Đặc sắc lễ mừng nước giọt ở Kon Trang Long Loi
Cũng giống nhiều DTTS khác ở Kon Tum, người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) ở làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà có tập tục lấy nước sinh hoạt ở những mạch nước ngầm chảy ra từ khe núi vừa trong và sạch. Bà con chặt cây lồ ô, đục thông các mắt rồi cắm vào mạch nước để dẫn nước ra chỗ thuận tiện lấy nước. Điểm lấy nước gọi là nước giọt (đăk klang). Lễ mừng nước giọt được dân làng long trọng tổ chức hằng năm.
Hằng năm, khi vụ mùa kết thúc, thóc lúa đã về kho, dân làng Kon Trang Long Loi tổ chức lễ mừng nước giọt (u klang đăk) hết sức long trọng để tạ ơn thần linh (Yàng) và cầu mong sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu trong năm tới.
Lễ mừng nước giọt thường diễn ra trong 3 ngày. Trước lễ cúng, già làng sẽ xác định ngày lành làm lễ và thông báo đến người dân để cùng nhau đóng góp hiện vật, phục vụ việc cúng bái. Những vật phẩm cho buổi lễ thường là heo, gà, gạo nếp, rau củ và rượu ghè.
|
Già làng A Thuih cho biết: Trước lễ một tuần, già làng phân công cho một nhóm trai tráng đi chặt cây lồ ô, bứt dây mây trong rừng và làm các vật liệu trang trí cây nêu. Người Ba Na ở Kon Trang Long Loi quan niệm, cây nêu là nơi thần linh trú ngụ và là vật tượng trưng cho sự đoàn kết của cộng đồng.
Ngày đầu tiên của Lễ mừng nước giọt, buổi sáng, dân làng tập trung chỉnh trang, vệ sinh trong và ngoài nhà rông. Già làng chỉ huy đám thanh niên trai tráng dựng cây nêu ở chính giữa khoảng sân rộng trước nhà rông. Cây nêu càng to, càng cao thì lời khấn của dân làng càng dễ được thần linh nghe thấy; cây nêu được trang trí càng rực rỡ, lộng lẫy thì mùa màng sẽ càng thuận lợi, tươi tốt. Do đó, việc lựa chọn cây nêu được dân làng coi trọng, với các tiêu chuẩn khắt khe: Không được lấy cây mất ngọn, không được nhúng cây vào nước và không được bước qua cây.
Sau khi cây nêu được dựng lên, già làng A Thuih làm lễ cúng cây nêu. Ông cắt tiết gà ra một chiếc cốc làm từ ống lồ ô, hòa lẫn một ít rượu cần vào. Sau lời khấn, già làng dùng que tre có một đầu loe ra như chiếc cọ, chấm vào cốc tiết để rắc xung quanh cây nêu và tiến hành làm lễ khấn mời Yàng về chứng giám, dự lễ cùng dân làng.
Buổi chiều, dân làng tập trung phát dọn cỏ rác, cây bụi quanh chỗ giọt nước, làm rãnh thoát nước từ đầu nguồn để nước mưa, nước bẩn không xâm nhập vào nguồn nước giọt, giữ gìn nguồn nước giọt luôn sạch sẽ.
|
Ngày thứ hai là ngày long trọng và nhộn nhịp nhất trong suốt dịp lễ. Buổi sáng, dân làng mang những vật phẩm đóng góp đến nhà rông, từ thịt heo, gà, gạo nếp, lá mì đến rau rừng, cây chuối, ống lồ ô và các dụng cụ khác để chuẩn bị chế biến thức ăn. Đặc biệt, mỗi gia đình đóng góp 1 ghè rượu, thức uống không bao giờ thiếu trong các lễ hội của dân làng, xếp thành hàng ở dưới sàn nhà rông. Những người phụ nữ thì mang gùi đựng những quả bầu khô, ống lồ ô đi lấy nước giọt về để nấu nướng và chế vào các ghè rượu.
