Người “giữ hồn” âm nhạc của dân tộc Brâu
Vốn có năng khiếu và niềm đam mê với âm nhạc từ lúc còn thanh niên, đến nay, dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, già Thao Chrêm ở làng Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi), vẫn miệt mài tìm tòi, chế tác, gìn giữ các loại nhạc cụ của dân tộc Brâu. Không giữ cho riêng mình, người “nhạc trưởng” này còn ngày ngày cần mẫn truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.
Già Thao Chrêm được coi là cây đại thụ về âm nhạc truyền thống của người Brâu. Năm nay già đã 84 mùa rẫy, đôi mắt không còn tinh tường, đôi tay không còn nhanh nhẹn, điêu luyện như lúc còn trẻ, nhưng tiếng đàn, tiếng hát của già Thao Chrêm thì vẫn mê đắm lòng người…
Nặng lòng với nhạc cụ truyền thống
Dẫn chúng tôi tới ngôi nhà nhỏ, nơi có 2 vợ chồng già đang sinh sống, trưởng thôn Đăk Mế - Thao Lợi giới thiệu: Nhà già Thao Chrêm đó, ông là bác ruột của mình, ở làng này mọi người coi ông là cây đại thụ về âm nhạc truyền thống của người Brâu đấy.
“Hiện nay, ông là người cao tuổi hiếm hoi trong làng còn chế tác và chơi thành thạo được các loại nhạc cụ đặc trưng của người Brâu, cũng như hiểu được những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Lớp người trẻ như mình, rồi con cháu mình đều do một tay già Thao Chrêm dạy bảo, dìu dắt; từ đó, mới biết đàn hát, đánh chiêng.” - Thao Lợi chia sẻ.
Chúng tôi tới nhà gặp đúng lúc già Thao Chrêm đang mải mê chỉnh sửa lại mấy cây đàn mà bữa trước đám thanh niên mượn chơi đã chỉnh sai các phím đàn.
Già giới thiệu một loạt các loại đàn truyền thống của người Brâu như: Boong Boong, Ching Reng, Goong Đing, Ching Ning, Oong Búk, Bhău...
Tất cả các loại nhạc cụ này đều được làm từ tre nứa, lồ ô chặt ở trên rừng. Những khúc tre, khúc nứa vô tri, qua bàn tay tài hoa của già Thao Chrêm đã trở thành những cây đàn giúp nói lên tiếng lòng của người Brâu nơi ngã ba biên giới.
Đàn Boong Boong thường được người Brâu sử dụng khi đi rẫy, thể hiện sự vui nhộn, tạo tinh thần thoải mái, hăng say trong lao động; khi trong làng có lễ hội lớn, người Brâu cũng trình diễn nhạc cụ này để giới thiệu đến mọi người nét đặc sắc của dân tộc mình.
Chinh Reng thì được chơi vào dịp người dân đã hết việc nương rẫy, mọi người tụ tập nhau ở nhà rông để đan lát, dệt vải thì chơi cho vui vẻ, cổ vũ mọi người tích cực làm việc.
Riêng đàn Oong Búk có thiết kế giống như Khèn của đồng bào HMông ở phía Bắc thường chỉ dành cho các chàng trai biểu diễn để bày tỏ niềm thương mến, thể hiện tình yêu với các cô gái...
|
Già Thao Chrêm chia sẻ: Mình theo bố học làm đàn, chơi đàn từ năm 16 tuổi. Không biết có phải mình có năng khiếu hay không mà học rất nhanh, cảm nhận âm điệu rất chuẩn xác. Theo thời gian, càng tìm hiểu càng thấy mê mẩn các loại đàn truyền thống rồi thành ra nghiện làm và chơi đàn cũng giống như nghiện hút thuốc tẩu vậy.
Già móm mém kể: Ngày còn trẻ, mỗi lần đi rừng, mình lại tranh thủ tìm vài ống lồ ô mang về gác lên bếp, lúc rảnh rỗi mang ra vài cây đàn để chơi, tặng cho mọi người, giờ thì già rồi, tay run cầm dao, rựa không chuẩn nữa nên ít làm lắm, chỉ đánh đàn thôi. Ấy thế nhưng, chỉ cần có ai nhờ vả là mình lại không thể nào cầm lòng được, khó mấy cũng phải làm cho được. Chắc tại việc làm và đánh đàn đã ngấm vào máu mình rồi nên cứ nói đến là bứt rứt, “ngứa” nghề... (cười).
Theo lời của ông, nếu có nguyên liệu, bằng những dụng cụ thô sơ như dao, rựa, ông chỉ mất nửa ngày để hoàn thành một cây đàn Boong Boong. Hay như cây đàn Goong Đing với 5 sợi dây, việc chỉnh âm khó khăn hơn nhưng ông cũng chỉ mất khoảng hơn 1 ngày là hoàn thành.
Nói đoạn, ông chiêu đãi khách bằng một bản nhạc trong trẻo, mượt mà của cây đàn Boong Boong hoà quyện với lời hát trầm ấm thể hiện tình yêu thiên nhiên, núi rừng bằng tiếng Brâu.
Đôi bàn tay điêu luyện, từng ngón tay khéo léo, nhẹ nhàng bay nhảy trên từng dây đàn, đôi mắt mơ màng dõi xa khi biểu diễn, già Thao Chrêm đã thể hiện cho người nghe thấy kỹ năng chơi đàn điêu luyện, tài tình của mình.
