Bản hòa âm giữa đại ngàn
Ngồi trong căn chòi rẫy của ông A Tam ở làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tâm hồn tôi như bay bổng theo những giai điệu bổng trầm của đàn nước. Bao năm qua, nhờ tiếng đàn nước, ông Tam vừa có thêm niềm vui, vừa xua đuổi được thú dữ và chim muông phá hoại mùa màng.
Vượt qua hốc đá, thanh âm rất lạ nghe như tiếng đàn đá đã thu hút sự chú ý của mọi người. Ở giữa núi rừng, không người qua lại, lại vang lên tiếng đàn trong trẻo, êm tai. Rồi gần như không ai bảo ai, chúng tôi đi về hướng phát ra bản hòa tấu của đại ngàn.
Phía xa xa, trong căn chòi giữa rẫy, ông A Tam bất ngờ khi tiếp đón những vị khách không mời mà đến. Căn chòi chưa đến 5m2 được xem là “ngôi nhà thứ 2” của ông Tam. Nhà ông ở làng Mới nhưng do rẫy ở quá xa, đường sá lại bất tiện nên đa số thời gian ông ở chòi trên rẫy để tiện chăm sóc đám bắp, đám lúa và sâm dây. Dăm bữa, nửa tháng, khi nào hết lương thực, ông mới trở về nhà một vài hôm rồi lại lên rẫy.
Căn chòi chỉ đủ chỗ chứa một chiếc giường tre và bếp lửa, không hề có một loại nhạc cụ nào. Nghe khách ngạc nhiên hỏi về thanh âm trong trẻo nghe như tiếng đàn, ông bật cười, chỉ về phía con suối chảy ngang qua trước chòi rồi hớn hở khoe: Là tiếng đàn nước kia kìa.
|
Càng tiến lại gần, âm thanh càng trong, càng hay, hệt như một bản nhạc đang được các nghệ sĩ trình diễn. Nhưng ở đây, không có nghệ sĩ nào cả, tiếng đàn được phát ra bởi sự kết hợp nhịp nhàng của nước chảy, của đá và tre nứa.
Lần đầu tiên nhìn thấy nên với chúng tôi, đàn nước thật lạ. Nhưng với ông Tam và người dân quanh vùng, đàn nước rất quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần hàng ngày của người Xơ Đăng. Ở rẫy, giữa bốn bề rừng núi, không bóng người qua lại, mọi người thường làm đàn nước để nghe cho đỡ buồn. Hơn nữa, với họ, âm thanh từ đàn nước mang lại sự bình yên, xua đuổi thú dữ, chim muông phá hoại mùa màng.
“Ở một mình buồn lắm, có tiếng đàn nước nghe rất vui tai, cảm giác đỡ vắng vẻ, đỡ buồn hơn rất nhiều. Ngày trước, chim chóc, khỉ hay kéo về ăn bắp, ăn lúa, từ lúc có đàn nước, chúng không dám ra ăn bắp, ăn lúa nữa” – ông Tam nói.
Theo quan sát, chất liệu để làm nên đàn nước là tre, nứa và đá. Ông Tam làm đàn nước rất thạo nhưng lại khó diễn tả bằng ngôn ngữ. Bởi vậy, phải mất một lúc lâu, chúng tôi mới hiểu được “nguyên lý hoạt động” của đàn nước.
Ông dựng 4 cọc tre làm giá đỡ, mỗi cọc cách nhau tầm 1mét, rồi chọn những hòn đá hình dẹt, to khoảng 2 bàn tay treo trên cọc; những hòn đá có dáng dài như chiếc dùi treo đối diện với hòn đá hình dẹt. Một sợi dây rừng kéo dài từ đầu đến cuối cây đàn và buộc vào máng dẫn nước về từ con suối. Khi nước chảy, máng nước dao động kéo sợi dây, và như thế, các hòn đá chạm vào nhau, tạo nên những bản nhạc giữa rừng.
