Người có duyên với những vật dụng cổ của đồng bào DTTS ở Kon Tum
Hiện ông Văn sưu tầm được gần 700 hiện vật, với gần 100 chủng loại là các vật dụng của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, có nhiều hiện vật có giá trị, như: bộ áo quần bằng vỏ cây, bộ chiêng Tha, bộ nỏ săn bắn, giáo mác, mũ đội bằng lá cây đi rừng, bộ túi đi săn, bộ rìu bằng đá…
“Mới đầu chỉ treo chơi, nhưng rồi dần trở thành cái nghiệp và tôi yêu quý những vật dụng này như một báu vật…”- Đó là tâm sự của ông Hồ Công Văn- Chủ nhà hàng Đăk Bla ở đường Nguyễn Huệ (thành phố Kon Tum) khi nói về việc mình đang sở hữu hàng trăm vật dụng quý của đồng bào DTTS ở Kon Tum…
Dạy chữ được tặng đồ dùng
Một lần tình cờ ghé nhà hàng Đăk Bla, chúng tôi nhìn thấy trên tường của quán này bài trí khá nhiều vật dụng thường ngày của đồng bào DTTS trong tỉnh và được chú thích bằng tiếng Pháp. Điều này khiến chúng tôi thấy lạ và đã tìm gặp chủ nhân của “tác phẩm” trên là ông Hồ Công Văn - Chủ nhà hàng Đăk Bla để tìm hiểu. Khi trò chuyện với ông, chúng tôi được biết, bộ sưu tập các vật dụng đặc sắc trên ông tích lũy dần từ lâu và các vật dụng đó đến với ông như một cái duyên.
|
Ông Văn kể, những năm 1980, ông là một thầy giáo đi dạy xóa mù ở các làng đồng bào DTTS tận các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Ông hay gần gũi, ăn ở với bà con, rồi dạy chữ cho con cháu họ nên được họ rất quý trọng. Cảm cái tình của ông, nhiều người mang tặng những vật dụng trong gia đình. Hồi đầu ông từ chối, nhưng đồng bào cứ dấm dúi mãi, ông đành nhận lấy đưa về nhà và chẳng mảy may để ý đến giá trị của chúng. Vợ ông không ít lần phàn nàn vì mỗi lần về nhà ông đều mang đủ thứ lỉnh kỉnh, mà tiền thì không có đồng nào.
Sau này, ông nghỉ dạy học chuyển sang làm nhân viên bưu điện, rồi đến năm 1995, ông mở quán cà phê để kiếm thêm thu nhập. Đang loay hoay suy nghĩ không biết bài trí quán sao cho lạ để thu hút khách, ông chợt nhớ mình có nhiều vật dụng của đồng bào tặng nên đem ra trang trí và chú thích bằng tiếng Pháp. Nhiều người nước ngoài đến quán ông thấy thích những vật dụng đó đã trả giá mua, ban đầu ông cũng bán chút ít để trang trải cuộc sống. Nhưng thời gian sau đó, dần dần ông tìm hiểu và nhận thức được giá trị của các vật dụng này nên ông không bán mà giữ làm kỷ niệm.
Không chỉ vậy, khi hiểu được giá trị văn hoá các vật dụng trên, ông bắt đầu cất công tìm về các vùng sâu, vùng xa để sưu tầm, bổ sung vào bộ sưu tập của mình.
Gìn giữ như báu vật
Để có được những vật dụng quý, cổ xưa thật chẳng dễ dàng gì, có khi ông phải năm lần bảy lượt năn nỉ mới được chủ nhân nhượng lại. Với đồng bào DTTS, những vật dụng tổ tiên để lại được họ cất giữ cẩn thận, treo những nơi trang trọng trong nhà. Họ không quan trọng chuyện tiền bạc, vì cái tình, họ sẵn sàng tặng cho ông. Ông suy nghĩ rất đơn giản rằng người nước ngoài phải bỏ nhiều tiền để mua, mình có sao không giữ lại. Ông sợ nếu để người nước ngoài mua mang đi hết, sau này con cháu muốn xem đồ vật của cha ông thì biết đâu mà tìm.
Nhờ quen việc, hiểu biết văn hóa của đồng bào DTTS, ông được nhiều đoàn làm công tác bảo tồn bảo tàng của Trung ương khi đến Kon Tum ghé thăm và mượn nhiều vật dụng ông sưu tầm để triển lãm. Bản thân ông cũng tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức các cuộc triển lãm để giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Trong số vật mà ông Văn tâm đắc, phải kể đến chiếc túi đi săn của người Tơ Đrá ở huyện Đăk Glei được làm cách đây đã hơn 150 năm. Vật dụng này, năm 1998, có một người nước ngoài trả ông 2 triệu đồng (khi ấy tương đương với 4 chỉ vàng) nhưng ông không bán. Sau đó, có người Đức trả giá đến 2.000 đô la Mỹ cho cặp túi nhưng ông cũng từ chối, người này khi không mua được mới nói thật với ông đấy là chiếc túi đi săn của một tù trưởng người địa phương. Hay như chiếc chiêng quý của người Jẻ Triêng có giá cả trăm triệu đồng, nhiều người hỏi mua nhưng đều nhận được cái lắc đầu của ông.
|
Hiện ông Văn sưu tầm được gần 700 hiện vật, với gần 100 chủng loại là các vật dụng của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, có nhiều hiện vật có giá trị, như: bộ áo quần bằng vỏ cây, bộ chiêng Tha, bộ nỏ săn bắn, giáo mác, mũ đội bằng lá cây đi rừng, bộ túi đi săn, bộ rìu bằng đá… Mặc dù có thể tính toán được giá trị về mặt vật chất, nhưng về tinh thần, thì các vật dụng trên quả là vô giá.
Điều tiếc nuối lớn nhất của ông Văn là khi ông chưa đủ kiến thức về văn hóa của đồng bào DTTS, cũng như chưa nhận thức được giá trị thực của chúng, nên đã bán đi những chiếc khiên bằng da nai, da lợn rừng, mà hiện giờ ông cố công tìm kiếm vẫn không có được.
Hiện nay, ông Văn đang giữ nhiều vật dụng cổ của đồng bào DTTS ở Kon Tum và xem như một báu vật không thể để mất đi. Việc làm này của ông đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đậm bản sắc của đồng bào các DTTS ở Kon Tum.
Phúc Nguyên