Thành phố bên sông
Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai- Kon Tum và thành lập lại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Cùng với tỉnh Kon Tum được thành lập lại, thị xã Kon Tum trở lại với vị thế đô thị tỉnh lỵ sau 16 năm đóng vai đô thị “vệ tinh” (10/1975-8/1991).
Khi đó, Kon Tum là một thị xã nhỏ bé, với kết cấu hạ tầng nghèo nàn, cơ cấu kinh tế lạc hậu; đời sống nhân dân hết sức khó khăn, trình độ dân trí thấp; tỷ lệ hộ đói, nghèo cao.
Với sự nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, lãnh đạo thị xã Kon Tum thời bấy giờ phát huy tinh thần dân chủ, thống nhất lựa chọn được hướng đi đúng, xác lập lộ trình thích hợp.
Hàng loạt những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai; bài toán phát huy tối đa nội lực dựa trên cơ sở khai thác hợp lý lợi thế, tiềm năng của địa phương và các nguồn lực khác được “giải” một cách hiệu quả.
Rất nhanh chóng, thị xã Kon Tum khẳng định vị thế trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh bằng những bước đi vững vàng, đầy nội lực. Những đường phố mới, những khu quy hoạch mới được hình thành; những khu chức năng được xây dựng; đường phố ngày đêm tấp nập dòng người, chật căng âm thanh mới.
Đó chính là nền tảng để ngày 7/10/2005, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1900 công nhận thị xã Kon Tum là đô thị loại III.
Và gần 4 năm sau, ngày 10/4/2009, Chính phủ ban hành Nghị định 15/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Kon Tum trực thuộc tỉnh.
Trên bản đồ đô thị toàn quốc có thêm “ngôi sao” mới mang tên Kon Tum, với tầm vóc mới, năng động, đầy bản lĩnh.
|
Tháng 1/2023, thêm một mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của thành phố Kon Tum, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 10/1/2023 công nhận thành phố Kon Tum là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố Kon Tum được chú trọng đầu tư, mạng lưới giao thông dần đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang; tăng trưởng kinh tế luôn duy trì mức cao, khoảng trên 10%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Đến năm 2024, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 31,21% (tăng 0,22%); ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 65,1%; ngành nông lâm thủy sản chiếm 3,69% (giảm 0,26%). Tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 13,29%, đạt 101,4% kế hoạch; tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 71.709 tỷ đồng, bằng 118,8% so với năm 2023.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,7 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo (cuối năm 2024) chiếm 0,46% tổng số hộ (tương ứng 220 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,84% (tương ứng 877 hộ).
Ngoài 2 khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai do Ban quản lý các Khu kinh tế tỉnh quản lý, thành phố Kon Tum đã quy hoạch, hình thành và đang đầu tư xây dựng 4 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích là 181,3ha, tạo động lực cho sự phát triển.
Diện mạo đô thị khởi sắc đồng bộ, toàn diện. Hàng loạt công trình, dự án đã, đang và sẽ được triển khai, bao gồm các khu đô thị mới; các khu nhà ở, thương mại dịch vụ; khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà phố; các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; khu Trung tâm hành chính mới; các khu đô thị tại khu vực phía Nam cầu Đăk Bla; khu đô thị phía Bắc phường Duy Tân.
Nông thôn đổi mới với những gam màu tươi sáng. 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; 2 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chế độ, chính sách, an sinh xã hội được quan tâm. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết. An ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.
Đặc biệt, trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Kon Tum nói chung, thành phố Kon Tum nói riêng luôn có hình bóng của một dòng sông. Đó là Đăk Bla. Cho đến nay, đó đã là biểu tượng không thể thay thế.
Kiến trúc sư Đỗ Hoàng Liên Sơn- nguyên Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh rằng, rất ít con sông có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển của đô thị như Đăk Bla.
Dòng Đăk Bla là khởi nguồn, là nguồn mạch phát triển và cũng là một phần thương hiệu của đô thị. Rất mừng là những năm gần đây, tỉnh và thành phố đã và đang hiện thực hóa chiến lược phát triển đô thị theo trục sông Đăk Bla- ông Đỗ Hoàng Liên Sơn chia sẻ.
Trong đó có quy hoạch, đầu tư các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven sông; những cây cầu mới bề thế, hiện đại và đẹp qua dòng Đăk Bla cũng được xây dựng, tạo điểm nhấn, tôn lên vẻ đẹp vốn có của dòng sông.
|
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum Nguyễn Thanh Mân cho biết: Không gian đô thị thành phố Kon Tum được mở rộng theo hướng “Lấy dòng sông Đăk Bla làm trung tâm, làm xương sống để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo cảnh quan, tạo tiền đề cho phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch”. Các khu đô thị mới cũng được hình thành theo mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, có bản sắc riêng dọc hai bên bờ sông Đăk Bla.
Khát vọng về Kon Tum - thành phố bên bờ sông trỗi dậy ở một ngày không xa là không hề viển vông mà hoàn toàn có cơ sở thực tiễn- Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Mân tự hào chia sẻ.
Và dẫu chưa thật bằng lòng với những gì đã có, nhưng mỗi người con của thành phố Kon Tum, với ý chí, lòng quyết tâm và khát vọng, đều nguyện cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của thành phố.
Thành Hưng