Nhìn và nói có vẻ đơn giản, nhưng để làm nên đàn nước cũng không hề giản đơn. Nếu ở những nơi khác, người dân sử dụng tre nứa là nguyên liệu chính, thì ông lại chọn thanh âm từ đá. “Ở suối có nhiều đá nhưng không phải viên nào cũng dùng để làm đàn được. Mình phải gõ thử rồi chọn những viên có thanh âm trong trẻo, kêu, vang để làm. Trong 4 hòn đá, mình chọn ra âm trầm, bổng, vang khác nhau. Có như vậy, nghe mới hay và mới êm tai”– ông Tam chia sẻ.
Đá với nhiều kích cỡ, mỗi viên khi gõ có âm thanh khác nhau, tạo nên tiếng trầm tiếng bổng. Giữa rừng, tiếng đàn đá hòa với tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách, tiếng mưa rơi tí tách, tiếng lá rơi xào xạc... quyện với nhau, tạo thành bản hòa âm đặc sắc.
Nhờ sức nước kéo dây buộc đàn để tạo nên âm thanh, bởi vậy, đàn nước tạo ra những bản nhạc với nhiều bè, khi thì đối đáp nhau, khi lại đuổi theo nhau, khi là giai điệu và chồng âm nhiều dạng. Khi nước chảy xiết, đàn có nhịp hối hả thúc giục, dồn dập với những tiết tấu khẩn trương; khi trời nắng, bình yên, suối chảy chậm rãi, đàn lại mang đến nhịp điệu khoan thai; khi trời mưa lớn lại dồn dập, mạnh mẽ.
Cách hoạt động như nhau nhưng tùy người, tùy từng khu vực, người dân có cách sáng tạo làm đàn nước khác nhau. “Có người làm dây đàn thật dài, người lại làm ngắn. Có người còn trang trí ở những thanh cọc để cho đàn nước thêm đẹp. Còn mình, chỉ đơn giản thôi” – ông A Tam bộc bạch.
|
Để ngoài trời, chịu nắng, chịu mưa, vậy đàn nước có dễ hư không?- chúng tôi hỏi. Chỉ về phía những cây tre, cây nứa được dựng chắc chắn, ông Tam bảo, cây đàn làm mấy năm rồi, vẫn nguyên vẹn. Nếu dây đàn đứt thì ông thay; nếu cọc treo đá bị mục, chỉ cần chỉnh là được. “Nói vậy nhưng khó hư lắm. Mình ở đây thường xuyên, có vấn đề gì, mình sửa ngay”- ông Tam nói.
Giữa không gian tĩnh lặng, cây đàn nước khiến khu rừng, căn chòi thêm tươi mới, tràn đầy sức sống. Buổi sáng sớm, cùng với tiếng gà rừng, âm thanh của đàn nước thúc giục ông Tam cũng như những người dân trong các khu chòi ở gần thức dậy, chăm sóc cho đám ngô, đám lúa. Trong suốt quá trình lên rẫy, tiếng đàn tạo thêm năng lượng tích cực, xua tan mệt mỏi. Vào những buổi trưa, giai điệu của đàn nước mang đến niềm vui, hân hoan, rộn ràng. Những người làm rẫy quanh khu vực, lâu lâu lại lặn lội tìm về căn chòi của ông Tam, ngồi nghe bản hòa tấu trữ tình đằm thắm, thanh thản của âm thanh đàn nước, vừa nhâm nhi ly trà xanh nóng hổi. Chỉ thế thôi, đủ để bà con tận hưởng cuộc sống giữa thiên nhiên yên bình.
Với ông Tam, đàn nước là người bạn tri kỷ. Dù nắng, dù mưa hay bão táp, đàn nước vẫn âm vang trên đám rẫy thân thương giúp tâm hồn ông thêm trong sáng, yêu đời, yêu thiên nhiên. Có thể vì thế, nhiều lần về ngôi nhà chính, ông lại thấy nhớ và lại muốn lên rẫy để được hòa mình với thiên nhiên, để nghe bản hòa tấu dịu êm giữa đại ngàn thân thương.
HOÀI TIẾN