“Nghệ nhân” dân phong
Mặc dù chưa được Nhà nước chính thức công nhận là nghệ nhân, nhưng từ lâu, già làng A Plung đã được người dân xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà xem như là nghệ nhân. Bởi ông là một trong số ít người ở địa phương có khả năng truyền dạy cồng chiêng, ting ning, tơ rưng, k’lông pút; chế tác ting ning, tơ rưng, k’lông pút...
Nghe tiếng già làng A Plung, thôn Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi từ lâu, nhưng mãi hôm ấy, tôi mới có cơ duyên gặp ông. Mặc dù không biết tôi là ai, nhưng khi nghe nói có người gặp tìm hiểu âm nhạc truyền thống, ông không đi rẫy, ở nhà đón đợi khách.
Không niềm nở trong giao tiếp, nhưng già làng A Plung là người chân chất, dễ gần. “Buổi sáng đợi nhà báo lâu, ông cứ đi ra, đi vào mãi”. Nghe con cháu ông nói vậy, tôi thành thật xin lỗi vì lỡ việc, để ông phải đợi. Không nói gì, ông mỉm cười đôn hậu bắt tay với tôi.
Trao đổi về nhạc cụ, dõi mắt nhìn ngang sườn núi, ông mở giọng trầm ấm: Người Xơ Đăng thôn Kon Pao Kơ La sống với núi rừng. Mùa mưa, sương mù, mây giăng giăng núi rừng. Sông, suối xã Đăk Pxi ngày trước nhiều nước. Nước khi ào ào, khi réo rắt... Rồi tiếng chim ca gọi tình, mừng nắng ấm; tiếng ếch nhái, tiếng ễnh ương buồn não ruột khi mưa dầm... luôn lắng đọng trong lòng.
|
Gắn mình với thiên nhiên, con người thường chế tác ra nhiều nhạc cụ, lấy âm nhạc làm thú vui, thể hiện lại các giai điệu từ thiên nhiên, từ lòng người trong lễ hội... Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Xơ Đăng ở thôn Kon Pao Kơ La nói riêng, xã Đăk Pxi nói chung xem cồng chiêng, đàn ting ning, tơ rưng, k’lông Pút... là nhạc cụ truyền thống.
Hòa mình với cộng đồng, với thiên nhiên, già làng A Plung bảo mình say mê âm nhạc từ lúc còn nhỏ tuổi. Ông gắn bó với âm nhạc một cách tự nhiên như cơm ăn, nước uống. Không ai bày vẽ nhiều, ngày trước lắng nghe các cụ đánh cồng chiêng, chơi đàn ting ning, đàn tơ rưng, k’lông pút... theo từng giai điệu, rồi nhập tâm và tự mày mò làm theo. “Trời phú cho bản năng âm nhạc, mình nắm bắt các giai điệu âm nhạc truyền thống và sáng tạo thêm nhiều giai điệu riêng”- già A Plung giãi bày.
Nghe già làng nói về bản năng, tôi lại nhớ đến nhạc sỹ Nguyễn Cường – người thành danh với những giai điệu âm nhạc nổi tiếng ở Tây Nguyên qua các tác phẩm do ông sáng tác như "Đôi mắt Pleiku", "Em muốn sống bên anh trọn đời"... - từng nói: “Không nền nghệ thuật nào đòi hỏi sự bản năng như âm nhạc”. Và qua âm nhạc, người nghe có thể hiểu được những điều sâu lắng trong tâm hồn người chơi, hiểu được cái hồn của dân tộc.
Mặc dù không hiểu gì về âm nhạc truyền thống của người Xơ Đăng, nhưng khi nghe già làng A Plung gảy đàn ting ning, tôi như nghe thấy dân làng đang hội làng, đang đánh cồng chiêng mừng nhà rông mới, mừng giọt nước, mừng cây lúa trên rẫy tốt tươi...
“Không tính giai điệu cồng chiêng, tơ rưng, k’rông pút, riêng về ting ning mình chơi được 100 điệu. Ting ning đánh mọi lúc, mọi nơi. Tùy theo không khí trong lúc chơi mà có cách thể hiện giai điệu ting ning khác nhau!”- già làng A Plung bộc bạch.
Còn đàn k’lông pút, già làng A Plung đánh được khoảng trên 20 điệu. Tuy nhiên, ông bảo k’lông pút dành cho phụ nữ. Ông làm đàn k’lông pút và truyền dạy các giai điệu cho phụ nữ đánh. Cháu ông là Y Đứt nhỏ nhẹ khoe: Nhờ ông truyền dạy, cháu đánh được k’lông pút, tơ rưng... Cháu rất thích âm nhạc truyền thống.
|
“Phụ nữ thường có bàn tay, ngón tay mềm, “dẻo”, khi vỗ hai bàn tay để đẩy âm thanh vào các ống nứa đàn k’lông pút thường phát ra thanh âm trầm ấm và hay hơn nam giới. Buổi tối, chị em phụ nữ thường hay tụ tập chơi đàn k’lông pút. Còn đàn ông thì đánh đàn ting ning. Không khí rất vui!”- già A Plung chia sẻ.
