Triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025
Chiều 10/4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN&PTDS tỉnh chủ trì Hội nghị.
|
Năm 2024, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước đã xảy ra cục bộ chủ yếu ở một số địa phương như huyện Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum. Hạn hán đã gây thiệt hại đối với 335ha lúa, cây công nghiệp và rau màu các loại; 3 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn và 227 giếng nước của người dân.
Do ảnh hưởng của mưa bão và các đợt mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập lụt đã gây thiệt hại 84 nhà ở của người dân, 13 điểm trường, 14 công trình hạ tầng cơ sở, 25 hạng mục công trình thủy lợi, khoảng 12,5ha diện tích cây trồng; làm nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng… Tổng giá trị thiệt hại ước tỉnh khoảng 120 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2024, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận đã xảy ra hơn 436 trận động đất.
Để phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án, triển khai đồng bộ biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong giai đoạn 2023 - 2024, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh đã triển khai hỗ trợ hơn 504,58 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, thủy văn, năm 2025, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, khó lường. Từ tháng 5-11, nguy cơ cao xảy ra lũ quét ở các suối nhỏ, sạt lở đất ở khu vực đất dốc; từ tháng 9-10, mưa lũ có nguy cơ gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp.
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó với các sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2025, tại Hội nghị các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai, rà soát, bổ sung hoàn thiện phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết để có biện pháp ứng phó trước các tình huống thiên tai với tinh thần “chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất”. Thống kê cụ thể những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm; có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình hạ tầng cơ sở.
Các xã, thị trấn quan tâm kiện toàn Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng, tránh thiên tai cho người dân. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện phục vụ công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Thùy Hương