Lưu giữ ghè Yang
“Bây giờ, ở làng này chỉ có mình là còn ghè Yang thôi. Ghè này thể hiện nét tinh túy và truyền thống của dân tộc, mình sẽ cố gắng giữ gìn và không bao giờ bán với bất cứ giá nào” – bà Y Ngir khẳng định.
Ghè Yang có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ja Rai, tuy nhiên vì lợi ích trước mắt, không ít người đã đem những chiếc ghè cổ quý giá ấy bán hoặc đổi trâu, đổi bò... Riêng bà Y Ngir (68 tuổi) ở làng Kep Ram, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum vẫn quyết tâm lưu giữ, bảo vệ chiếc ghè Yang để giữ lại “hồn ghè” truyền thống...
Trong một lần đến làng Kep Ram, tình cờ nghe người dân nơi đây bàn về chiếc ghè cổ cả trăm năm tuổi của bà Y Ngir, chúng tôi đã tìm đến nhà để “mục sở thị” và tìm hiểu những câu chuyện xung quanh chiếc ghè cổ - báu vật của người Ja Rai.
Hôm chúng tôi đến, bà Ngir đi làm đồng ở xa, chỉ có cháu của bà ở nhà. Khi chúng tôi hỏi về chiếc ghè, cháu của bà Ngir vội vào nhà đóng cửa lại rồi đứng sau cửa sổ nói vọng ra: “Ông bà đi vắng rồi, cháu không biết đâu!”.
Khi chúng tôi quay lại, bà rất niềm nở tiếp chuyện nhưng khi chúng tôi tỏ ý muốn tìm hiểu về chiếc ghè, bà liền cau mặt: “Ghè nhà mình cũng như ghè của những nhà khác thôi, mình không có ghè cổ đâu!”.
Chúng tôi phải kiên nhẫn giải thích không phải là người tìm mua ghè mà là nhà báo muốn tìm hiểu để tuyên truyền, bà Y Ngir mới từ từ tiết lộ rồi miễn cưỡng dắt chúng tôi lên trên gác. Trong góc nhà, hàng chục chiếc ghè từ lớn đến nhỏ được xếp ngay ngắn, gọn gàng. Chỉ vào một chiếc ghè to nhất với họa tiết đặc biệt, bà Y Ngir cho biết: Những cái ghè kia thì bình thường thôi, cái này mới là ghè cổ, người dân mình thường gọi là ghè Yang. Khi mẹ mình mất đã để lại cho mình, tính đến nay nó cũng trải qua 5 đời, hơn 200 tuổi rồi đấy!
|
Mới nhìn qua, tôi đã nhận thấy sự khác biệt giữa ghè Yang so với những chiếc ghè khác. Chiếc ghè này cao tầm 60-70cm, đường kính bụng khoảng 40-45cm, màu da lươn trơn bóng tự nhiên. Đặc biệt, trên chiếc ghè có hình hai con rồng được đắp nổi một cách tinh xảo. “Không chỉ đặc biệt về họa tiết đâu, âm thanh phát ra từ chiếc ghè này hay lắm đấy! Chỉ cần lấy ngón tay gõ nhẹ vào thân là nghe vang như tiếng chuông đồng. Ở làng mình có tới cả trăm chiếc ghè, nhưng không ghè nào có âm thanh vậy đâu” – ông A Dih (79 tuổi), chồng của bà Y Ngir cho biết.
Theo lời của bà Y Ngir, trước kia ở làng của bà có rất nhiều nhà có ghè Yang, nhưng vì những lợi ích trước mắt, người dân đã đem ghè để đổi lấy trâu, bò, khiến ghè Yang ngày càng khan hiếm. “Hồi mình làm nhà, có người vào hỏi mua ghè Yang này với giá 100 triệu nhưng mình không bán. Bây giờ, ở làng này chỉ có mình là còn ghè Yang thôi. Ghè này thể hiện nét tinh túy và truyền thống của dân tộc, mình sẽ cố gắng giữ gìn và không bao giờ bán với bất cứ giá nào” – bà Y Ngir khẳng định.
