Già A Díp - Người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ
74 tuổi, già A Díp vẫn tích cực lao động, trồng trọt, vận động dân làng làm nhà rông truyền thống... Đặc biệt già còn là người truyền lửa để bà con dân làng, nhất là thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
|
Được bầu làm Trưởng thôn rồi Trưởng ban Mặt trận thôn từ sau ngày giải phóng, ở cương vị nào già A Díp cũng nhiệt tình, hết mình vì công việc chung. Và, bây giờ, già A Díp tiếp tục được bà con dân làng Kon Stiu, xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) tín nhiệm bầu làm già làng - thấm thoát đã 5 năm. Già A Díp luôn tích cực cùng chính quyền địa phương vận động dân làng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Điều đặc biệt già A Díp là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Xê Đăng.
Phát huy vai trò của già làng
Nằm sát con đường chính dẫn vào làng Kon Stiu (100% dân số là đồng bào dân tộc Xê Đăng) là ngôi nhà của già làng A Díp – một trong những già làng uy tín của xã Ngọc Réo được các cấp chính quyền địa phương tuyên dương trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
|
Đang ngồi trước nhà chuốt từng nan tre để đan những chiếc sàng, chiếc gùi đi rẫy, thấy khách đến, già A Díp giới thiệu ngay: Nghề đan lát là nghề truyền thống bao đời của bà con ĐBDTTS nơi đây. Nhiều người già trong làng vẫn đan lát những lúc rảnh rỗi. Lớp trẻ bây giờ cũng có đứa chịu học nên mọi vật dụng trong nhà của bà con toàn làm thủ công như thế này…
74 tuổi, nhưng hằng ngày già A Díp vẫn tích cực lao động, trồng trọt với 5 sào cao su, 3 sào lúa, 1ha mỳ, chăn nuôi bò, gà… Với cái uy của mình, già A Díp luôn được bà con dân làng Kon Stiu quý mến và nghe theo. Nhờ đó mà từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo đói cao, bây giờ làng Kon Stiu chỉ còn 17 hộ nghèo.
Kon Stiu còn được đánh giá là làng duy trì và bảo tồn khá tốt văn hóa truyền thống của ĐBDTTS. Chỉ nhà rông truyền thống thật đẹp ở giữa làng, A Quyết - Chủ tịch UBMTTQVN xã Ngọc Réo cho biết đấy là nhờ công sức của già A Díp. Không chỉ là người đứng ra thiết kế, hướng dẫn bà con làm nhà rông truyền thống, già A Díp còn vận động bà con dân làng ròng rã trong 2 tháng liền vào rừng cắt tranh, lấy gỗ với 10 ngàn ngày công. Già A Díp còn là người truyền lửa để bà con dân làng, đặc biệt là thế hệ trẻ giữ bản sắc văn hóa ĐBDTTS. Với sự vận động, truyền dạy cồng chiêng của già A Díp, đến nay, làng Kon Stiu có 4 đội cồng chiêng, trong đó có 2 đội cồng chiêng người lớn và 2 đội cồng chiêng thanh thiếu nhi, mỗi đội cồng chiêng 14 người.
Giới thiệu về đội cồng chiêng của làng, già A Díp cho người nhà gọi A Thiện – thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội cồng chiêng (7 tuổi) sang nhà để cùng biểu diễn vài điệu cồng chiêng cho khách xem.
Cậu bé A Thiện lúc đầu ngại ngùng nhưng khi được già A Díp đưa cho chiếc chiêng nhỏ thì thần thái và điệu bộ đã thay đổi; cặp mắt em sáng lên, tay đỡ lấy chiếc chiêng và nhanh chóng hòa nhịp theo tiếng chiêng của già làng một cách say sưa.
A Thiện cho biết: Em biết đánh chiêng từ năm lên 6 tuổi. Em thường theo già A Díp để học…
Duy trì các lễ hội cho làng
Già làng A Díp còn là người có công rất lớn trong việc vận động bà con dân làng duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống của người Xê Đăng từ bao đời như Lễ hội mừng giọt nước, Lễ hội mừng lúa mới...
Theo nhận xét của già A Díp, gần như lễ hội nào cũng được giữ nguyên bản, được bà con chuẩn bị khá tươm tất; tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con dân làng.
Hàng năm, vào ngày 25/3 dương lịch - người Xê Đăng ở làng Kon Stiu thường tổ chức Tết của người Xê Đăng, bà con dân làng tập trung tại nhà rông để mọi người chúc mừng thành quả sau một năm nỗ lực, động viên nhau phấn đấu trong năm tiếp theo để xây dựng thôn (làng) ngày càng no đủ, cuộc sống bà con dân làng ngày càng khấm khá.
Già A Díp cho biết, ngày Tết của người Xê Đăng diễn ra rất ấm cúng, vui vẻ. Như đã thành lệ, mỗi hộ gia đình đến nhà rông phải mang theo 1 ghè rượu để chung vui với cả làng trong ngày Tết.
Trước Tết một ngày, phụ nữ trong làng thường kéo nhau vào rừng để kiếm cá suối và các loại rau rừng để chế biến các món ăn; còn đàn ông thì đi bắt chuột, bắt sóc và chặt ống lồ ô để nướng thịt, nướng cá, nướng cơm lam. Các món ăn được bà con dân làng chế biến sẵn rồi đúng ngày Tết mang đến nhà rông để mọi người cùng thưởng thức.
Món ăn của người Xê Đăng ở làng Kon Stiu thường được bà con nấu vào ngày lễ hội của làng là món thịt chuột, thịt sóc. Theo già A Díp, trước đây, những con vật này rất dễ tìm, bây giờ không dễ. Vì vậy, bà con phải đi đặt bẫy để dành hàng tháng trên gác bếp để đúng dịp lễ hội mang ra chế biến. Thịt chuột nếu đã đặt gác bếp nhiều ngày thì mang ra nướng; còn nếu bắt được chuột sống thì mang lột da xong rồi bỏ vào ống lồ ô nướng. Ăn kèm với thịt chuột phải có măng chua hoặc măng tươi nấu lên, kèm theo một ít rau thơm như ngò gai được xem là món khoái khẩu của người Xê đăng ở Kon Stiu.
Tuy nhiên, trước khi bày biện các món ăn và tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang, đã thành phong tục, già làng A Díp chúc Tết bà con với lời chúc mong muốn bà con dân làng luôn có sức khỏe để lên rừng lên rẫy làm ra hạt lúa, củ mỳ xua đi cái đói cái nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng no đủ, giữ gìn truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau.
Sau lời chúc của già A Díp, bà con cùng nhau uống chung ghè rượu. Sau đó, phụ nữ trong làng bày biện thức ăn ra nhà rông để mọi người cùng thưởng thức và chung vui với nhau cả ngày.
Nói về việc giữ gìn bản sắc văn hóa ĐBDTTS, già A Díp vui lắm, vừa nói vừa dẫn chứng khiến câu chuyện về người truyền lửa của chúng tôi không dứt ra được. Khi ánh hoàng hôn dần khuất núi, bà con bắt đầu đi rẫy về, già A Díp lại mang đàn ting ning ra ngồi trước cửa thả hồn.
|
Già nói, tiếng đàn ting ning là một phần hồn làng, bởi âm thanh của nó mang lại cảm giác vui vẻ, xua tan đi bao mệt mỏi sau một ngày lao động mệt nhọc nên già cũng đang vận động con cháu học cách chơi loại nhạc cụ truyền thống này…
Mai Ly