Không chỉ chế tác và chơi giỏi các loại đàn làm từ tre nứa, lồ ô, già Thao Chrêm còn là bậc tiền bối trong làng về kỹ thuật đánh cồng, chiêng. Nghe mọi người nói, ở làng Đăk Mế không ai đánh chiêng Tha giỏi như Thao Chrêm, mọi người đều phải tới nhà già để học cách đánh chiêng.
Không những thế, già Thao Chrêm còn rất khéo léo trong đan lát, trong nhà ông hiện vẫn đang sử dụng rất nhiều loại gùi truyền thống để đựng lúa, bắp, quần áo...
Già Thao Chrêm giới thiệu nào là gùi có nắp, gùi thưa, ha cá, tất cả đều do ông tự tay chẻ lồ ô, vót nan, đan để dùng; cái nào cũng bóng, đẹp khiến chúng tôi phải kính nể tài nghệ của người thợ tạo ra chúng.
Truyền lửa đam mê
Nặng lòng với nhạc cụ truyền thống, già Thao Chrêm luôn trăn trở làm sao để gìn giữ, bảo tồn âm nhạc truyền thống cũng như những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Brâu. Với tất cả tâm huyết, tình yêu dành cho âm nhạc truyền thống, già Thao Chrêm đã bền bỉ truyền lửa đam mê cho các thế hệ con cháu trong nhà và trong làng.
Già Thao Chrêm bộc bạch: Ngày trước, lớp người cũ còn đông, trong làng còn nhiều người biết làm và chơi các loại đàn truyền thống, biết đánh chiêng trong các ngày lễ hội, biết đan lát các vật dụng để dùng trong gia đình. Nhưng rồi, theo thời gian, lớp già dần về với tổ tiên, trong khi lũ con cháu ngày càng ít ham học hỏi, gắn bó với văn hoá truyền thống.
“Âm nhạc hiện đại chiếm lĩnh trong đời sống và lấn át âm nhạc truyền thống, những vật dụng công nghiệp đang dần thay thế các vật dụng truyền thống; mình thấy rất lo lắng, nếu không cố gắng bảo ban, truyền dạy cho lớp trẻ thì sau này chúng nó sẽ quên các nét văn hoá đặc sắc của dân tộc. Thế là, mình đã động viên con cháu của mình học trước, rồi đến các cháu trong họ hàng, từ đó, mới có cơ sở để khích lệ các thành viên khác trong làng.” - già chia sẻ
Già Thao Chrêm có 7 người con, dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của ông, 6 người đều đã biết chế tác và sử dụng các nhạc cụ của dân tộc thành thạo.
Theo lời kể của trưởng thôn Thao Lợi thì anh Thao Dua - con của già Thao Chrêm đánh đàn Boong Boong nức tiếng trong làng chẳng kém gì cha mình; ai cũng mê tiếng đàn của anh nên trong những lễ hội của làng, không thể nào vắng Thao Dua được. Những người con khác như Thao Lây, Thao Tram, Thao Mưu, Thao Chêm thì lại giỏi đàn Ting Ning hoặc Goong Đing. Nói chung, mỗi người giỏi về một loại, còn các loại khác đều biết.
Các cháu của ông dù còn rất trẻ, nhưng nhờ được ông khuyên nhủ, dạy bảo nên cũng rất chăm chỉ học tập, giữ gìn truyền thống của gia đình. Và trong căn nhà nhỏ ở làng Đăk Mế, mỗi lúc nông nhàn, người “nhạc trưởng” Thao Chrêm lại cần mẫn chắp cánh tình yêu âm nhạc dân tộc trong lòng con cháu.
|
Già Thao Chrêm trăn trở: Tôi biết nhiều loại đàn và phục vụ bà con trong các dịp lễ hội, nhưng âm nhạc cũng như văn hoá của người Brâu phải do nhiều người cùng gìn giữ, phát huy thì mới bền vững được.
“Vẫn biết cồng chiêng, đàn hay thậm chí cả các vật dụng truyền thống sau này sẽ không được dùng thường xuyên như ngày trước, nhưng việc bảo tồn thì phải làm để con cháu không quên mất những nghề của tổ tiên, văn hoá của dân tộc. Vì thế, mình cố gắng để giữ lại những nhạc cụ truyền thống, giữ từ cách làm đến cách thể hiện như giữ lấy cái hồn của dân tộc để dạy lại cho lũ trẻ” - già tâm sự.
Được sự hỗ trợ của già làng, thôn trưởng và những người có uy tín trong làng, già Thao Chrêm đã khuyên nhủ, động viên những người trẻ có năng khiếu, có tình yêu với âm nhạc đến nhà để truyền nghề. Ông dạy họ từ cách chọn cây nứa, lồ ô đến cách cầm dao, rựa sao cho chuẩn rồi mới đến việc làm đàn, chơi đàn.
Và công sức ấy của một quá trình kiên trì truyền lửa đam mê của ông Thao Chrêm đã được đền đáp, bằng kết quả là trong làng có nhiều người trẻ đã biết chế tác, chơi đàn, đánh chiêng giỏi.
Chia tay già Thao Chrêm, chúng tôi cũng vui lây niềm vui của ông - người mà khi ở cái tuổi xế chiều cũng vừa kịp hoàn thành tâm nguyện của mình là truyền lại những tinh tuý âm nhạc dân tộc cho lớp trẻ. Và tôi tin rằng, từ đây dòng chảy âm nhạc truyền thống sẽ được nối dài để tiếng chiêng, tiếng đàn mãi bay xa, vang xa nơi vùng đất ngã ba biên này.
Thuỳ Hương