Lão nông làm nhà rông mô hình
Già A KLang không phải nghệ nhân mà chỉ đơn thuần là một lão nông mê đan lát, khéo tay hay làm. Sinh ra ở làng, am hiểu kiến trúc nhà rông truyền thống lại có đam mê đan lát, già A KLang đã tự thiết kế, sáng tạo, làm nên các nhà rông, nhà dài mô hình bằng tre, tranh, nứa, dây mây.
Giới thiệu cho khách xem 1 nhà rông mô hình, 1 nhà dài mô hình đã hoàn thành, trong khi ai nấy đều trầm trồ khen ngợi thì già A KLang (thôn Đăk KĐem, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà) vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Xoay nhà rông mô hình chầm chậm theo vòng tròn, nhìn ngắm kỹ càng một lần nữa, già vẫn tỏ ý không hài lòng bởi một vài chi tiết chưa như mong muốn. Giải thích về lí do, già bảo, vì làm vội vàng nên nhà rông mô hình chưa thực sự hài hòa. Nay mai, già sẽ sửa lại các cột, ráp lại phần mái để nhà rông hài hòa hơn, để mô hình mô phỏng được đặc trưng nghệ thuật của nhà rông truyền thống.
Nhà rông truyền thống sừng sững ở làng được làm nên bởi sự góp sức, góp trí tuệ của cả thôn, cả làng. Còn khi làm nhà rông mô hình, già A KLang phải đấu trí với chính mình, vừa làm “nhà thiết kế” lại vừa “thi công”. “Một mình chuẩn bị vật liệu, một mình quyết, một mình làm, vậy mà nhiều hồi vẫn mâu thuẫn giữa các khâu, vẫn không ưng ý đấy!” - già A KLang cười.
|
Chiêm nghiệm lại trong quá trình làm nhà rông mô hình, già A KLang nói rằng, ngoài việc am hiểu kiến trúc, ý nghĩa của nhà rông truyền thống, người làm nhà rông mô hình cần có óc sáng tạo, sự tỉ mỉ và tính kiên trì. Nhà rông mô hình càng nhỏ thì làm càng khó. Nhưng dù với tỉ lệ nào, người làm cần đảm bảo nhà rông mô hình phải là bản sao thu nhỏ của nhà rông truyền thống.
Từ thuở còn thanh niên trai tráng, già A KLang đã cùng bà con dân làng dựng nên nhà rông truyền thống. Nhưng thuở đó, già chưa có ý định và cũng chưa nghĩ rằng mình sẽ làm nhà rông mô hình.
Chuyện làm nhà rông mô hình của già A KLang có lẽ có điểm xuất phát từ niềm đam mê đan lát. Già không nhớ rõ mình biết đan lát tự bao giờ. Trong kí ức với vô vàn các sự kiện xếp chồng, già chỉ nhớ rằng, tất cả các vật dụng rổ, rá, nia của gia đình đều do một tay già làm nên. Khéo tay đan lát, già làm nên những vật dụng vừa bền, vừa chắc, vừa thẩm mĩ nên được nhiều người trong làng ưa chuộng. Do vậy, vừa làm cho gia đình, già vừa bán các sản phẩm làm ra cho bà con trong làng. Và kể từ đó, đan lát với già là đam mê, trở thành việc làm hàng ngày, dù thu nhập mang lại không đáng kể.
|
Duyên nợ đến với việc làm nhà rông mô hình của già A KLang là khoảng 5 năm về trước, nhìn thấy ông A Loan - một nghệ nhân trong thôn (nay đã mất) làm nhà rông mô hình. Theo đó, già A KLang bắt đầu để ý. “Không lâu sau, khi già A Loan mất đi, có một cô giáo nhờ mình làm nhà rông mô hình như kiểu già A Loan đã làm. Mình nhận lời, dù lúc đó, mình chưa biết và bắt đầu mày mò làm nhà rông mô hình đầu tiên” - già A KLang nhớ như in.
Chẻ tre, đan lạt làm rổ, nia, rá với già A KLang quá đơn giản. Nhưng cũng từ mớ lạt, từ thân tre đó mà làm nên nhà rông mô hình sao thật khó. Trong ký ức, già A KLang nhớ như in ngày đó, ròng rã 2 tuần liền, ngày nào già cũng cặm cụi làm, mà đúng hơn là mày mò tìm hướng làm. “Ôi! Mình lắp vô, tháo ra không biết bao nhiêu lần. Đầu óc cứ suy nghĩ, tìm hướng làm mà quên luôn cái lưng đau thắt, mắt mỏi mờ, tay tê cứng. Mình nhớ, mô hình nhà rông đầu tiên hoàn thành, dù méo mó thể hiện rõ sự vụng về nhưng mình mừng lắm. Biết sao không, vì mình đã tìm ra hướng làm” - già A KLang kể rành mạch.
