Nghệ nhân tâm huyết với âm nhạc truyền thống
Với tình yêu và lòng say mê những giai điệu truyền thống, nghệ nhân A Mơng (60 tuổi) ở thôn Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) đã có nhiều đóng góp cho hoạt động nghệ thuật tại địa phương. Khi về hưu, ông tích cực truyền “lửa” đam mê âm nhạc dân tộc cho lớp trẻ, đặc biệt là cồng chiêng.
Có dịp trò chuyện với nghệ nhân A Mơng, chúng tôi được ông kể nhiều về những kỷ niệm lúc nhỏ. Đó là những đêm trăng sáng, ngồi nghe người lớn, già làng chơi nhạc, chiêng thâu đêm. Và rồi, chính những đêm nhạc dân dã, yên bình như thế đã “đánh thức” đôi tai nhạy cảm của A Mơng lúc nào không hay. Khi ấy, dù chưa được chỉ dạy nhưng A Mơng có thể nghe và hiểu từng giai điệu mà người lớn chơi, thuộc và ngân nga theo chuẩn xác đến khó tin.
Kể từ đó, các nghệ nhân trong làng bắt đầu chú ý đến cậu bé A Mơng. Khi được các thầy chỉ dạy, A Mơng học rất nhanh và còn có thể sáng tạo thêm. Cộng với đam mê và tích cực tập luyện, A Mơng nhanh chóng vượt các bạn cùng lứa và được giao vai trò quan trọng trong đội nghệ nhân trẻ tại làng. Khi lên 14 tuổi, tiếng tăm của A Mơng được nhiều người biết đến. Ông thường xuyên tham gia vào đội chiêng của làng để đi biểu diễn khắp nơi. A Mơng trở thành “hạt nhân” trẻ trong phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
Thạo chiêng và một số nhạc cụ truyền thống, A Mơng bắt đầu tự mày mò tập luyện một số nhạc cụ hiện đại, đặc biệt là guitar. Vào năm 1992, ông vào công tác tại Đoàn nghệ thuật tỉnh với vai trò là ca sĩ và chơi guitar bass. Trở thành ca sĩ và nhạc công trên sân khấu, tình yêu và duyên nợ với âm nhạc lại thôi thúc ông tận tâm, cống hiến hết mình cho công việc và được nhiều người biết đến.
Nghệ nhân A Mơng chia sẻ: “Dù chơi nhạc hiện đại nhưng tôi vẫn rất yêu các giai điệu chiêng, âm nhạc truyền thống. Khi tập bất kỳ dòng nhạc nào, tôi luôn cố gắng tập lâu, nhớ kỹ để tiếng nhạc, tiếng chiêng như “thấm” vào người. Khi đó, người nghệ sĩ biểu diễn và chơi nhạc sẽ có hồn và hay hơn”.
Trong suốt thời gian công tác trong lĩnh vực nghệ thuật, dù đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều vùng đất mới nhưng nghệ nhân A Mơng vẫn luôn trăn trở, đau đáu với những giai điệu truyền thống trước nguy cơ mai một theo nhịp sống hiện đại. Vì vậy, từ khi về nghỉ hưu (năm 2018) đến nay, ông dành hết tâm huyết cho việc dạy âm nhạc truyền thống tại làng, quan tâm đến công tác truyền dạy cồng chiêng và luôn hỗ trợ, tiếp sức cho các nghệ nhân trẻ tại làng.
Ngôi nhà của ông trở thành điểm gặp gỡ thường xuyên của những người yêu nhạc, yêu chiêng. Ngoài ra, đây cũng là nơi tập luyện của đội chiêng, múa xoang của làng mỗi khi có lễ hội lớn, nhỏ. Nối tiếp đam mê của ông, nhiều nghệ nhân tại làng cũng rất tâm huyết trong việc dạy nhạc, dạy chiêng và có nhiều học trò hăng say tập luyện.
Em A Gônh ở làng Plei Tơ Nghia, hiện đang học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Kon Tum) cho biết: “Em theo học thầy A Mơng từ nhỏ và luôn được thầy chỉ dạy phải biết yêu quý và đam mê với cồng chiêng, âm nhạc truyền thống thì mới gắn bó lâu dài được. Em luôn nhớ lời dạy của thầy nên ngoài thời gian học trên trường, mỗi ngày em đều dành thời gian để ôn lại các bài tập chiêng, âm nhạc truyền thống được thầy A Mơng dạy”.
|
Ngoài truyền dạy cồng chiêng, nghệ nhân A Mơng còn chuyên “chữa bệnh” cho chiêng, là một trong những nghệ nhân chỉnh chiêng hiếm hoi trên địa bàn tỉnh. Với đam mê và tài năng thiên bẩm nên khả năng chỉnh chiêng của ông đến một cách tự nhiên. Thời gian gần đây, được tham gia các lớp tập huấn do ngành Văn hóa tỉnh tổ chức đã giúp ông càng đam mê và hiểu chiêng hơn, qua đó nâng cao kỹ năng chỉnh, sửa chiêng của mình.
Nghệ nhân A Mơng cho biết: “Khi tham gia các lớp tập huấn, được các thầy chỉ dạy thì mình phải có trách nhiệm trao truyền, chỉ dạy cặn kẽ lại cho các nghệ nhân tại làng. “Chơi chiêng cũng như chỉnh, sửa chiêng đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại. Đặc biệt, khi dạy các em nhỏ tại làng, tôi luôn cố gắng dạy các em cách quan sát, lắng nghe trước, sau đó mới đi vào từng bài tập chứ không nóng vội”- nghệ nhân A Mơng nói.
Nghệ nhân A Rinh (58 tuổi), hiện là Đội trưởng Đội chiêng làng Plei Tơ Nghia, cho biết: “Nghệ nhân A Mơng có năng khiếu và trí nhớ âm nhạc tốt, luôn đồng hành với chúng tôi trong việc tập luyện mỗi khi có sự kiện văn hóa lớn, nhỏ. Ai cũng yêu quý A Mơng. Với những người trong làng thì ông chính là người truyền lửa cho thế hệ trẻ. Không chỉ truyền dạy kỹ thuật, ông còn truyền cả tình yêu và trách nhiệm gìn giữ văn hóa dân tộc”.
|
Hiện tại, ngoài việc tập chiêng cho các em nhỏ tại làng, nghệ nhân A Mơng được nhiều trường học, địa phương mời về dạy và tập chiêng mỗi khi có sự kiện lớn, nhỏ. Tình yêu nghề, sự tâm huyết với âm nhạc của ông còn được truyền sang thế hệ con cháu. Ông có 5 người con, trong đó 3 con gái đều theo đuổi con đường nghệ thuật, trở thành những ca sĩ, nhạc công hiện đang công tác trong ngành Văn hóa, nghệ thuật tỉnh.
|
Nghệ nhân A Mơng tâm tình: “Âm nhạc truyền thống, cồng chiêng là tài sản quý báu cần được gìn giữ. Được trao truyền vốn quý của cha ông để lại là vinh dự của tôi để góp sức gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống dân tộc. Để cồng chiêng và các giai điệu truyền thống được ngân mãi, lan tỏa rộng khắp rất cần đến những lớp trẻ sáng tạo, đam mê. Tôi mong muốn ngày càng có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống được các cấp, ngành tổ chức để thu hút lớp trẻ đam mê, sáng tạo với âm nhạc dân tộc”.
Hoàng Thanh