Chiếc gùi trong đời sống cư dân các dân tộc thiểu số Kon Tum
Cư dân các dân tộc thiểu số Kon Tum khi ra khỏi nhà là mang theo cái gùi, đó là vật bất ly thân. Trong mỗi gia đình, từng người có chiếc gùi riêng của mình, gùi là vật dụng đã được “cá thể hóa”của mỗi người.
Cư dân Kon Tum có hàng chục loại gùi với những kiểu dáng, kích cỡ, công dụng khác nhau. Có loại gùi được đan khá công phu và rất đẹp, có nắp, được đan 2 hoặc 3 lớp dùng đựng đồ (có tác dụng như chiếc rương) trong gia đình; Có loại gùi nhỏ đan hoàn toàn bằng mây, rất đẹp, khi mang ôm gọn sau lưng như những chiếc ba lô (klet, chui), đó là những gùi đi rẫy, đi săn của đàn ông để khi chui, luồn trong rừng già rất tiện; Có loại gùi một lớp được đan dầy dùng đựng hoặc cõng lúa gạo; Có gùi đan thưa để đi lấy củi, rau, măng, lấy nước; Có loại gùi nhỏ (teo) dùng khi trỉa lúa, tuốt lúa; Có gùi cho người lớn, gùi cho trẻ em….
Gùi không chỉ là phương tiện vận chuyển, còn là “tác phẩm mỹ thuật’, trên đó trang trí nhiều hoa văn, thể hiện đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ, gởi gắm bao tâm tư tình cảm của người làm ra nó. Tùy theo từng tộc người mà hình dáng, trang trí hoa văn, cách đan đế gùi, nắp gùi có cấu tạo khác nhau. Song nét chung gùi của cư dân Kon Tum cũng như Tây Nguyên là có quai đeo qua vai chứ không tì vào trán như một số dân tộc ở miền núi phía bắc.
Nguyên liệu dùng để đan gùi là tre và các loài cây thuộc họ tre, nứa và mây. Dây mây được dùng để cạp miệng và đế gùi, đan quai gùi. Đế gùi thường được làm bằng song, mây và các loại gỗ mềm. Để nguyên liệu không bị mối mọt, đồng bào thường chặt tre nứa vào cuối tháng âm lịch, những ngày không có trăng và thường vào mùa khô. Họ thường chọn tre nứa bánh tẻ, không già quá, cũng không non quá. Thường chỉ khi nào cần đan họ mới vào rừng khai thác nguyên liệu. Riêng mây là loại vật liệu khó kiếm nên lúc đi rừng nếu gặp đồng bào thường lấy về để trên gác bếp để dùng khi cần. Cũng có khi lúc rỗi rãi họ chẻ, vót nan để sẵn trên gác bếp, khi cần dùng mới đem ngâm nước, để ráo cho mềm rồi mới đan. Nan đan gùi phần lớn dùng nan cật, rất ít khi dùng nan mặt lòng.
Dụng cụ dùng để chẻ, pha nan của đồng bào là cây rựa. Dụng cụ chính dùng để vót nan là con dao nhỏ, có mũi nhọn. Dao do đồng bào tự rèn hoặc trao đổi trong làng. Dao rất sắc. Lưỡi dao ngắn, nhỏ, hơi bầu, phần mũi nhọn hơi cong lên, thuận lợi khi vót nan cũng như khi khoét lỗ trên đế gùi để sỏ lỗ buộc quai. Cán dao là một đoạn le nhỏ, dài khoảng 30-40cm. Khi vót nan, người thợ tỳ cán dao vào dưới nách để làm điểm tựa. Khi đan, người thợ còn dùng một dụng cụ hỗ trợ (để dồn nan cho chặt), đó là một “con dao” nhỏ, dài khoảng 20-30cm bằng sừng, hoặc mảnh xương sườn trâu, bò. “Lưỡi dao” tày để khi dồn nan, dao không làm đứt sợi nan.
Bên cạnh đó, để đan mỗi loại gùi khác nhau đồng bào còn dùng những chiếc khuôn (khung) được làm sẵn bằng tre/le giúp cho việc đan được thuận tiện.
Có nhiều loại hình và kiểu dáng gùi khác nhau, nhưng về cơ bản có thể chia các loại:
- Gùi thân tròn hai lớp đan dầy, có nắp (nan nhỏ): Dùng đựng váy áo, tấm đắp, tấm choàng, đồ quý… (tác dụng như chiếc rương) trong gia đình. Đây là loại gùi khó đan, đòi hỏi kỹ thuật cao.
- Gùi thân tròn, một lớp, đan dầy (nan nhỏ): Dùng đựng (hoặc cõng) lúa gạo, bắp....
- Gùi thân tròn, một lớp, đan thưa (nan to): Dùng lấy củi, rau, măng, hoặc đựng bầu khi đi lấy nước…
- Gùi thân tròn nhỏ đan dầy một lớp dùng khi trỉa lúa, suốt lúa (Teo).
- Gùi thân dẹt một hoặc ba ngăn đan dầy (thường đan bằng mây - nan nhỏ) dùng cho đàn ông khi đi rẫy, đi săn để đựng cơm, thuốc hút, ống tên…, khi đeo áp chặt vào lưng, rất thuận tiện khi luồn lách trong rừng.
