Ngọt thơm cơm nếp nấu trong vỏ bầu
Với cách nấu đơn giản nhưng nếu ai đã từng thưởng thức có lẽ sẽ không bao giờ quên được mùi thơm hấp dẫn, vị ngọt dịu từ từng hạt cơm căng tròn, bóng mượt của món “cơm nấu trong vỏ bầu” - món ăn dân dã của đồng bào Ja Rai từ lâu đời.
Trong một lần tham gia lễ hội cồng chiêng, múa xoang và ẩm thực tại xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), tôi tình cờ được biết đến món cơm nếp nấu trong vỏ bầu của người Ja Rai. Hạt cơm bóng mượt, trắng ngà cộng thêm vị dẻo, ngọt dịu hòa quyện trong mùi thơm của lá chuối, của vỏ bầu mãi lưu luyến, thôi thúc tôi tìm hiểu về món ăn dân dã này.
Theo địa chỉ đã hỏi thăm từ trước, chúng tôi ghé đến nhà chị Y Hoi (40 tuổi) ở làng Plei Sar – người trực tiếp nấu món cơm nếp vỏ bầu trong ngày hội vừa qua. Chị Y Hoi cho hay: Từ xa xưa, khi chưa có nồi niêu, dân làng mình sử dụng vỏ bầu để nấu. Đến nay, dù có nồi cơm điện, nồi hấp, dụng cụ nấu ăn tiện lợi, nhanh chóng nhưng gia đình mình vẫn hay dùng vỏ bầu nấu cơm nếp. Trong làng, hễ có lễ hội, ma chay hay hội làng bà con lại đến mượn và sử dụng chum, vỏ bầu của mình để nấu.
|
Cơm nếp cần phải đun lâu dưới nhiệt độ cao mà vỏ bầu khá mỏng, chỉ cần hơ trên mặt lửa đã có thể bị nứt, vỡ, điều này làm tôi tò mò, không thể hình dung làm sao có thể nấu được. Thấy khách hiếu kì, chị Y Hoi liền vui vẻ: Hôm nào rảnh em đến đây xem chị nấu thì mới hiểu được. Hơn nữa, phải thưởng thức thêm mới cảm nhận được hương vị của món ăn.
Như lời chị mách, vào ngày cuối tuần, chúng tôi liền mua nếp mang đến nhờ chị nấu để được mục sở thị cách chế biến món ăn độc đáo này. Chiều hôm ấy, sau khi chúng tôi mang nếp đến, chị liền đổ nếp vào ngâm trong nước rồi cho biết: Bây giờ mình ngâm đến sáng mai mới nấu được. Phải ngâm lâu như vậy thì nếp mới mềm, ăn mới dẻo.
4h sáng hôm sau chị Y Hoi đã lục đục dậy để chuẩn bị nấu. Chị lấy ra một cái chum (vại) làm bằng xi măng, cao tầm 35-40cm, đường kính miệng chum khoảng 15cm rồi nói: Ngoài vỏ bầu thì đây là vật dụng chính để nấu, vì dân làng mình không giữ được những cái chum như thế này nên hầu như không nấu được.
Nói xong chị liền vào trong buồng lấy ra một vỏ bầu to, đen, nhẵn nhụi. Theo quan sát của chúng tôi, cuống bầu bị cắt chỉ để lại khoảng 5cm và phần đầu cuống có 2 cây tre được xiên bắt chéo nhau. Đáy bầu được khoét một lỗ tròn và bên trong vỏ bầu có một miếng nhôm đã được đục thành từng lỗ nhỏ. “Khi nấu mình sẽ dốc ngược vỏ bầu nên 2 cây tre bắt chéo sẽ có tác dụng giữ miếng nhôm lại, còn miếng nhôm được đục lỗ sẽ không để nếp bị rớt xuống”- chị Hoi giải thích.
Chị Hoi bắt đầu đổ nước đến hơn nửa chum, sau đó tiếp tục đổ nếp từ đáy vào trong bụng bầu. Thấy chị đổ hơn 2,5kg nếp vào trong vỏ bầu, chúng tôi ngạc nhiên: Chị đổ nhiều nếp vậy liệu có chín không? Chị nói: Nấu cơm trong này buộc phải đổ từ 8-13 lon nếp (đong bằng lon sữa bò), nếu nấu ít, cơm không chặt bầu thì sẽ không chín được đâu.
Đổ nếp vào xong xuôi, chị bắt đầu dốc ngược vỏ bầu để phần cuống bầu lọt thỏm vào trong chum và bụng bầu tiếp xúc gần như vừa khít với chum. Theo chị Y Hoi, không phải cứ có chum hay có vỏ bầu là nấu được, phải chọn vỏ bầu có bụng vừa bằng với chum, nếu không sẽ bị hở, cơm sẽ không chín.
Chưa xong, chị tiếp tục vào nhà lấy ra một ít cám gạo hòa với nước sệt sệt rồi trét vào phần tiếp xúc giữa bầu với chum. Chị cho biết, mặc dù vỏ bầu với chum khá vừa vặn tuy nhiên vẫn có những chỗ bị hở, phải trét cám gạo vào bít những chỗ hở đấy để hơi nước không bị thoát ra ngoài.
