Nối giữ hồn chiêng
Tôi về làng Đăk Phía, xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) vào đúng dịp Phòng Văn hóa-Thông tin huyện tổ chức bế giảng lớp truyền dạy cồng chiêng cho 30 thanh thiếu niên. Nhà rông của làng tưng bừng không khác gì ngày hội. Bà con dân làng tụ hội tại nhà rông để cổ vũ cho con, em mình "báo cáo" kết quả sau 3 tháng học tập.
Các em nhỏ khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống với tâm trạng háo hức chờ đợi thời khắc "khoe" với người lớn về kỹ năng biểu diễn cồng chiêng của mình. Buổi biểu diễn bắt đầu, hòa trong âm vang của cồng chiêng và sự reo hò cổ vũ nhiệt tình của dân làng, tôi cảm nhận được phần nào ý thức nối giữ hồn chiêng ở vùng đồng bào DTTS nơi đây.
“Say” cùng nhịp điệu “chiêng nhí”, “xoang nhí”
Đứng xếp hàng chuẩn bị biểu diễn bài chiêng mừng lễ ăn trâu, cậu bé A Lưng Nhiên (10 tuổi) – thành viên nhỏ tuổi nhất của đội cồng chiêng nhí nam làng Đăk Phía gây được sự chú ý của nhiều người.
A Lưng Nhiên có gương mặt rất sáng, lanh lẹ và thần thái rất tự tin nên được nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng chọn là người đánh trống đi đầu. Mặc dù thân hình thấp bé nhưng A Lưng Nhiên vẫn ôm chiếc trống di chuyển thật nhịp nhàng.
|
Khi nhịp trống vang lên, 11 cậu bé còn lại trong đội cồng chiêng nhí nam cũng bắt đầu hòa âm. Dù mới được truyền dạy trong vòng 3 tháng nhưng bài biểu diễn của đội cồng chiêng nhí nam được các nghệ nhân đánh giá cao, các em đánh cồng chiêng không bị chênh, phô mà ngược lại rất có hồn, như cuốn hút cả cộng đồng vào âm thanh chiêng cồng với những rạo rực, mê say...
A Lưng Nhiên cho biết, em rất thích tham gia vào đội cồng chiêng của làng vì muốn góp phần cùng với bà con dân làng Đăk Phía giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Xê Đăng.
Chị Y Lôi - mẹ của A Lưng Nhiên kể, những ngày hè, có những hôm mải đi chơi với lũ bạn trong làng về mệt lăn ra ngủ gà ngủ gật nhưng khi nghe trống hiệu lệnh của nghệ nhân ở nhà rông thì cậu bé bật ngay dậy nhanh chóng để đến lớp học.
Y Nhung (15 tuổi) - chị gái của A Lưng Nhiên cũng muốn giữ văn hóa truyền thống cho làng nên đợt này cũng đã đăng ký tham gia vào đội xoang nhí để được các nghệ nhân truyền dạy.
Vào mỗi buổi chiều, khi các con tập luyện ở nhà rông, chị Y Lôi đều tranh thủ thời gian để lên xem các con biểu diễn. Buổi tối, chị thường cùng con trai tập nhịp lại cho các bài chiêng, rồi cùng con gái tập múa lại các điệu xoang.
Em A Viễn Sang (13 tuổi) cho biết, từ nhỏ em đã mê tiếng cồng, tiếng chiêng. Năm 11 tuổi, em nhờ ông mình chỉ dạy cách đánh cồng chiêng. Với mơ ước được trở thành người đánh cồng chiêng giỏi nhất làng, em cho biết bản thân sẽ cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa.
Sau 3 tháng học tập, A Viễn Sang cùng các bạn nam trong làng đã đánh thành thạo được 7 bài chiêng phổ biến trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Xê Đăng như lễ hội mừng lúa mới, mừng ngày hội thanh niên lên đường nhập ngũ…
Ở đội chiêng nữ nhí, em Y Trang (10 tuổi) – thành viên nhỏ tuổi nhất – được nghệ nhân đánh giá cao về khả năng tiếp thu và ý thức học hỏi của em.
Y Trang chia sẻ: Mỗi lần làng có lễ hội, em thích lắm vì được nghe âm thanh của cồng chiêng. Âm thanh ấy đã cho em cảm giác về một cuộc sống thanh bình như ngôi làng em đang ở. Ở trường, ở lớp, em thường được các thầy cô giáo giảng dạy phải bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và học đánh cồng chiêng, múa xoang cũng là một cách để giữ bản sắc văn hóa truyền thống nên em đã không thể bỏ qua khóa truyền dạy cồng chiêng do các nghệ nhân trong làng hướng dẫn.
