Vang mãi tiếng rèn
Nhiều năm qua, ở làng Chung Tam (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) luôn vang lên những tiếng boong boong. Đó là tiếng phát ra từ nhà ông A Um (56 tuổi). Người dân xã Măng Ri gọi ông A Um là một thợ rèn “chính hiệu” bởi ông luôn kế thừa những kỹ năng, kinh nghiệm từ cha mình để rèn ra những lưỡi cuốc, lưỡi rựa… sắc và bền.
Tôi đến xã Măng Ri vào một buổi sáng khi ông mặt trời vừa lấp ló qua các tán cây, kẽ lá, tiếng chim đua nhau hót ríu rít. Chủ tịch UBND xã Măng Ri Dương Đình Chung mời tôi ly chè xanh nóng hổi trước khi vào chuyện. Tâm sự về chuyện người dân trong xã, Chủ tịch UBND xã hài lòng với bà con Măng Ri vì tính cần cù, chịu khó và hơn hết là biết giữ gìn và phát huy các nghề truyền thống.
Măng Ri - nơi được nhiều người nhắc đến với “mùa vàng” trên các thửa ruộng bậc thang mỗi khi mùa lúa chín – nơi có có cây Quốc bảo sâm Ngọc Linh – có sản phẩm thổ cẩm và là “cái nôi” của nhiều thợ rèn nổi tiếng.
Làng Chung Tam cách trụ sở UBND xã vài trăm mét, vượt qua dốc đá, những tiếng boong boong vang vọng rõ dần. Không ai mách bảo, chúng tôi đi về hướng tiếng vang của thợ rèn. Và rồi, xưởng rèn ông A Um cũng hiện ra. Gọi là xưởng cho “sang”, nhưng thực chất chỉ là cái lán tôn dựng kề bên căn nhà vợ chồng ông A Um, rộng khoảng hơn 5m2 đủ để cho 2 vợ chồng ông cùng 1 người cháu làm ra những sản phẩm phục vụ cho việc cấy, cày của bà con Măng Ri.
|
Tiết trời se lạnh, nhưng trên khuôn mặt người thợ rèn mồ hôi vẫn chảy ra nhễ nhại bởi họ đang hì hục dùng búa rèn sản phẩm và đang đối mặt với sức nóng tỏa ra từ lò nung đang đỏ lửa. “Tranh thủ lúc chưa đi làm rẫy, chúng tôi rèn cho xong mấy chiếc cuốc để giao cho bà con, họ đặt tôi từ lâu lắm rồi” – ông A Um thổ lộ.
|
Trước giờ, tôi cứ nghĩ rằng, nghề rèn là dành cho những người có thân hình vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn để có thể chịu được sự khắc nghiệt của nghề. Nhưng sau khi gặp vợ chồng ông A Um cùng người cháu A Miêu (36 tuổi) đang rèn, mới hiểu rằng nghề rèn cần sức dẻo dai, sự khéo léo, tính cần cù và chịu khó. Qua tìm hiểu, để có một sản phẩm ra đời, từ miếng phôi thép, phải trải qua nhiều công đoạn như nung đỏ, đưa lên đe đập… để dần thành hình dạng của sản phẩm, rồi tiến hành mài giũa. Tất cả đều đòi hỏi sức lực cùng sự khéo léo của người thợ rèn.
|
Lựa một tấm sắt chữ V được cắt theo đúng tiêu chuẩn, thợ cả A Um dùng kìm kẹp chặt miếng sắt vùi sâu trong đống than cầy đang đỏ rừng rực. Ông A Um chia sẻ, người Xơ Đăng thường dùng củi thông hoặc những loại củi có tính xốp để nhóm lửa, sau đó dùng củi cây cầy, cây dẻ đốt để cho than nhiều và giữ được độ dai, lâu tàn.
Lò rèn của ông A Um rất đơn giản, ông dùng những viên gạch để che chắn tạo thành bễ và được nối với ống dẫn hơi làm bằng kim loại (ngày xưa làm bằng nứa). Theo truyền thống, lò rèn của người Xơ Đăng còn có bễ hơi được làm bằng da mang, ống bễ bằng gỗ. Qua lực quay của người thợ, túi da co bóp sinh ra hơi và đẩy thẳng vào bễ.