Bàn đến đàn tơ rưng, già làng A Plung hào hứng vào nhà ôm ra bộ ống nứa và giá đỡ. Giá đỡ đàn tơ rưng được ông chọn loại nứa già, gắn vào trụ giá đỡ chính theo thế kiềng ba chân chắc chắn và đẹp mắt. Nhìn ông chơi đàn và phong cách chìm đắm theo tiếng đàn, tôi thấy từ trong con người ông toát lên cốt cách của một nghệ sĩ.
Tiếng đàn tơ rưng của già làng A Plung khi vút cao như suối reo, khi ầm ầm như thác đổ, khi như đoàn quân giao chiến, khi như những cơn gió gào liên hồi trên các dải đồi vào mùa khô, lúc lại nghe như tiếng chim hót, lúc lại lao xao như lá rừng thì thầm... Nghe ông đàn, tôi như bị “hút hồn” theo từng giai điệu.
Chơi đàn tơ rưng, tay ông như múa trên từng thanh nứa. Theo ông, ngày trước, người dân mê đàn tơ rưng thường mang đàn lên chòi rẫy. Tranh thủ những giờ phút nghỉ ngơi, người dân thường lấy đàn ra đánh và mời bạn ở rẫy đến cùng “mua vui”. Nghe âm thanh từ tiếng đàn, con thú, con chim trong rừng sợ, không dám đến rẫy phá hoại mùa màng. Thanh niên biết đánh đàn, các cô gái thường rất mê. Qua tiếng đàn, nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng.
Đam mê âm nhạc, già làng A Plung ý thức trong việc gìn giữ giá trị âm nhạc truyền thống. Già chia sẻ: Bên cạnh việc tự truyền dạy khi người dân có nhu cầu, mình tham gia dạy 2 lớp cồng chiêng trong làng (một lớp cồng chiêng người lớn và một lớp cồng chiêng thiếu nhi) do xã, huyện hỗ trợ. Trong làng, hiện có 2 đội cồng chiêng. Trong các dịp lễ hội, tiếng cồng chiêng là thanh âm kết nối thần linh và cộng đồng.
Tuy nhiên, điều làm già làng A Plung lo nhất là đội cồng chiêng trẻ. Nhiều cháu ở đội cồng chiêng trẻ không còn đam mê như trước nữa, vì lớn rồi. Không biết mai này, trong làng có còn duy trì được đội cồng chiêng trẻ nữa hay không, nếu không mở thêm lớp truyền dạy mới.
A Bung – người cùng làng - mê âm nhạc truyền thống và được già làng A Plung truyền các “ngón nghề” cũng có ý thức cao việc giữ gìn các giai điệu cồng chiêng, đàn ting ning, tơ rưng, k’lông pút... “Nhờ có già làng A Plung giúp đỡ, mình nắm được âm nhạc truyền thống. Trong quá trình tìm hiểu, mình muốn góp phần cùng với già làng A Plung gìn giữ và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của người Xơ Đăng”- A Bung bày tỏ.
Không chỉ đam mê, truyền dạy, già làng A Plung còn là người giỏi chế tác đàn ting ning, tơ rưng, k’lông put... Tay chỉ vào đống nứa đang phơi, già làng A Plung khoe: A Kây– Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Truyền thông huyện Đăk Hà đặt làm 1 cái đàn ting ning, 1 đàn k’lông pút để gửi về tỉnh. Mình đang chờ nứa khô để làm cho A Kây đây!
Trao đổi với chúng tôi, ông U Lý – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi đánh giá cao những đóng góp của già làng A Plung trong việc giữ gìn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống. Đồng thời, ông cho rằng, tuy chưa được Nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân (vì đang trong quá trình đề nghị), nhưng từ lâu, người dân ở địa phương xem già làng A Plung như là nghệ nhân vì những đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống.
“Trong cộng đồng, nhờ có những người như già A Plung mà giá trị văn hóa của đồng bào DTTS được giữ gìn và phát huy. Nhà nước cần kịp thời có những chính sách hỗ trợ trong việc truyền dạy giá trị văn hóa, tặng danh hiệu nghệ nhân... để động viên những người có những đóng góp việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc”- U Lý trải lòng.
VĂN NHIÊN