Giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống
Trò chuyện với vợ chồng nghệ nhân ưu tú Y Nhuih và A Thui, tôi không chỉ bị cuốn hút bởi sự am hiểu sâu sắc nhạc cụ và điệu múa truyền thống mà còn cảm nhận được tấm lòng của họ trong việc gìn giữ và làm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống.
Đến thôn Kon Trang Long Loi, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, việc tìm nhà vợ chồng nghệ nhân A Thui và Y Nhuih không khó. Vừa hỏi thăm là tôi đã được người dân nhiệt tình chỉ đường đến nhà nghệ nhân.
Ông A Thui (sinh năm 1958), không chỉ nổi tiếng với khả năng chế tác và biểu diễn các nhạc cụ truyền thống (cồng chiêng, t’rưng, k’lông put, ting ning, đing hor...) mà còn có lòng nhiệt huyết trong việc truyền dạy cho lớp trẻ. Trong căn nhà sàn nhỏ đầy ắp nhạc cụ, bên bếp lửa, ông giới thiệu cho tôi âm điệu từng chiếc cồng, chiếc chiêng. Đặc biệt với khả năng thẩm âm tinh tường, khi gõ từng chiếc chiêng, ông có thể nhận ra ngay chiêng nào bị lạc và dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để chỉnh sửa từng chiếc chiêng lạc âm, mang lại âm thanh trong trẻo và sống động.
|
Khi ông hòa tấu một bài chiêng, tôi như được bước vào không gian yên ả của núi rừng, cảm nhận từng cơn gió thoảng qua, từng chiếc lá rơi nhẹ xuống mặt đất. Bài chiêng vừa dứt, ông A Thui chia sẻ với giọng chân thành: “Âm nhạc chính là cầu nối giữa con người, giữa các thế hệ và là linh hồn của dân tộc. Mỗi lần đánh chiêng, tôi lại cảm thấy như tổ tiên đang ở bên mình, như mình là một phần trong giai điệu của cồng chiêng”.
Bên cạnh ông, bà Y Nhuih (sinh năm 1968), một người phụ nữ tràn đầy năng lượng và đam mê, đã dành nhiều tâm huyết để gìn giữ và truyền dạy điệu múa xoang. Đó không chỉ là điệu múa, mà còn là cách bà kể lại những câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống và cả nỗi lòng.
Dưới ánh nắng lấp lánh lọt qua khung cửa sổ, bà thực hiện uyển chuyển từng động tác, làn khói bếp tỏa lên làm nền cho những bước chân nhẹ nhàng mà dứt khoát. “Múa xoang không chỉ là những bước nhảy, mà còn là cách tôi kể lại những câu chuyện về cuộc sống, tình yêu và nỗi lòng” - bà Y Nhuih chia sẻ.
Bà cũng tự hào rằng, đội múa xoang của thôn Kon Trang Long Loi biểu diễn mở đầu tại Đêm hội cồng chiêng, xoang chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV. Đó là nguồn động lực lớn lao để bà tiếp tục truyền lửa cho những cô gái trẻ trong thôn.
|
Vợ chồng nghệ nhân A Thui và Y Nhuih được Nhà nước công nhận Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015. Mặc dù có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhưng vợ chồng nghệ nhân vẫn luôn trăn trở về việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong cuộc sống hiện nay, khi mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng, họ cảm nhận rõ sự thờ ơ của lớp trẻ với những giá trị truyền thống.
Ông A Thui trăn trở: “Xã hội thay đổi, hiện đại hơn và du nhập những cái mới mẻ là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu không có ai giữ “lửa” truyền thống, thì âm nhạc và điệu múa truyền thống sẽ dần bị lãng quên”.
Để những tiếng nhạc và điệu múa truyền thống không bị lãng quên, hai ông bà đã mở các lớp dạy nhạc cụ và múa xoang miễn phí cho thanh thiếu niên trong thôn. Họ không những chỉ dạy kỹ thuật, mà còn truyền đạt về ý nghĩa sâu xa sau từng điệu múa, từng nhịp chiêng.
