Người giữ gìn nghề dệt thổ cẩm ở thôn Đăk Niêng
Dẫu cuộc sống đổi thay, nhưng bà Y Khen và bà Y Doa (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng (xã Măng Bút, huyện Kon Plông) vẫn bền bỉ giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Từng đường thoi, sợi chỉ của các bà không chỉ kết nên tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu mà còn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa và niềm tự hào của dân tộc.
Năm nay 70 tuổi, bà Y Khen đã có hơn 50 năm gắn bó với khung dệt. Bàn tay gầy guộc nhưng nhanh nhẹn vẫn miệt mài luồn từng sợi chỉ, tạo nên những hoa văn tinh tế mang đậm bản sắc văn hóa của người Xơ Đăng. Nhìn những thước vải do chính tay mình dệt nên, bà hồi tưởng về những ngày thơ bé, khi mới làm quen với nghề.
Bà Y Khen kể lại: Tôi nhớ hồi nhỏ, cứ mỗi buổi chiều hai mẹ con ngồi bên bếp lửa, mẹ dệt, còn tôi ngồi kế bên xem. Nhìn mẹ dệt khéo lắm, từng sợi chỉ cứ thế nối tiếp nhau, hoa văn hiện ra như có phép màu. Tôi thích lắm, lớn hơn một chút, tôi bắt đầu học theo, đến năm 20 tuổi thì biết dệt thành thạo.
|
Theo lời kể của bà Y Khen, ngày đó, để có được những sợi chỉ dệt, người phụ nữ phải tự tay thu hái bông, kéo sợi rồi lên rừng tìm rễ cây, lá cây để nhuộm màu. Màu đỏ lấy từ rễ cây, màu đen từ vỏ cây rừng, màu xanh thẫm từ lá cây, còn màu trắng là màu nguyên bản của bông. Bà nói: Váy áo thổ cẩm ngày xưa chỉ có 4 màu đơn giản vậy thôi, nhưng mặc vào đẹp lắm, thấy tự hào vô cùng.
Quy trình nhuộm sợi và dệt vải của người Xơ Đăng ngày xưa rất công phu. Trước tiên, bông sau khi thu hái sẽ được phơi khô, tách hạt, sau đó xe thành sợi. Những sợi bông này sẽ được nhuộm bằng các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Rễ cây rừng, vỏ cây, lá cây được hái về, đun sôi nhiều giờ để chiết xuất màu. Tiếp theo, sợi bông được ngâm trong nước màu, khuấy đều và phơi nắng để màu sắc thấm đều và bền hơn. Công đoạn này phải lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi sợi bông đạt màu ưng ý.
Sau khi nhuộm xong, sợi sẽ được căng phơi, tránh bị rối. Khi sợi đã khô hoàn toàn, người phụ nữ sẽ bắt đầu công đoạn mắc sợi lên khung dệt, tạo hoa văn theo những mẫu đã định. Mỗi đường thoi đưa đi, từng sợi chỉ được luồn đan xen nhau, tạo nên những họa tiết truyền thống đặc trưng của dân tộc.
Cả quá trình này đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và óc sáng tạo, vì thế mà ngày trước, biết dệt thổ cẩm là tiêu chí quan trọng của một cô gái Xơ Đăng. Ai dệt giỏi thì được mọi người khen ngợi, dễ tìm được bạn đời. Bà Y Khen kể: Hồi đó, con gái phải biết dệt vải, con trai phải giỏi săn bắt, đan lát. Ai khéo tay, ai chăm chỉ thì dễ được người ta để ý.
|
Ngồi bên cạnh, bà Y Doa (59 tuổi) lặng lẽ lắng nghe rồi bật cười khi nhớ về những ngày thơ bé, nhất là khoảng thời gian theo học nghề dệt từ bà Y Khen. Bà Y Doa kể lại: Hồi đó, tôi mới 15 tuổi thôi, cứ mỗi lần thấy bà Y Khen ngồi bên khung dệt là mắt tôi không rời được. Những sợi chỉ luồn qua tay, từng cú đưa thoi nhịp nhàng như có phép màu, cuốn hút tôi đến lạ. Mê quá, tôi liền xin học.