Để giúp cho miếng thép đỏ đều đòi hỏi người thợ thụt ống bễ bằng tay phải điêu luyện, nhanh quá than sẽ chóng tàn, nếu chậm miếng thép sẽ bị chai lỳ nhiệt độ gây khó rèn.
|
Để chứng thực, anh A Miêu vội đến lò rèn, quay nhẹ vài vòng, luồng hơi thổi trực tiếp vào lò khiến than nhanh chóng đỏ rực. Bằng mắt thường, thợ cả A Um thốt lên “thép chín rồi”, sau đó dùng kìm gắp ra, miếng thép rực hồng được đặt trên chiếc đe làm từ vỏ bom chôn cố định xuống đất cách đó không xa. Vợ ông (bà Y Rin, 52 tuổi) cùng A Miêu đánh từng nhát búa mạnh mẽ, đều đặn, dứt khoát và trúng đích khiến miếng thép dần biến dạng theo sự điều khiển lật, trở của thợ cả.
Thấy vợ mình có vẻ đuối sức, ông A Um chủ động đổi vai, ông buông từng nhát búa mạnh xuống miếng thép như thời trai trẻ còn làm thợ phụ cha mình. Và cứ thế, từ một phôi thép qua nhiều lần nung đỏ và đập đã trở thành một sản phẩm cần thiết phục vụ cho đời sống của bà con.
Khi hỏi về người cha, ông A Um chỉ cười hiền và nói rằng: Ông ấy là người cha tốt, đã cho tôi nhiều thứ quý giá, không chỉ là vật chất mà là kinh nghiệm để giữ nghề và xây dựng cuộc sống. Với cái nghề rèn này, đã giúp tôi có thêm việc làm, có thêm thu nhập để phát triển kinh tế gia đình
Ông A Um tâm sự, nhiều năm về trước, khi máy móc chưa được áp dụng vào sản xuất nhiều, nghề rèn với người Xơ Đăng vô cùng quan trọng, giúp bà con có những công cụ để phục vụ cho việc sản xuất. Ngày ấy, nghề rèn hái ra tiền, gia đình tôi có thể mua trâu, xây nhà cũng đều nhờ nghề rèn. Bây giờ, công nghệ phát triển, lượng người làm nông thủ công cũng giảm dần, nhưng nghề rèn vẫn rất cần thiết với bà con. Sở dĩ, con rựa, chiếc cuốc… không thể thiếu, bởi là những thứ gắn bó với bà con từ khi còn bé, nó như vật bất ly thân của mỗi người khi lên rừng, rẫy. Bởi vậy, tôi vẫn bám đuổi nghề rèn đến giờ phút này và mong muốn sẽ truyền dạy lại cho con cháu.
Ông A Um cho biết, cứ trung bình 2 ngày, vợ chồng ông cùng cháu mình sẽ rèn được 8 lưỡi cuốc, mỗi lưỡi sẽ có giá bán từ 300 - 400 nghìn đồng, tùy theo kích thước; còn lưỡi rựa sẽ có giá bán từ 100.000 - 150.000 đồng. Với giá bán này, nhiều người dân ở xã Măng Ri đã tìm đến ông A Um để rèn cho mình một lưỡi cuốc, lưỡi rựa ưng ý, giúp ông A Um có thêm động lực gắn bó với nghề rèn.
Chủ tịch UBND xã Dương Đình Chung cho biết: Ngoài ông A Um, trên địa bàn xã còn gần 10 thợ rèn có độ tuổi trung niên trở lên. Mặc dù việc dùng máy móc trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến, nhưng bà con Xơ Đăng nơi đây vẫn có thói quen sử dụng những công cụ sản xuất truyền thống. Hiện tại, xã đang xây dựng mô hình giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, đưa mô hình này vào Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn xã. Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức về giá trị của nghề truyền thống, đồng thời có trách nhiệm truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ, giúp nghề rèn ở địa phương được bảo tồn và phát triển.
Văn Tùng