Khéo tay hay đan
Cha qua đời đã lâu, song mỗi lần nhớ về cụ, ông A Đai lại không khỏi ngậm ngùi, thương nhớ. Nếu không được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bậc thân sinh tận tình chỉ dạy, một trong số nghệ nhân cao tuổi, nổi tiếng “khéo tay hay đan” ở làng Kon Chai (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) bây giờ không biết mình có thể miệt mài gắn bó với nghề đến giờ hay không?
“Cha mình giỏi lắm, đan gì cũng giỏi cũng đẹp. Hồi đó, trong làng có nhiều người đan, nhưng riêng cái gùi thì ai cũng thích của cha thôi. Mình 14 - 15 tuổi là tập đan rồi!” - nhắc đến cha, ông A Đai không khỏi tự hào.
60 tuổi, ông bảo mình đã già rồi, không còn ngồi nhiều, ngồi dai như hồi còn trẻ khỏe được nữa. Tuy vậy, đồ đan của ông thì trao đổi trong làng, ngoài xã, bà con ai nấy đều ưng. Thành ra, ngoài công việc chính làm rẫy, đi rừng, thời gian ở nhà, ông A Đai đều đan lát. Ngồi nhiều nên quen, cái đầu cúi - ngẩng đều đều, song cái lưng lúc nào cũng phải giữ cho thẳng.
Sống ở vùng sâu, thuận lợi nhất để đan lát là tre, nứa luôn sẵn có. Ngày trước, khi rừng còn dày, nguyên liệu không khó tìm; sau này, tuy phải đi xa hơn song nếu làm siêng và biết đường thì cũng chẳng quá khó kiếm. Dễ nhất là đan gùi thưa, cái rổ, cái nia, khó hơn khi đan cái teo, gùi dày.
Gùi thưa (chur) chuyên dùng đựng rau, củi, chỉ gùi dày (dul, tur) mới có thể đựng lúa để khỏi rơi vãi, hao hụt. Bởi vậy, gùi (dul), teo (tur) đựng lúa của người Xơ Đăng là vật đan được coi trọng, yêu quý. Ngày trước, lúa rẫy được thu hoạch duy nhất bằng cách tuốt tay, rồi cho vào gùi.
|
Chiếc gùi dày có nắp đậy của người Xơ Đăng tuy không sắc màu như gùi của người Gia Rai, Ba Na, song cũng được xem là tác phẩm nghệ thuật từ đan lát truyền thống. To - nhỏ không hẳn là tiêu chí để so sánh, mà chính sự cân đối, độ tinh xảo và vẻ đẹp của nó mới là thước đo tay nghề nghệ nhân. Theo ông A Đai, nếu đan gùi dày đơn giản, bình thường thì đường nan gọi là loong puk. Song chiếc gùi truyền thống đẹp và được yêu thích thì phải được đan hoa văn. Với chiếc gùi “gốc” của người Xơ Đăng, hoa văn chủ yếu là màu đen được phối với màu trắng ngà của nan.
Để tạo ra màu đen, nghệ nhân từ xa xưa có không ít cách nhuộm. Song độc đáo nhất là nhuộm bằng “khói của cây thông”. Nghệ nhân A Đai không ngại chia sẻ: Lấy gỗ thông đốt lên khói. Sợi nan sau khi được chẻ và vót chuốt cẩn thận thì lấy lá khoai lang chà sát lên sợi nan để mủ dính vào, rồi đem hơ lên ngọn lửa đó. Khói của cây thông kết hợp với độ kết dính của lá khoai lang (la pom lo) làm đen dần cọng nan. Màu sẽ thành sau 5 - 6 lần cứ chà đi chà lại rồi hơ lên lửa như thế.
Nguyên gốc, hoa văn đen - trắng trên sản phẩm đan lát thủ công của người Xơ Đăng gồm hai loại chính: Hoa văn hình thẳng (nông chu chu), hoa văn hình ca rô (choa chất). Nét đa dạng, phong phú về hoa văn trên những chiếc gùi, teo được tạo nên nhờ sự khéo léo và tinh tế trong linh hoạt kết phối, tạo hình của nghệ nhân. Đế gùi được làm bằng khung vuông, hoặc tròn; song với đế hình tròn thì phải tìm loại gỗ dẻo, để vừa có thể uốn cong vừa có độ bền cao.
Bây giờ, ông A Đai là nghệ nhân đan lát được trọng vọng ở vùng sâu Đăk Na. Đi qua bao vui buồn của cuộc đời, với ông, đan lát không chỉ là thao tác nằm sẵn trong cái tay, nơi cái đầu; mà đó chính là cả quá trình chịu khó tìm tòi, học hỏi một cách chuyên cần bằng tất cả niềm say mê và không ngừng cố gắng.
Với “tay nghề” của mình, trong thời gian nông nhàn, ông A Đai chỉ đan từ 1 - 2 ngày là được 1 chiếc gùi thưa, 4 - 6 ngày hoàn thành 1 chiếc gùi dày. Trong thôn, ngoài xã, bà con nào cần, chỉ “nói trước một tiếng” là sẽ lần lượt “nhận hàng” như đã hẹn.
Đan lát mang đến cho những người khéo tay hay đan như nghệ nhân A Đai tình yêu và ý nghĩa cuộc sống. Lần đầu tiên được tham gia giới thiệu nét đẹp đan lát truyền thống của người Xơ Đăng tại Hội Báo, Xuân Nhâm Dần - 2022 của tỉnh, ông rất vui. Không ngờ, cái nghề tay chân tỉ mẩn này cũng được coi trọng giữ gìn cùng các nghề thủ công lâu đời của đồng bào các DTTS anh em.
Thanh Như