Đón Tết Nguyên đán với người Ba Na ở Kon Tum
Tết Nguyên đán bà con không cúng bái cầu kỳ như người Kinh, nhưng cũng có những nghi lễ và khá ấm cúng trong hương rượu cần xà cơn nồng nàn...
Cũng giống như nhiều dân tộc khác, người Ba Na ở Kon Tum cũng có nhiều cái tết truyền thống như Tết mừng lúa mới, Tết Ét Đông (Tết ăn con dúi) và gần đây bà con cũng ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Hằng năm gần đến ngày Tết Nguyên đán, người Ba Na ở thành phố Kon Tum lo dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế để chuẩn bị đón Tết.
Tết Nguyên đán đối với bà con Ba Na không cúng bái cầu kỳ như người Kinh, nhưng cũng khá đầm ấm. Năm nào ở lại Kon Tum, tôi cũng thường có thói quen thăm viếng và chúc tết một số người thân Ba Na. Chị Y Giút (phường Thống Nhất) tâm sự: Trước Tết bà con cũng gói bánh tét, mua bánh ngọt, mua thịt heo…nhưng không phải để cúng mà để mời nhau thưởng thức. Món ăn đặc sắc được người Ba Na ưa thích nhất và thường được nhiều gia đình làm trong dịp Tết Nguyên đán là cá, ếch, nhái mổ bỏ ruột hay thịt gia súc, gia cầm sau thui, xẻ thịt, chặt từng khúc nhỏ, trộn với rau rừng, măng rừng, sả, tiêu (giã nhỏ) cho vào ống lô ô để lên lửa than hồng nướng chín. Các món ăn khi đã được nướng, nấu chín, người phụ nữ trải lá kbang (lá dầu) trên cái nia hay bàn ăn và đổ thức ăn từ ống lồ ô lên trên lá, sau đó cùng nhau ăn, uống vui vẻ.
|
Bàn về ẩm thực, chị Y HNhem (phường Quang Trung) tự hào: Món ăn người Ba Na thường chế biến khô, ít khi dùng nước và nướng chín trong ống lồ ô là chính. Mỗi một món ăn đều có hương vị đặc trưng riêng của núi rừng…Các nguyên liệu (gia vị) chế biến các món ăn của người Ba Na được sử dụng một cách tương sinh hài hoà với nhau và thường thuận theo nguyên lý “âm dương phối triển” như món ăn dễ gây lạnh bụng buộc phải có gia vị cay nóng đi kèm. Người Ba Na ít khi ăn món nào riêng biệt!
Ngày Tết Nguyên đán, các món ăn không được chuẩn bị công phu như Tết mừng lúa mới, lễ hội, nhưng nghi thức uống rượu cần thường thì không thay đổi. Uống rượu cần, người lớn tuổi uống trước, nhỏ tuổi hơn uống sau.
Theo chị Y Giút, trong những ngày Tết Nguyên đán, chiều ngày 30 dân làng tập trung tại nhà rông uống rượu cần và xem thanh niên trong làng tổ chức đánh bóng chuyền. Tối đến, dân làng tổ chức văn nghệ, nối vòng xoang trong tiếng cồng chiêng ngân vang cho đến giao thừa. Sáng mồng một Tết, sau khi thắp đèn, cắm hoa lên bàn thờ Chúa, hoa quả lên bàn thờ gia tiên, dân làng kéo nhau đi lễ nhà thờ cầu xin mọi người trong gia đình mạnh khỏe, đất nước thanh bình; mồng hai Tết cầu cho linh hồn người thân trong gia đình siêu thoát; mồng ba Tết cầu mùa màng bội thu, gia đình có của ăn của để.
Sau khi đọc kinh và cầu nguyện, bà con về nhà hoặc đi thăm nhau, chúc cho nhau mạnh khỏe. Những năm gần đây, kinh tế khá lên, ngoài rượu cần truyền thống, nhiều hộ khá giả cũng mua các loại bia về tiếp khách trong ngày Tết. Tuy nhiên, tôi vẫn thích nhất là được bà con mời bằng rượu cần. Rượu cần bà con dành cho ngày Tết thường đặc biệt hơn ngày thường bởi nguyên liệu chính không phải bằng củ mỳ mà bằng hạt gạo xà cơn (gạo đỏ, vỏ lụa dày). Hạt gạo xà cơn cộng với các nguyên liệu từ thiên nhiên của núi rừng Tây Nguyên làm cho rượu có vị ngọt và hương thơm nồng.
Theo già làng A Hiuh ở phường Thống Nhất, bàn thờ ngày Tết quan trọng nhất của người Ba Na là bàn thờ Chúa, bởi bà con quan niệm người chết là đã về với Chúa, với Giàng. Mặc dù vậy, nhưng giao thoa văn hóa, nhiều nhà cũng lập bàn thờ gia tiên và thành kính như người Kinh.
Đã từng đón Tết Nguyên đán với người Ba Na, tôi thấy bà con thường có nhiều thời gian thăm nhau, chúc mừng nhau và say khướt rượu cần xà cơn. Người Ba Na rất quý khách. Khi mời rượu dù không uống được bạn cũng phải cố gắng uống một can nếu không sẽ mất lòng chủ vì họ sẽ bảo bạn coi khinh.
Tết Ất Mùi đang đến, bạn thử một lần đón Tết với người Ba Na, để được say trong ân tình với bà con trong hương vị rượu cần xà cơn thơm nồng và để có thêm được những trải nghiệm…
Đào Nguyên