Em Y Nguyệt Nhi (14 tuổi) – Đội trưởng đội cồng chiêng nữ nhí hào hứng: Trên tinh thần tự nguyện đăng ký tham gia và với niềm đam mê học hỏi, các bạn trong đội cồng chiêng nữ ai cũng hào hứng tập luyện, không bạn nào vắng mặt quá 2 buổi.
Không chỉ tham gia vào đội cồng chiêng, Y Nguyệt Nhi, Y Trang và 8 bạn nữ khác trong làng còn chăm chỉ lắng nghe, học hỏi từ những người phụ nữ lớn tuổi trong làng truyền dạy các điệu múa xoang. Y Nguyệt Nhi khoe, qua 3 tháng hè, em đã học được 3 điệu xoang.
Nghệ nhân tâm huyết truyền nghề
Đứng ở khoảnh sân trước nhà rông, già A Hling (80 tuổi) quan sát rất kỹ từng em nhỏ biểu diễn cồng chiêng để chỉnh sửa. Ông hiểu tâm lý của những đứa trẻ nên không bao giờ la mắng chúng.
Già A Hling cho rằng, để dạy các em nhỏ đánh cồng chiêng đúng âm, đúng nhịp vất vả hơn rất nhiều so với truyền dạy cho đội của người lớn.
Khi được Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đăk Hà và chính quyền địa phương vận động truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, già A Hling đã nhận lời ngay.
|
Già cho biết, từ lâu già cũng nung nấu ý định truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng; vì già sợ rồi đây những nghệ nhân lớn tuổi như già không còn nữa thì thế hệ con cháu sẽ không còn gìn giữ và bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống. Thế nhưng, do cuộc sống còn khó khăn, điều kiện chưa cho phép nên già chưa thể đứng ra tổ chức, mà chỉ truyền dạy cho số ít con cháu trong gia đình.
3 tháng nay, người làng Đăk Phía thấy già A Hling vui lắm. Hàng tuần, vào chiều thứ 3 và chủ nhật, người làng nhìn thấy ông khệ nệ mang bộ cồng chiêng của mình gồm 12 chiếc từ nhà lên nhà rông để truyền dạy cho lớp trẻ trong làng. Già A Hling dí dỏm và thường hay kể chuyện vui nên luôn được lũ trẻ con quý mến.
Cùng truyền dạy cồng chiêng cho các em ở làng Đăk Phía còn có nghệ nhân A Liang (64 tuổi). Không những nhận lời tham gia truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho thế hệ trẻ mà nghệ nhân A Liang còn không đòi hỏi tiền bồi dưỡng sau 3 tháng truyền dạy cho các em nhỏ.
Ông cho rằng, truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ là cách để giữ tiếng cồng chiêng của làng mãi ngân vang và giữ gìn và phát triển văn hóa cồng chiêng, cũng là cách để giữ nét đẹp cho làng, giữ hồn làng nên không lý do gì lại đi đòi hỏi cho quyền lợi cá nhân.
Không chỉ chỉnh sửa, uốn nắn từng động tác đánh cồng chiêng, cách cầm dùi, nghệ nhân A Liang còn chăm chú hướng dẫn phong thái biểu diễn cồng chiêng cho từng em nhỏ, làm sao để mỗi bước chân nhún nhảy của các em cũng phải hòa với âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng một cách nhịp nhàng.
Nghệ nhân A Liang chia sẻ: Ngày nhỏ, 16 tuổi ông đã được người già trong làng truyền dạy đánh thành thạo cồng chiêng. Mỗi khi trong làng có lễ hội gì, ông đều theo bố, mẹ tham gia biểu diễn đến thâu đêm suốt sáng. Âm thanh của cồng chiêng đã ngấm vào máu thịt ông, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
|
Cùng với 2 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, bà Y Rút (70 tuổi) – người phụ nữ được vận động để truyền dạy múa xoang cho các em nhỏ trong làng cũng rất nhiệt tình hướng dẫn từng động tác bước chân, xoay người nhịp nhàng theo điệu cồng chiêng cho các em nhỏ.
Nhìn đôi tay của các em nhỏ gõ chiêng đều đặn, những bước chân nhịp nhàng lúc chậm rãi lúc gấp gáp rộn ràng theo nhịp điệu cồng chiêng, già A Hling, A Liang thấy lòng mình tràn ngập niềm vui vì ý thức nối giữ hồn chiêng của thế hệ trẻ.
Tú Quyên