OCOP và vai trò phát huy thế mạnh cho nông nghiệp Kon Tum
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay, toàn tỉnh có có 280 sản phẩm OCOP còn hiệu lực; trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 20 sản phẩm 4 sao và 259 sản phẩm 3 sao. Sản phẩm OCOP đã tạo ra “đòn bẩy”, giúp các chủ thể nâng cao chất và lượng cho các sản phẩm, hướng đến những thị trường khó tính hơn.
Tạo ra giá trị lớn
Công ty TNHH Yến sào Kon Tum (thành phố Kon Tum) được thành lập từ năm 2017. Bước đột phá bắt đầu từ năm 2020, Công ty mạnh dạn đưa các sản phẩm tham gia và có kết quả khả quan. Đến nay, doanh nghiệp này đã có 5 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Ông Đặng Xuân Hùng- Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Kon Tum cho biết, sau khi các sản phẩm của đơn vị đạt chứng nhận OCOP, việc kinh doanh đã có nhiều cải thiện hơn đáng kể. Các sản phẩm được tạo điều kiện đưa đến dự triển lãm OCOP tại các tỉnh, thành trên cả nước; tham dự các hội chợ thương mại; được đưa vào hệ thống các siêu thị lớn trên toàn quốc và được đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Nhờ đó, các sản phẩm của công ty được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn và sử dụng thường xuyên, sản lượng bán ra tăng từ 50 - 60% so với trước khi đạt chứng nhận OCOP. Năm 2023, Yến sào Kon Tum bước đầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (huyện Đăk Tô) cũng tích cực tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đến nay, doanh nghiệp này có 9 sản phẩm OCOP; trong đó, có 5 sản phẩm tiềm năng 4 sao.
|
Bà Lương Thị Mỹ Huệ- Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên nhận định, việc đạt được chứng nhận OCOP như “giấy thông hành”, giúp các sản phẩm vào được hệ thống các siêu thị cũng như chuỗi cửa hàng bán lẻ trên cả nước dễ dàng hơn. Nhờ đó, tiếp cận được với khách hàng một cách thuận lợi hơn.
Hiện sản phẩm của công ty đã có mặt tại hệ thống các siêu thị như Aeon, BigC, Co.op Mart; có mặt tại các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Đặc biệt, công ty đã có ba nhà phân phối tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
“Khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, tỉ trọng bán ra thị trường tăng khoảng 30% so với trước đây, và tăng trưởng theo từng năm do tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Hiện nay, công ty đang liên kết với khoảng 400 hộ nông dân; trong đó 70% là hộ đồng bào DTTS với tổng diện tích gần 200ha cây dược liệu như hồng đẳng sâm, khổ qua rừng, gừng, nghệ. Qua đó, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng nguồn thu nhập cho bà con nông dân trên chính mảnh đất của mình”- bà Lương Thị Mỹ Huệ nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò với ngành nông nghiệp
Ông Đặng Trần Huân- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, toàn bộ 280 sản phẩm OCOP của tỉnh đều được sản xuất từ chính các sản phẩm nông nghiệp có trên địa bàn. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với việc định hình và phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Chiều ngược lại, OCOP giúp định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương; góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản và thu nhập của người dân; giúp doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh; phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh địa phương.
Thông qua OCOP, các sản phẩm không chỉ được quảng bá mạnh mẽ hơn mà còn gia tăng niềm tin với người tiêu dùng; có cơ hội mở rộng quy mô tiêu thụ, từ đó tăng giá trị kinh tế; các chủ thể có thể tiếp cận các kênh thương mại điện tử, phát triển chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường kết nối với các đối tác trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, việc phát triển OCOP gắn với du lịch cộng đồng giúp quảng bá rộng rãi hơn các đặc sản địa phương, đồng thời thu hút du khách đến trải nghiệm và mua sắm, qua đó thúc đẩy nền kinh tế nông thôn phát triển bền vững- ông Đặng Trần Huân phân tích.
|
Theo ông Đặng Trần Huân, mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là tập trung duy trì và phát triển nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận OCOP; lựa chọn, phát triển mới các sảm phẩm đặc trưng tiêu biểu và có tiềm năng; trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương như cà phê xứ lạnh, sâm Ngọc Linh, dược liệu.
Ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ việc nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng OCOP gắn với các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, truy xuất nguồn gốc để tạo lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, hỗ trợ mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ gắn phát triển OCOP với du lịch và chuỗi giá trị nông sản và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để người tiêu dùng có thể tiếp cận với sản phẩm thuận tiện hơn. Khi các sản phẩm OCOP tạo ra giá trị cao hơn, đến với người tiêu dùng được nhiều hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển một cách bền vững- ông Đặng Trần Huân khẳng định.
Phù Lưu