- Gùi đi săn của đàn ông đan dầy, một lớp, khi đeo bám chặt vào lưng như chiếc ba lô, rất thuận tiện cho việc đi rừng.
Gùi dùng để cõng củi, bắp, mì… của dân tộc Giẻ - Triêng. Gùi được đan bằng cật lồ ô, dây đeo đan bằng mây. |
Gùi dùng đựng đồ trong nhà của dân tộc Giẻ - Triêng. Toàn thân gùi được đan bằng mây và lồ ô với 3 lớp để chống thấm nước. |
Gùi có nắp: của dân tộc Xê Đăng dùng để đựng đồ (váy, áo, khố tấm choàng, tấm đắp) trong gia đình. |
Một chiếc gùi gồm có 3 bộ phận chính là thân, đế và quai gùi. Khi chế tác, đầu tiên người ta đan thân gùi, rồi làm đế gùi và sau cùng là quai gùi. Quai gùi được xỏ, buộc vào thân gùi.
Nhìn chung gùi thường có chiều cao 50-70cm tùy chức năng, nhu cầu của người sử dụng. Thân gùi thường có dáng hình trụ, tròn, thuôn dần về đáy. Đáy nhỏ hơn miệng thường có hình chữ nhật, đôi khi hình vuông. Miệng gùi hình tròn. Gùi được đan theo một số kiểu: Đan nan ngang với các nan được chia thành nan dọc và nan ngang (nan ngang nhỏ hơn nan dọc) với các dạng lóng mốt, lóng đôi; lóng mốt lóng ba…; Kiểu đan nan chéo và kiểu đan mắt cáo… tùy loại hình và công dụng.
Trong quá trình đan thân gùi, người ta tạo hoa văn trang trí bằng cách đan cải hoa văn mầu đen, mầu đỏ bởi các sợi nan đã được nhuộm mầu bằng nhựa cây rừng, hoặc các nan cùng mầu bằng cách lật mặt cật hoặc mặt lòng để có hai mầu khác nhau. Các dải hoa văn thường nằm gần miệng, gần đáy hoặc giữa thân gùi. Thân gùi có thể nẹp tre hoặc mây. Nẹp thân được ốp vào thân gùi bằng dây mây. Sau khi đan xong thân, bắt đầu đan miệng gùi. Với các loại gùi không có nắp, phần miệng thường đan mở rộng ra. Với các loại gùi 2 lớp có nắp, miệng gùi thường được đan, cạp thu hẹp dần lại.
Loại gùi 2 lớp có nắp dùng để đựng đồ, thì lớp trong được đan trước, lớp ngoài đan sau. Lớp trong được đan cao hơn lớp ngoài và tạo thành miệng. Miệng lớp ngoài đan thấp hơn lớp trong khoảng 15-20cm và tạo thành gờ, được cạp bằng dây mây để đỡ nắp. Nắp gùi hình chóp, đỉnh chóp là đầu mấu của một đoạn tre/ le mà phần dưới đã được chẻ và tõe ra thành các nan dọc của nắp. Nắp thường được đan cải nan mầu đen để tạo hoa văn trang trí.
Đế gùi có chiều cao khoảng 10-15cm, thường hình chữ nhật hoặc vuông, thẳng hoặc phía dưới hơi choãi ra ngoài tạo thế vững chắc khi đặt đứng xuống đất/ sàn nhà. Đế có thể được làm từ một khúc gỗ liền khối được đục trong lòng thành hình chữ nhật hoặc từ 4 mảnh gỗ rời ghép lại bằng dây mây. Đế thường được làm bằng các loại gỗ mềm và được buộc chặt vào đáy bằng dây mây.
Quai gùi được đan bằng tre nứa hoặc bằng sợi mây, và được đan rời. Cũng có khi đồng bào dùng luôn một sợi vỏ cây hoặc một dây mây tròn làm quai gùi.
Sinh sống trong điều kiện địa hình rừng núi, không thể gánh gồng, đội, thì gùi là phương thức vận chuyển phù hợp với cư dân Kon Tum. Đi trong rừng già, lối mòn rất nhỏ, với chiếc gùi đeo trên lưng, con dao trên tay tay rảnh rang, họ có thể vạch lá nâng cành trên lối đi, thậm chí có thể còn thu nhặt rau măng một cách thuận lợi. Với 2 quai gùi đeo trên 2 vai, gùi nằm phía sau lưng, chiếc gùi rất thuận tiện cho việc di dời, vận chuyển của đồng bào. Gùi theo họ lên rừng, đi rẫy, vận chuyển lúa bắp, rau măng; Ra suối lấy nước; Đi chợ, đi chơi, đi thăm hỏi người thân… gùi luôn là vật bất li thân đặc biệt đối với người phụ nữ, đã trở thành biểu trưng cho tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ các dân tộc bản địa Kon Tum.
Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, đời sống của đồng bào đã khác trước, nhiều người đã có xe đạp xe máy, nhưng chiếc gùi vẫn đang là phương tiện vận chuyển khó có thể thay thế của họ. Chiếc gùi đã, đang và sẽ còn gắn bó thân thiết với cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum.
Vũ Thị Mai