Trét xong chị ra ngoài hái vào một nắm lá chuối, hơ qua bếp lửa rồi đậy kín vào phần khoét của đáy vỏ bầu, tiếp tục lấy một cái tô úp lên phần trên lá chuối. “Vì bầu không giống như xoong, không có nắp, mình phải lấy lá chuối và tô úp lại để giữ hơi nước, cũng giống như phải đậy nắp xoong khi nấu cơm vậy, nếu không đậy thì cơm không chín”- chị cho biết.
Mọi công đoạn gần như xong xuôi, chị nhanh chóng lấy một tấm tôn được khoét lỗ tròn to bỏ lên kiềng bếp lửa để làm giá đỡ, sau đó đặt cả chum và bầu lên phía trên bếp. “Tùy lượng nếp mà mình đổ nước sao cho vừa, thông thường chỉ được đổ đến nửa chum nước thôi, nếu đổ nhiều quá cơm nếp sẽ bị nhão đấy”- chị Hoi cho hay.
Dưới ngọn lửa bập bùng, tầm 20 phút, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng nước sôi sùng sục, trên những tờ lá chuối nơi đáy bầu xuất hiện hơi nước bốc lên và đọng lại thành những giọt nước. Dù đun khá lâu nhưng khi chúng tôi đặt tay lên vỏ bầu chỉ thấy hơi nóng và có thể bê xuống mà không cần phải sử dụng giẻ.
“Món này đặc biệt là bởi nếp hoàn toàn không tiếp xúc với nước mà nó chín từ từ nhờ hơi nước bốc lên. Cơm nấu ra, hạt vẫn còn nguyên, không bị nát, nhão như cách nấu thông thường. Đặc biệt, nấu bằng vỏ bầu không sợ cơm bị khê hay cháy đâu” – chị Y Hoi cho hay.
Tầm 5 phút sau, một mùi thơm ngào ngạt toả ra làm nao nức lòng người. “Chuẩn bị chín rồi đấy, để chị đi lấy lá chuối xới ra rồi ăn” - chị Hoi vừa nói vừa thoăn thoắt ra cắt thêm vài tàu lá chuối. Chị hơ lá chuối lên bếp lửa, dùng giẻ lau qua rồi đặt lên một cái nia.
Bầu cơm được bê xuống, chị Hoi vừa lấy những tờ lá chuối nơi đáy bầu ra, mùi thơm nức sộc vào mũi, trước mắt tôi là một bầu cơm nếp trắng tinh đầy hấp dẫn. Đúng như những gì chị nói, hạt cơm không hề bị dính vào nhau hay bị nát. Tô cơm nếp nóng hổi, mùi thơm của nếp hòa quyện trong vị thơm tươi của lá chuối, của vỏ bầu khiến chúng tôi không thể chờ đợi lâu thêm nữa.
Ăn miếng đầu tiên “hình như chưa chín chị ơi” – tôi thốt lên. Chị Y Hoi cười điềm đạm: “Em cứ từ từ ăn thêm đi”. Miếng thứ hai, đúng là khác hẳn với lần đầu tiên thử, cơm nếp vừa chạm vào đầu lưỡi, tôi thấy hạt cơm mềm mịn, dẻo, thơm đến lạ. Nhai từ từ, từ từ, từng hạt cơm căng mọng tứa ra vị ngòn ngọt của gạo nếp nương hòa quyện với vị ngọt, bùi bùi của vỏ bầu, mùi thơm của lá chuối như tan trong miệng, khác hẳn với món cơm nếp được nấu trong nồi gang, nồi đất hay nồi cơm điện.
Một người bạn của tôi đến từ Quảng Nam trầm trồ khen ngợi: Chưa bao giờ mình được ăn cơm nếp ngon, lạ như thế này. Không có nước mà sao nó lại chín, lại thơm, dẻo, ngọt bùi đến vậy!
Chị Y Hoi xới cơm ra, nắm cơm lại, từng hạt cơm nếp được kết dính với nhau rất mịn và săn chắc như một khúc cao su dẻo rồi đưa cho 2 đứa cháu nóng lòng chờ đợi từ sáng sớm. “Mỗi lần có khách đến mình lại nấu món này, ăn xong ai cũng khen ngợi” – chị Y Hoi bộc bạch.
Ăn xong gần một bát nhưng vẫn thấy thèm thuồng, thấy vậy chị Hoi lấy lá chuối gói lại một ít cho tôi mang về. Đến nhà, dù không còn nóng nhưng khi mở lá chuối ra, cơm vẫn rất thơm. Ba cha con ngồi ăn mà bé Út liên tục xuýt xoa: Sao chị xin về ít vậy, hôm nào chị xuống nhờ họ nấu rồi mang về cho cả nhà mình ăn. Cơm nếp thơm ghê, nấu bằng nồi không dẻo được như thế này đâu.
Được thưởng thức một món ăn lạ, dân dã, có cách chế biến độc đáo đối với tôi đó là một niềm vinh hạnh lớn. Tối hôm đó, ngồi uống nước với bạn bè, tôi lấy hình ra khoe và kể lại về món cơm nếp nấu trong vỏ bầu. Nghe tôi kể mà đám bạn năn nỉ: Hôm nào đi, nhớ cho bạn đi cùng với, thấy hấp dẫn quá, lạ quá, thèm quá rồi…
Hoài Tiến