Bản hòa tấu của tre nứa
Mỗi loại nhạc cụ bằng tre nứa có một âm điệu riêng. Ấy vậy mà, khi hòa tấu với nhau đã tạo nên tiết mục Mừng chiến thắng độc đáo, làm mê đắm lòng người.
Tôi tin chắc rằng, bất kể ai, dù là người con của mảnh đất Kon Tum hay những người đến từ vùng quê khác đều sẽ trầm trồ khi được xem và lắng nghe bản hòa nhạc Mừng chiến thắng do những người con của làng Kon Drei, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum thể hiện. Mộc mạc, giản dị nhưng lại rất cuốn hút, bản hòa nhạc sôi động, rộn ràng từ nhạc cụ hoàn toàn bằng tre nứa đưa người nghe, người xem sống lại không khí của những ngày mừng chiến thắng 30/4.
Trên sân khấu, ngoài chiếc trống, toàn bộ các nhạc cụ đều bằng tre, nứa. Đó là đinh pút, đinh pá, klông pút, t’rưng; klek klok… Hình dáng khác nhau, âm điệu của mỗi loại nhạc cụ cũng khác nhau. Ấy vậy mà, khi hòa quyện lại đã tạo nên một bản nhạc “không đụng hàng”.
Đánh được tất cả các nhạc cụ bằng tre nứa có mặt trong tiết mục, chị Y Dzoar được xem như nhạc trưởng của “ban nhạc làng” với những thành viên ngẫu nhiên. Nói là ngẫu nhiên bởi họ là những bà, những mẹ ở làng; là những em học sinh, là những thanh niên mới lớn. Khác nhau về lứa tuổi, về phong cách nhưng chung một niềm đam mê với âm nhạc, nhạc cụ truyền thống nên khi được chị Dzoar trình bày ý tưởng về tiết mục văn nghệ, mọi người đều hào hứng tham gia, tập luyện tích cực.
|
Nụ cười luôn nở tươi trên gương mặt, chị Dzoar nói rằng, chính chị là người đã lên ý tưởng cho tiết mục “Mừng chiến thắng”. Dựa theo bài nhạc của dân tộc Gia Rai, chị đã tập hợp, cùng bà con ở làng tập luyện. “Chắc do niềm đam mê âm nhạc ngấm trong máu từ thuở cha sinh mẹ đẻ nên mình lên ý tưởng nhanh lắm. Khi từng phân khúc của tiết mục hoàn chỉnh, mình tập hợp bà con, các cháu thiếu nhi lại để tập luyện. Các bà, các mẹ ngày ngày vẫn làm rẫy, làm ruộng; các cháu thiếu nhi ngày ngày vẫn đến lớp, và đến chiều tối, khi mọi việc hoàn tất, mọi người lại tập trung tập luyện”- chị Dzoar kể.
Tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi biết rằng tất cả các nhạc cụ bằng tre nứa đều của chị Dzoar. Dành tình yêu lớn cho âm nhạc truyền thống nên nhiều năm nay, có dịp đi diễn ở các nơi, chị lại sưu tầm. Bắt đầu từ việc học, tập đánh một số nhạc cụ đơn giản, nhờ cảm thụ âm tốt và học rất nhanh nên dần dần chị đánh được rất nhiều nhạc cụ bằng tre nứa.
Khi có nhạc cụ, chị bắt đầu phối hợp với nhau xem có phù hợp không. Thử đi thử lại nhiều lần, thấy ổn, chị lại tập tành lên ý tưởng và tập dàn dựng các tiết mục. Từ một vài tiết mục ban đầu, bây giờ chị cũng dần quen hơn. Được chị truyền cho tình yêu nhạc cụ truyền thống, bà con trong làng cùng bảo nhau học, tập luyện để góp sức vang lên những bản hòa âm của núi rừng.
|
Trong đội hình ngày hôm ấy, A Trônh (22 tuổi) gây chú ý khi đánh kleck klok rất điệu nghệ. Chân nhún nhảy theo nhạc, đôi bàn tay với những ngón tay gõ mượt mà, tạo ra âm thanh rất ngọt. Nhìn qua cứ tưởng A Trônh biết đánh kleck klok đã lâu, nhưng không, em mới được chị Dzoar tập trong vòng chưa đầy 1 tháng. Em thật thà kể: “Em thấy nếu mình kiên trì, chịu khó thì không quá khó để đánh thành thạo. Khi tham gia tập luyện, thấy ai cũng hăng hái học, tập đánh đàn, đánh trống, em cũng có thêm động lực”.
