nghèo. Ngay cả như hai năm trở lại đây do tác động của đại dịch Covid-19, trong khi nhiều nơi đầu ra cho sản phẩm của nông dân gặp khốn khó, nhưng sản phẩm bưởi da xanh cũng như nhiều sản phẩm khác làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó. Trong dịp Tết Nguyên đán này, HTX Thái Thanh còn cho ra mắt bưởi có chữ nổi độc, lạ được người tiêu dùng đánh giá cao. Bình quân mỗi trái bưởi được ép tạo chữ nổi (phúc, lộc, thọ) đưa ra thị trường trong dịp Tết này 200 nghìn đồng/quả. Mặc dù vậy, nhưng sản phẩm đều có đơn đặt hết hàng, lượng cung không đủ cầu.
Có được điều này, bên cạnh việc HTX Thái Thanh chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn cho người sử dụng; còn có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX Thái Thanh xây dựng thương hiệu. Nhưng trên hết vẫn là những người lãnh đạo HTX Thái Thanh năng động, sáng tạo, vượt khó, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… biến “đất chết” thành vùng cây ăn quả, tạo ra sản phẩm bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn OCOP nức tiếng ngon.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh: Kinh tế tập thể (KTTT) tiếp tục khẳng định được vai trò, sự cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương các cấp xác định rõ nhiệm vụ xây dựng phát triển HTX kiểu mới, đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp. KTTT có đóng góp quan trọng về phát triển kinh tế và góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao...
Từ mô hình của HTX Thái Thanh, chúng tôi nghĩ cần đẩy mạnh hơn nữa việc lan tỏa những HTX năng động, sáng tạo, hình thành chuỗi giá trị, tạo ra thương hiệu có chất lượng, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân.
Văn Nhiên