Vợ chồng nghệ nhân giữ gìn nghề đan lát
Từ khi còn nhỏ, ông A Thieuh (82 tuổi) và bà Y Nhôi (78 tuổi) ở làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) đã say mê vẻ đẹp mộc mạc, tinh tế của những sản phẩm thủ công truyền thống. Và cho đến nay, dù đã cao tuổi, hai vợ chồng nghệ nhân vẫn giữ nghề như một thói quen khó bỏ.
Đến làng Kon Trang Long Loi từ sáng sớm, được Trưởng thôn A Phong dẫn đường, chúng tôi đến thăm nhà của vợ chồng nghệ nhân A Thieuh và Y Nhôi. Căn nhà của ông bà rộng rãi, khang trang nằm trên một gò đất cao bằng phẳng, thoáng mát, xung quanh là rẫy cà phê xanh tốt.
Bà Y Nhôi đón chúng tôi bằng cái nắm tay nồng ấm, nở nụ cười hiền nói: “Từ sớm, già A Thieuh đã mang măng ra chợ bán rồi. Ngày nào cũng vậy, già A Thieuh cũng kiếm việc để đi, để làm chứ ngồi một chỗ thì không chịu nổi”.
Vừa uống nước vừa trò chuyện một lúc thì già A Thieuh về với chiếc gùi đầy rau và cá. Bắt tay chào khách, già A Thieuh niềm nở: “Măng bán hết rồi, tôi tranh thủ mua thêm ít cá suối ngoài chợ về, vì đây là món ăn ưa thích của hai vợ chồng”.
|
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề đan lát truyền thống, nghệ nhân A Thieuh nhanh chóng đi vào nhà kho sau vườn, mang ra đủ các vật dụng như niêu, thúng, gùi để giới thiệu cho chúng tôi xem. Lấy một chiếc niêu cũ đã bị hư hỏng nhẹ, ông dùng dao nạy lấy từng sợi nan tre đã mục rồi tiến hành thay nan mới. Vừa làm, già A Thieuh vừa kể, ngày xưa bà con trong làng còn nhiều khó khăn, cuộc sống dựa vào tự nhiên còn nhiều nên đã nghĩ cách sáng tạo ra hàng loạt các công cụ phục vụ đời sống, săn bắn, mò cua bắt ốc. Cũng từ đấy, thanh niên trai tráng trong làng lúc ấy ai cũng biết đan lát như một bản năng để sinh tồn. Ai giỏi thì đan đẹp, đan nhanh, được nhiều người để ý và ngưỡng mộ, đến học hỏi. Còn ai không thạo bằng vẫn có thể tự đan để phục vụ cuộc sống của mình.
Già A Thieuh cho biết, ông thạo đan lát từ rất sớm vì từ nhỏ đã được cha mình chỉ dạy. Nhờ sự tỉ mỉ và chịu khó học hành, ông đã làm thông thạo rất nhiều vật dụng để phục vụ đời sống. Đặc biệt, theo những nghệ nhân khác, già A Thieuh là một trong số ít nghệ nhân trong làng còn thông thạo và nắm giữ kĩ thuật đan gùi đẹp, nhất là chiếc gùi dành cho đàn ông Ba Na.
Theo nghệ nhân A Thiêuh, người Ba Na xưa chủ yếu sống ven sông, ven suối nên mỗi khi lên rừng phải mất nhiều ngày mới về đến nhà. Vì vậy, chiếc gùi khi ấy là vật dụng không thể thiếu để có thể mang vác những thứ tìm được từ rừng. Với chiếc gùi thông dụng mà ta thường thấy có hình trụ, bên trên để trống dùng để bỏ các vật dụng lớn như măng, le, củi... Ngoài ra, còn có một loại gùi có thiết kế đặc biệt hơn, làm tốn công hơn gấp nhiều lần, có thiết kế phía trên đậy kín, chỉ chừa miệng bên hông được gọi là chiếc gùi cho đàn ông.
|
Già A Thieuh giải thích, ngày xưa những việc như đi lấy củi, hái măng, le thường dùng cho phụ nữ. Còn đàn ông thì vào rừng sâu dài ngày hơn, có khi ở cả tháng để tìm những sản vật quý hiếm, hoặc đi khai phá vùng đất mới nên cần dự trữ thức ăn theo. Chính vì vậy, chiếc gùi có thiết kế đặc biệt như trên ra đời để cho đàn ông Ba Na chuyên đi rừng.