Từ những vụng về ban đầu, già A KLang dần dần hoàn thiện kỹ năng và rút ngắn dần thời gian làm. Để nhà rông mô hình là bản sao thu nhỏ của nhà rông truyền thống, già chủ yếu sử dụng các vật liệu bằng tranh, tre, nứa, gỗ tạp, dây mây. Chỉ với chiếc dao bén ngót, già tỉ mỉ vót những thanh gỗ nhỏ xíu làm cột gỗ; vót từng cọng lạt, bện lại với nhau để làm vách nhà rông; đẽo các cột gỗ nhỏ, ràng lại với nhau làm phần sàn của nhà rông. Ngoài ra, già cũng tính toán để kích thước, tỷ lệ các phần của nhà rông tương xứng. Tỉ mỉ trong việc chẻ tre, đan, già còn suy nghĩ, tìm ra cách lắp ráp hợp lý để sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật tạo hình đầy ý nghĩa.
Tạm bỏ qua quãng thời gian, quãng đường đi lấy tre, chọn vật liệu, chỉ kể đến việc ngồi hàng ngày trời để làm mô hình nhà rông, đã thấy già A KLang thật kiên trì. Càng nể phục hơn sự chu toàn khi già mày mò, thử đủ các cách để mô hình đẹp nhất, hoàn hảo nhất.
|
Không dừng lại ở nhà rông mô hình, già A KLang tiếp tục suy nghĩ, làm nên nhà dài mô hình. Các kĩ thuật cũng cơ bản như làm nhà rông, già cứ vừa làm vừa rút ra “công thức” để hoàn thiện hơn. Những nhà rông, nhà dài mô hình dần hoàn thành, mang nhiều giá trị về tinh thần đã tạo thêm niềm vui, niềm khích lệ để già tiếp tục với đam mê.
Từ một vài nhà rông, nhà dài mô hình ban đầu, đến bây giờ, già A KLang không nhớ mình đã làm được bao nhiêu nhà rông, nhà dài mô hình với các kích thước khác nhau. “Nghệ thuật mà, cũng từng đó khâu, cũng với công thức đó, nhưng có lúc mình làm đẹp, có lúc chưa thực sự xuất sắc. Tuy vậy, mỗi mô hình đều chứa đựng tất cả tâm huyết, mà hơn cả là tinh thần giữ gìn văn hóa dân tộc của người làm” - già A KLang bộc bạch.
Nhà rông, nhà dài mô hình làm ra với tất cả tinh thần, tâm huyết, nhưng đa số các nhà rông, nhà dài mô hình được già A KLang biếu, tặng cho các thầy cô giáo, người thân, bạn bè.
Mải mê kể chuyện, già A KLang cười hớn hở khi nhớ về ngày cán bộ văn hóa xã Đăk Ui mượn mô hình nhà rông, nhà dài đi trưng bày trong dịp kỉ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Đăk Hà. Tôi hiểu, đó là nụ cười hạnh phúc của một lão nông khi sản phẩm nghệ thuật làm ra với tất cả tâm huyết được sự đón nhận của mọi người.
Mặt trời gần đứng bóng, già A KLang đành xin phép tạm gác câu chuyện làm nhà rông mô hình để đi thả đàn bò đang kêu ầm vì đói từ sáng. Tất bật đeo chiếc túi nhỏ, mở sợi dây, thả bò ra đồng, già A KLang vẫn ngoái lại nói: Trong lúc chăn bò, rảnh rỗi, mình lại vót nan, chẻ lạt.
Tạm biệt già A KLang, chúng tôi về xã. Anh A Thiết – cán bộ công chức Văn hóa xã Đăk Ui cho biết, ở xã, nay chỉ còn già A KLang và già A Yuh biết làm nhà rông mô hình. Dẫu những người biết làm nhà rông mô hình đã già, nhưng lớp thanh niên trẻ, không mấy ai muốn học để “nối nghề”. “Việc đan lát đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì nên lớp thanh niên, khó kiếm ra người có đam mê. Mai này, có lẽ lớp trẻ chẳng mấy ai biết và làm được nhà rông mô hình như cách già A KLang đã làm đâu” - anh A Thiết nói với giọng đầy trăn trở.
Hoài Tiến