Bà Y Khen cười, tiếp lời: “Hồi đó Y Doa vụng về lắm, luồn chỉ sai, đan sợi rối tung”. Những ngày đầu tập dệt chẳng hề dễ dàng. Đôi tay chưa quen, luồn chỉ cứ rối bời. Nhưng với lòng kiên trì và sự hướng dẫn tận tình của bà Y Khen, bà Y Doa dần dệt được những tấm thổ cẩm sắc nét hơn.
Ngày nay, việc dệt vải đã bớt vất vả hơn. Sợi bông, sợi len với đủ màu sắc có thể dễ dàng mua ở chợ, không còn phải mất công nhuộm bằng rễ cây, lá rừng như trước. Hoa văn trên thổ cẩm cũng phong phú, rực rỡ hơn, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người mặc. Dù vậy, bà Y Khen và bà Y Doa vẫn miệt mài sáng tạo, tìm tòi những họa tiết mới, vừa giữ được tinh thần truyền thống, vừa thổi vào đó hơi thở hiện đại, làm cho từng tấm vải thêm phần độc đáo và cuốn hút. Giờ đây, bên cạnh việc dệt cho gia đình, bà Y Khen và bà Y Doa còn nhận đơn đặt hàng từ nhiều nơi, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. Theo hai bà, nhiều đơn đặt hàng những tấm vải để may mặc, có những đơn hàng là những tấm vải dùng làm vật phẩm trang trí, quà tặng.
Nhìn nghề dệt dần mai một, những nghệ nhân như bà Y Khen và bà Y Doa không khỏi trăn trở. Bà Y Khen thở dài: “Giới trẻ bây giờ ít tha thiết với nghề truyền thống. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để ngồi hàng giờ bên khung dệt. Quần áo ngoài chợ thì có đủ mẫu mã, mua vừa nhanh lại vừa đẹp”. Dẫu vậy, bà vẫn tin rằng nghề dệt sẽ không mất đi.
|
Với niềm tin ấy, bà Y Khen và bà Y Doa vẫn kiên trì truyền dạy nghề cho thế hệ sau. Những chị em trong thôn, đặc biệt là những người trẻ yêu thích dệt thổ cẩm, đều được hai bà tận tình hướng dẫn. Từng đường thoi, cách luồn sợi, phối màu, tạo hoa văn đều được chỉ dạy cẩn thận, chỉ mong sao nét đẹp của nghề dệt truyền thống sẽ luôn gắn bó với người Xơ Đăng, không bị phai mờ theo thời gian.
Chia sẻ về công tác gìn giữ nghề truyền thống, ông A Dân - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết: Dệt thổ cẩm không chỉ là nghề, mà còn là hồn cốt văn hóa của người Xơ Đăng. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Chúng tôi cũng kết nối để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân vừa giữ nghề, vừa có thêm thu nhập.
Theo ông A Dân, để giúp nghề dệt thổ cẩm có chỗ đứng, xã Măng Bút đã tìm cách kết nối với các tổ chức để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Một số chị em trong thôn đang thử sức bán sản phẩm qua mạng xã hội, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng hơn. Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ trong xã, huyện cũng tích cực hỗ trợ các chị em tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm đến nhiều địa phương khác. Một số chương trình đào tạo về thiết kế sản phẩm cũng được tổ chức để giúp chị em nâng cao tay nghề, cải tiến mẫu mã, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Chiều muộn, tôi rời thôn Đăk Niêng, mang theo trong tâm trí hình ảnh căn nhà nhỏ của bà Y Khen, nơi tiếng thoi dệt lách cách vang lên bên bếp lửa. Với sự quan tâm của chính quyền, với lòng yêu nghề, tôi tin rằng dẫu cuộc sống đổi thay, nhưng nghề dệt thổ cẩm vẫn được giữ gìn, trao truyền nhờ những người tâm huyết như bà Y Khen, bà Y Doa.
Y Đô