Áp lực khi giá xăng dầu, gas đồng loạt tăng cao
Thời gian qua, giá các mặt hàng xăng dầu, gas đua nhau tăng vọt. Điều này gây nên sức ép đối với chi tiêu của người dân và hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đồng thời, kéo theo nỗi lo giá cả hàng hóa sẽ leo thang trong những tháng cuối năm.
Ngày 26/10, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng. Theo đó, giá xăng E5RON92 bán ra tăng thêm 1.427 đồng/lít lên mức 23.110 đồng/lít, xăng RON95 tăng thêm 1.459 đồng/lít lên mức 24.338 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel bán ra cũng tăng thêm 8,48%, dầu hỏa tăng 7,39% so với kỳ trước; tương đương mức giá bán là 19.060 đồng/lít dầu diesel; 17.630 đồng/lít dầu hỏa. Giá xăng dầu hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua khiến nhiều người không khỏi lo lắng.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum)- một lái xe chạy dịch vụ cho biết: Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại nên rất ít khách. Bình thường tôi đã phải tính toán rất chi li để có mức giá cước cạnh tranh nhất. Thế nên, mỗi khi thấy thông tin xăng dầu tăng giá là tôi lại đau đầu, bởi nếu tăng giá cước thì không có khách còn nếu giữ giá thì không có công. Giá xăng dầu hiện nay thực sự đang làm khó những tài xế như tôi.
Giá xăng dầu tăng lại trùng với thời điểm nhiều doanh nghiệp vận tải đang tái khởi động các hoạt động sau một thời gian dài ngưng trệ, tạm dừng vì dịch bệnh, tạo ra sức ép lớn đối với nhiều đơn vị. Bởi, các doanh nghiệp không thể lập tức điều chỉnh tăng giá vé, thậm chí trong thời điểm này còn phải tìm các phương án giảm chi phí phát sinh, giữ nguyên giá cước để không mất khách hàng.
|
Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, việc giá cả mặt hàng này tăng cao sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thế nên, nhiều người tỏ ra lo ngại, một khi giá nhiên liệu đầu vào tăng sẽ gây áp lực lớn buộc các nhà sản xuất, kinh doanh phải tăng giá sản phẩm hàng hóa, nhưng điểm đến cuối cùng của hàng hóa là người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu những chi phí gia tăng do giá xăng dầu tăng cao.
Cùng với giá xăng dầu, trong 5 tháng qua, giá gas cũng không ngừng leo thang. Từ đầu tháng 6 đến nay, giá gas bán ra trên thị trường đã được điều chỉnh 5 lần, với mức tăng tổng cộng hơn 100.000 đồng/bình loại 12kg. Hiện giá gas bán ra trên thị trường tỉnh ta đã ở mức từ 460.000 -500.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Chị Phạm Thị Nhi (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Khi tôi gọi điện đến đại lý để yêu cầu đổi bình gas, nghe nhân viên báo giá gần 500.000 đồng/bình khiến tôi không khỏi giật mình. Bình quân, cứ 2 tháng nhà tôi dùng hết một bình gas, như vậy mỗi tháng tính ra hết khoảng 250.000 đồng tiền chi phí đun nấu, quá tốn kém. Cứ đà này, có khi tôi cũng ráng tiết kiệm để mua chiếc bếp từ thay bếp gas để nấu nướng vừa sạch sẽ, an toàn lại tiết kiệm hơn nhiều.
Bên cạnh nỗi lo giá gas sẽ còn “nhảy vọt” trong thời gian tới, người dân còn e ngại tình trạng sang chiết gas lậu, gas giả khi giá bán mặt hàng này tăng cao.
Có thể nói, việc một loạt các mặt hàng nhiên liệu đồng loạt “rủ nhau” tăng giá làm ảnh hưởng đến chi tiêu của nhiều gia đình.
|
Chị Nguyễn Thị Quang (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) tính toán: 2 vợ chồng tôi, mỗi người làm việc ở một địa bàn đều rất xa nhà, nên bình thường chi phí đi lại cũng đã khá tốn kém, nay giá xăng tăng khiến gia đình mất thêm một khoản đáng kể so với trước đây. Hơn nữa, giá gas hiện tại cũng làm tăng thêm chi phí sinh hoạt của gia đình tôi, trong khi đồng lương không thay đổi, các khoản chi tiêu khác khác như học hành của con, ăn uống đều không thể cắt giảm.
Đây không chỉ là chuyện của riêng gia đình chị Quang mà là nỗi trăn trở chung của rất nhiều người bởi hiện tại, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập của không ít người dân. Mỗi khoản chi phát sinh thêm một ít, nhưng gộp lại sẽ thành một khoản không hề nhỏ và tạo nên gánh nặng trong chi tiêu và cuộc sống của mỗi gia đình.
Thiên Hương