Nòng cốt tuyên truyền bình đẳng giới
Sát cánh với hội viên phụ nữ, những chi hội trưởng chi hội phụ nữ trên địa bàn huyện Sa Thầy trở thành lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới.
|
Sinh năm 1995, Y Vĩ là một trong những chi hội trưởng phụ nữ trẻ tuổi ở xã biên giới Mô Rai. Trẻ, ham học hỏi, chị Vĩ tìm hiểu, biết cách tuyên truyền, vận động người dân nói chung, hội viên phụ nữ ở làng Sộp nói riêng thực hiện bình đẳng giới.
Làng Sộp có 75 hội viên phụ nữ, gần 100% là người DTTS. Nhiều chị em phụ nữ không biết dùng điện thoại, ít tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, trong các buổi truyền thông về bình đẳng giới, chị Vĩ luôn tìm cách nói thật cô đọng, đủ ý để bà con dễ tiếp nhận.
Thực trạng ở thôn, vẫn còn những gia đình chưa thực sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong công việc, trong cách tiếp cận thông tin cũng như trong tham gia các hoạt động. Chị Vĩ kể: “Một số ông chồng gia trưởng, không cho vợ tham gia các hoạt động. Nhưng cũng có bà vợ chỉ ở nhà uống rượu, không đi làm, trông chờ, ỷ lại vào chồng và các con. Bạo lực gia đình thường rơi vào những gia đình đó”.
Nắm được gốc rễ của vấn đề, đồng thời hiểu vai trò, trách nhiệm của mình, chị Vĩ tìm cách vận động. Những buổi truyền thông, họp phụ nữ được tổ chức định kỳ luôn có nội dung về bình đẳng giới. “Ngặt nỗi, những gia đình chưa bình đẳng lại ít đi họp, nên nếu chỉ trông vào các buổi truyền thông sẽ khó có kết quả. Mình phải đến nhà trò chuyện. Mà chẳng kể ở nhà, cứ gặp ở đâu, mình lại hỏi thăm rồi khéo léo nói cho họ hiểu. Với một số người, định kiến giới đã sâu rễ bền gốc trong suy nghĩ, mình phải bền bỉ, kiên trì, chứ nản lòng là không làm được”- chị Vĩ kể.
Trong các buổi giao lưu, lễ hội ở làng hoặc các hoạt động mang tính cộng đồng, chị Vĩ cũng lồng ghép nói đơn giản một số nội dung dễ hiểu về bình đẳng giới. Chị cũng thay đổi bằng cách tổ chức các hội thi ở thôn với nội dung bình đẳng giới. “Nếu như nói thay đổi thì chưa hẳn, nhưng một số gia đình cũng có sự chuyển biến. Mừng nhất chính là việc các bà, các mẹ, các chị được thoải mái tham gia các hoạt động ở thôn, ở xã”- chị Vĩ nói.
Cũng như chị Vĩ, kể từ khi làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Lốc, xã Ya Tăng, trong các buổi sinh hoạt, chị Y Hoa luôn lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới. Đặc thù ở địa phương, chị em phụ nữ thường ngủ lại ở rẫy nên việc tập hợp rất khó khăn. Do đó, chị thường chọn thời điểm nông nhàn để thực hiện các hoạt động truyền thông. Nhiều lúc, chị dành thời gian gặp gỡ, trao đổi ngay tại rẫy.
Thay vì nói suông, chị lấy ví dụ những điển hình gia đình hạnh phúc tại chính địa bàn. Ngoài ra, chị cũng tìm kiếm các thông tin trên các nền tảng xã hội, nêu ra những hệ lụy do bất bình đẳng để nâng cao nhận thức cho chị em. “Ở thôn, mình biết, ở mỗi gia đình, các cặp vợ chồng sẵn sàng chia sẻ công việc đồng áng, việc nhà với nhau. Cũng như đàn ông, phụ nữ được bàn bạc, tham gia vào các quyết định trong gia đình, trong các hoạt động sản xuất tạo thu nhập. Ngoài ra, mỗi khi làng có hội, cả vợ chồng và con cái đều được tham gia, bình đẳng. Chỉ có điều, thi thoảng vẫn còn một số hộ xảy ra bạo lực gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Mình sẽ cố gắng tuyên truyền, vận động để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình”- chị Hoa chia sẻ.
|
Với 7 chi hội, trong đó có 4 chi hội DTTS, Hội LHPN xã Sa Bình tập trung truyền thông, nâng cao nhận thức về giới ở 4 thôn đồng bào DTTS. 2 năm qua, Hội LHPN xã đã phối hợp thành lập các tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn đồng bào DTTS. Chị Nguyễn Thị Lý- Chủ tịch Hội LHPN xã Sa Bình cho biết, cán bộ hội thường xuyên có mặt, tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của hội viên về bình đẳng giới. Mặc dù bám nắm cơ sở nhưng thực tế, cán bộ hội không thể sâu sát, hiểu chị em bằng các chi hội trưởng. “Chi hội trưởng sinh sống tại thôn, thường xuyên gặp gỡ mọi người nên chính họ là đội ngũ tuyên truyền nòng cốt nhất”- chị Lý nói.
Hiểu được vai trò của chi hội trưởng phụ nữ trong các hoạt động truyền thông, Hội LHPN xã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp các chị em tổ chức các hoạt động truyền thông hiệu quả. Ngoài việc cầm tay chỉ việc, Hội LHPN xã thường xuyên tổ chức cho các chi hội trưởng tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN huyện, tỉnh tổ chức. Qua đó, nâng cao nhận thức cũng như giúp chị em vận dụng các cách tuyên truyền hiệu quả.
Huyện Sa Thầy có 64 chi hội phụ nữ ở 11 xã, thị trấn với hơn 8.000 hội viên. Triển khai thực hiện Dự án 8, cùng với các hoạt động truyền thông, Hội LHPN các cấp đã thành lập mới 10 mô hình “địa chỉ tin cậy” phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức 1 lớp tập huấn hướng dẫn vận hành và nâng cao năng lực cho thành viên ban quản lý mô hình địa chỉ tin cậy và các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Thông qua nhiều nội dung, phụ nữ và trẻ em gái từng bước nâng cao nhận thức và trang bị những kiến thức cần thiết về bình đẳng giới.
Chị Phan Thị Mỹ Lan – Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Thầy cho biết: Đa số các hoạt động luôn có sự tham gia, góp sức của các chi hội trưởng. Vai trò của chi hội trưởng được thể hiện rõ. Họ là nhân tố tích cực trong tập hợp, vận động chị em tham gia các hoạt động, các buổi truyền thông. Cũng chính họ là người kịp thời nắm bắt những vấn đề ở địa phương về bình đẳng giới, thông tin cho các cấp Hội cùng đưa ra các giải pháp phù hợp. Chúng tôi luôn động viên các chi hội trưởng cố gắng, nỗ lực, chung tay tuyên truyền, nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Hoài Tiến