Bà Y Nhôi cũng là một nghệ nhân trong làng thành thục đan lát. Dù đã cao tuổi, nhưng khi hỏi về nghề, đôi mắt bà như sáng lên ngọn lửa đam mê. Đôi tay mân mê những chiếc gùi do chính tay mình làm và kể với chúng tôi: “Tôi theo mẹ học đan lát từ khi mười tám, đôi mươi. Ngày ấy, nhà tôi với nhà của già A Thieuh cùng làng nhưng cách nhau khá xa. Một hôm đẹp trời đang lúc theo mẹ ra sông bắt cá thì gặp trai tráng trong làng đang tắm sông, trong đó có già A Thieuh. Thích nhau từ lần gặp đầu tiên, nhưng mãi sau này chúng tôi mới có dịp gặp lại trong một lần cả hai tham gia dựng nhà rông.
Bà Y Nhôi kể rằng, khi lấy A Thieuh về thì bà không còn đan nữa mà chủ yếu là phụ giúp ông vót mây, tre, chuẩn bị nguyên liệu và hoàn thành công đoạn cuối của mỗi sản phẩm. Theo bà, việc khai thác nguyên liệu vô cùng quan trọng. Sau khi tre nứa được chặt ở rừng về, bà phải lựa những cây không quá già cũng không quá non để tăng độ bền cho sản phẩm. Ông A Thieuh khéo tay hơn nên thường làm phần khung chính, những công đoạn buộc, siết cho chặt thì bà Y Nhôi sẽ phụ giúp. “Hồi ấy còn khỏe, tay chân nhanh nhẹn, chúng tôi có thể cùng nhau hoàn thành một chiếc gùi lớn chỉ trong một ngày. Chứ giờ mắt mờ, tay chậm thì có khi cả tuần mới xong”- bà Y Nhôi chia sẻ.
|
Hiện nay, do đã già yếu, không thể tự đi vào rừng như trước nên ông bà thường nhờ con cái vào rừng chặt tre, lồ ô, mây về để có nguyên liệu đan các vật dụng. Hiện tại, các vật dụng đan lát mà vợ chồng nghệ nhân làm ra chủ yếu để phục vụ trong gia đình, không còn đem ra chợ bán như trước đây. Thỉnh thoảng, có người tìm đến đặt hàng ông bà đan những chiếc gùi lớn, hoặc những chiếc niêu với những họa tiết thật đẹp. Đôi khi, ông bà cùng nhau đan để trưng bày trong nhà, tặng cho người thân.
Theo bà Y Nhôi, những sản phẩm đan lát bằng mây tre ngày xưa không chỉ là vật dụng để sử dụng hàng ngày mà còn được xem là tài sản quý được cất giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc được dùng làm của hồi môn cho con cái khi lập gia đình. “Tôi chỉ có hai người con nhưng không ai có đam mê theo nghề cả, nên cũng hơi buồn” – bà Y Nhôi bộc bạch.
Những năm gần đây, cuộc sống ngày càng phát triển, các vật dụng hiện đại, tiện lợi ra đời khiến nghề đan lát trong làng ngày càng mai một. Tuy nhiên, trong làng hiện giờ vẫn còn rất nhiều nghệ nhân biết đan lát và sẵn sàng truyền nghề mỗi khi có dịp. May mắn là gần đây, nhờ có việc phát triển du lịch cộng đồng nên các sản phẩm đan lát truyền thống dần được du khách quan tâm tham quan mỗi khi có dịp đến du lịch tại làng, từ đó mà nhu cầu đặt hàng đan lát cũng có tăng nhưng không đáng kể, người dân vẫn không thể kiếm sống bằng nghề được.
Ánh mắt trầm buồn, bà Y Nhôi tâm sự với chúng tôi, dù hiện nay sản phẩm đan lát không còn được mọi người ưa chuộng nữa, lớp trẻ không còn mặn mà nữa nhưng hai vợ chồng nghệ nhân quyết gắn bó với nghề vì nó như là món ăn tinh thần, một phần máu thịt không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ.
HOÀNG THANH