Còn bà Y Kyaoh vốn là nghệ nhân dệt của làng, hôm nay, lại tự tin đánh đàn t’rưng trên sân khấu. “Hôm nào rảnh rỗi, mọi người lại í ới nhau đi tập luyện. Mình lớn tuổi rồi, tay chân không còn linh hoạt như lớp trẻ nhưng những nhạc cụ này tập luyện qua mình cũng đánh được. Nghe những âm thanh từ tre nứa mộc mạc mà hay lắm. Cùng bà con trình diễn nhạc cụ truyền thống cho mọi người thưởng thức, mình thấy vui lắm”- bà Kyaoh bộc bạch.
Trong tiết mục hôm ấy, mọi người khá bất ngờ khi ngoài các nhạc cụ quen thuộc còn có cả mõ trâu. Tiếng lộc cộc, leng keng của mõ trâu – thứ âm thanh rất đỗi thân thương với những đứa trẻ nông thôn tưởng chừng chỉ có ở trên những cánh đồng, những con đường làng rợp bóng tre xanh, giờ đây, lại hiện hữu, trở thành một loại “nhạc cụ” đặc biệt trong “dàn nhạc làng”. Quan sát, lắng nghe thật kỹ, khi âm thanh của các nhạc cụ khác lắng xuống, những thôn nữ tiếp tục lắc mõ trâu đệm theo tiếng nhạc một cách đều đặn. Âm thanh của mõ trâu như mở ra một cao trào, thể hiện sự mạnh mẽ, đưa người nghe vào bước vào một phân đoạn mới của tiết mục Mừng chiến thắng.
Giải thích về việc khi đưa mõ trâu vào dàn nhạc cụ, chị Dzoar cười phấn khởi: “Ban đầu mình cũng thử phối hợp, thấy âm thanh nghe hay, lại phù hợp với bản nhạc nên mình mới yên tâm đưa vào phối cùng các nhạc cụ khác”.
|
Vì ở làng đã hiếm mõ trâu nên chị nhờ những người già ở làng làm rồi hướng dẫn chị em lắc mõ trâu theo điệu nhạc, theo từng phân đoạn để tạo ra sự hấp dẫn. Âm thanh của mõ trâu mộc mạc nhưng khi phối hợp với các nhạc cụ khác lại rất đồng điệu, nhịp nhàng.
Với sự cảm thấu âm nhạc tuyệt vời của những người con của làng, âm thanh đến từ các nhạc cụ tre nứa như mang đến một hơi thở mới, độc đáo. Và tiết mục Mừng chiến thắng, như dự đoán, đạt giải cao trong Hội diễn văn nghệ do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Cẩn thận dọn các nhạc cụ bằng tre nứa để mang trở về nhà, chị Dzoar “bật mí”, sắp tới có một đoàn khách từ Australia (Úc) về tham quan tại làng. Và bà con ở làng sẽ đón đoàn, phục vụ du khách bằng những tiết mục “cây nhà lá vườn” mộc mạc từ tre nứa. Vào dịp đó, chị sẽ thông tin và mời tôi về thăm làng.
Tất nhiên, tôi sẽ về làng theo lời mời vì tôi muốn được cùng với bà con dân làng đắm chìm trong giai điệu tuyệt vời từ tre nứa. Và có lẽ, đó cũng là dịp để bản thân tôi tìm hiểu nhiều hơn về quá trình gìn giữ các nghề truyền thống, nhạc cụ truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử của bà con nơi này.
Hoài Tiến