“Tôi tin rằng, khi các cháu hiểu rõ giá trị văn hóa của mình và đặt cảm xúc vào điệu múa, các em sẽ tự hào hơn về nguồn cội và muốn gìn giữ gìn và phát huy nó” - bà Y Nhuih tâm sự.
Cuộc trò chuyện tạm ngưng vì sự xuất hiện của em A Ngư (sinh năm 2011) và A Siu (sinh năm 2013). Ông A Thui giới thiệu: “Đây là hai cháu mới tham gia vào đội gần đây thôi, rất có năng khiếu. Tôi dạy bài nào là các cháu nhớ bài đó, tiếp thu nhanh lắm”.
Việc truyền dạy nhạc cụ tuy không bài bản như lớp chính quy, không có bàn ghế hay quy tắc nào cả, nhưng bằng tấm lòng của mình, nghệ nhân A Thui đã và đang từng bước làm cho lớp trẻ xao xuyến. Qua những nhạc cụ được sắp xếp gọn gàng trong một góc nhà, và khi có mấy đứa trẻ đến, ông lại ngồi xuống, chậm rãi hướng dẫn cho các em từ những nốt nhạc đầu tiên đến bài hoàn chỉnh, phức tạp.
Còn bà Y Nhuih cũng thường xuyên tham gia các buổi tập, tuy không trực tiếp chỉ dạy nhạc cụ, nhưng bà luôn đứng bên động viên, kể những câu chuyện để khơi dậy niềm đam mê trong lòng các em. “Tôi muốn các cháu đến đây không chỉ được học mà còn được hiểu, được cảm nhận rằng văn hóa là thứ thiêng liêng, là cội rễ của dân tộc” - bà chia sẻ.
|
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của vợ chồng nghệ nhân, nhiều thanh niên trong thôn đã tham gia lớp học và dần cảm nhận niềm vui, niềm say mê văn hóa truyền thống. Và ông A Thui hiện là Đội trưởng Đội nghệ nhân làng Kon Trang Long Loi, với hơn 40 thành viên thuộc đủ mọi lứa tuổi. Đội nghệ nhân này đã biểu diễn ở nhiều sự kiện lớn, từ trong vùng đến các chương trình của tỉnh.
Những buổi biểu diễn ấy không chỉ là để đội thể hiện tài năng, giới thiệu văn hóa mà còn là cơ hội để lan tỏa giá trị văn hóa. Trong buổi biểu diễn gần đây tại Đêm hội cồng chiêng, xoang chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh, âm thanh nhạc cụ hòa quyện với những bộ trang phục rực rỡ đã tạo nên một không khí sôi động. “Tôi rất tự hào khi thấy các cháu tự tin thể hiện tài năng và lòng yêu văn hóa của mình” - bà Y Nhuih vui mừng nói.
Ông A Thui và bà Y Nhuih hy vọng rằng, qua những nỗ lực của mình, lớp trẻ sẽ nhận thức rõ hơn về giá trị văn hóa dân tộc. Ông A Thui chia sẻ: “Chúng tôi mong rằng, thế hệ trẻ sẽ không chỉ là người bảo tồn văn hóa mà còn là những người sáng tạo ra giá trị mới, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại”.
Họ cũng hy vọng Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm và có chính sách hỗ trợ để các nghệ nhân và văn hóa của đồng bào DTTS được bảo tồn và lan tỏa mạnh mẽ hơn. Đối với vợ chồng nghệ nhân, nỗi niềm lớn nhất là làm sao để âm nhạc và điệu múa truyền thống tiếp tục tỏa sáng trong lòng thế hệ trẻ.
Bằng tấm lòng và tình yêu của mình với văn hóa truyền thống, vợ chồng nghệ nhân A Thui và Y Nhuih không chỉ giữ “lửa” mà còn truyền tải tình yêu quê hương và những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Ba Na tỏa sáng giữa đại ngàn.
Y Đô