Thấy chiếc ghè Yang bị một lớp bụi phủ dày, tôi định dùng giẻ chùi sơ để nhìn rõ hoa văn hơn, nhưng chưa kịp chạm vào, ông A Dih đã vội hét toáng lên can ngăn: “Không được sờ vào đâu!”. Giải thích cho chúng tôi, ông A Dih cho biết, chiếc ghè Yang này rất thiêng nên ngày thường không ai được phép sờ vào. Nếu sờ vào hay dịch chuyển ghè thì sẽ phạm tội và bị ghè trừng phạt ngay. Chính vì vậy, chỉ đến những ngày lễ cúng, ông và bà mới được đại diện để lau chùi sạch sẽ.
|
Ngoài việc bảo vệ ghè khỏi những kẻ xấu, giữ gìn không để ghè bị trầy xước, người cất giữ ghè Yang hàng năm còn phải tổ chức cúng ông ghè 2 lần. Tùy theo lòng thành và điều kiện của gia đình mà có thể cúng to hoặc cúng nhỏ. Cúng nhỏ lễ vật là 1 con gà, 1 con dê; cúng lớn thì ngoài gà còn có có trâu hoặc bò. “Từ lúc giữ ghè Yang, mình phải dành nhiều thời gian để “trông nom” ghè, hơn nữa, mỗi lần cúng ông ghè là một gánh nặng đối với nhà mình. Bây giờ thì khác rồi, mỗi lần cúng xong mình cảm thấy rất vui vì chính mình đã giữ được tục lệ lâu đời của dân tộc” – bà Y Ngir bày tỏ.
Không như những chiếc ghè thông thường, ghè Yang được đặt vị trí cao ráo nhất trong nhà. Cách ngày cúng từ 2-3 ngày, ông A Dih hoặc bà Y Ngir sẽ đại diện lau chùi ghè sạch sẽ rồi ủ rượu ở trong chiếc ghè. Đến ngày cúng, ông A Dih sẽ lấy tiết gà vẩy lên tai ghè làm lễ và khẩn cầu. Làm lễ xong, gia chủ sẽ lấy những chiếc ghế cao mời những vị khách quý ngồi vào và uống rượu ở trong ghè. “Rượu trong ghè Yang đặc biệt lắm! Trong cùng một ghè nhưng lại chia ra hai vị rõ ràng: một bên thì rất lạt nhưng một bên thì rất nặng. Chúng tôi không hiểu vì sao nhưng rất nhiều người thích uống vì nó thanh và rất ngon” – ông A Dih cho biết.
Với quan niệm của người Ja Rai, khi thành kính cúng, ghè Yang sẽ phù hộ cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, tránh được thú dữ đến phá làng. Đồng thời, ông ghè cũng phù hộ cho các gia đình mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Ông A Dih còn cho biết, ngoài việc cúng ông ghè một năm hai lần, nếu trong làng có người đau ốm, với lòng thành kính, cúng xin ông ghè thì sẽ khỏi ngay; Hay trẻ em khóc về đêm, khóc ngằn ngặt, đến xin ông ghè sẽ nín liền…
Không chỉ có trong những lễ hội thông thường, cứ đến những lễ hội: đâm trâu mừng lúa mới, lễ Pơ-thi… người dân lại tìm đến nhà bà Y Ngir, quây quần bên cây nêu để làm lễ cúng, cảm ơn ông ghè đã phù hộ cho mùa màng được bội thu, nhà nhà no ấm.
Cho đến nay, cùng với cồng chiêng, ghè Yang là hiện vật rất linh thiêng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên. “Mình rất tự hào khi chiếc ghè Yang vẫn còn hiện diện trong các lễ nghi của người Ja Rai. Giữ ghè Yang cũng chính là cách mà gia đình mình thể hiện sự tôn kính, nâng niu những giá trị truyền thống, cổ xưa của cha ông để lại. Mình tin rằng những giá trị vật chất có thể mất đi nhưng những giá trị tinh thần trong chiếc ghè cổ của người dân Tây Nguyên không bao giờ phai nhạt” – bà Y Ngir chia sẻ.
Hoài Tiến