Không khí ngày lễ hết sức sôi động, nhộn nhịp, người nào cũng có phần việc của mình. Người thì giã gạo, giã lá mì, lặt rau dớn, thái chuối, làm cơm lam, xiên thịt nướng; người thì lấy củi đốt lửa để nướng thức ăn; người thì làm các trang phục từ lá cây cho chương trình cồng chiêng, múa xoang. Đội cồng chiêng thì mang các loại nhạc cụ ra thử âm.
Buổi chiều ngày thứ 2 của lễ mừng nước giọt, khi mặt trời ngả bóng, dân làng tập trung tại nhà rông. Một ghè rượu và con gà bày sẵn bên gốc cây nêu, già làng A Thuih tiến đến cắt tiết gà ra một chiếc cốc làm từ ống lô ô, sau đó hòa rượu cần vào. Cũng giống như ngày hôm trước cúng cây nêu, nhưng tiết gà lần này dùng để đem ra cúng ở giọt nước. Ông giao chiếc cốc lại cho A Yan - một người có uy tín trong làng với những lời dặn dò để mang ra cúng giọt nước.
A Yan cầm chiếc cốc tiết gà đi trước, đoàn người mang theo những ống lồ ô to lớn, những vỏ bầu khô đi theo ra giọt nước. Đến giọt nước, A Yan làm chủ tế. A DYan dùng chiếc đũa làm bằng cây tre chấm vào cốc tiết gà và rắc quanh giọt nước để làm phép, dân làng đứng xung quanh. Rồi ông khấn cầu Yàng nước (Yàng đăk) phù hộ cho dân làng, cho mùa màng tươi tốt. Kết thúc nghi lễ, ông dùng cốc lô ô đựng tiết gà để hứng nước mang về làm lễ tại nhà rông, dân làng từng người dùng ống lô ô dài và vỏ bầu khô hứng nước sau.
Về lại nhà rông, A Yan trao lại chiếc cốc lô ô cho già làng rắc nước từ chiếc cốc quanh gốc cây nêu làm phép. Những ống nước vừa lấy về từ giọt được châm vào ghè rượu và già làng là người đầu tiên thưởng thức những giọt nước này. Sau đó, mọi người chuyền tay nhau cùng uống.
|
Tiếp đến, người chủ tế khấn cầu, cảm ơn các Yàng về chung vui và phù hộ cho dân làng. Phần lễ chính thức kết thúc và tiếp đến là phần hội bắt đầu diễn ra cho đến hết ngày hôm sau.
Trước khi bước vào phần hội, bà con bày thức ăn (thịt nướng, lá mì xào, cây chuối um thịt mỡ, rau dớn, cơm lam và rượu ghè) trước nhà rông để cảm tạ thần nước đã ban cho dân làng nguồn nước quý giá. Từ người già đến trẻ nhỏ hòa mình vào những điệu múa xoang, cùng với nhịp cồng chiêng ngân vang. Xen lẫn trong tiếng cồng chiêng là những tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Họ cùng nhau vít rượu cần và ăn uống no say.
Già làng A Thuih cho biết: Làng Kon Trang Long Loi có 132 hộ với 777 nhân khẩu, phần lớn là người Ba Na (nhánh Rơ Ngao). Ngày xưa, làng có 4 giọt nước, nhưng do rừng bị thu hẹp, một số nguồn không còn nước. Hiện tại, làng có 2 giọt nước còn sử dụng là Đăk Rơ Yâm và Đăk Long Loi. Lễ mừng nước giọt là lễ lớn nhất trong năm của người dân ở đây, cũng giống như Tết Nguyên đán vậy, được tổ chức hàng năm.
“Những năm gần đây, du lịch ở Kon Trang Long Loi phát triển mạnh mẽ. Cùng với các sản phẩm thủ công truyền thống như thổ cẩm, đan lát, nhạc cụ, các sinh hoạt văn hóa như cúng giọt nước, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang được duy trì đang đem lại sức hút du khách cho Kon Trang Long Loi, từ đó góp phần nâng cao đời sống dân làng”- già làng A Thuih vui mừng bộc bạch giữa tiếng cồng chiêng ngân vang.
Nguyễn Ban