Bộ máy mới, kỳ vọng mới
Ngày 19/2, HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) tổ chức Kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền. Trong đó, đặc biệt quan trọng là xem xét việc thành lập một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, nhằm kiện toàn bộ máy.
Kỳ họp đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 19/2/2025 về thành lập một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Cụ thể: Thành lập Sở Tài chính trên cơ sở sáp nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; thành lập Sở Xây dựng trên cơ sở sáp nhập Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải; thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở sáp nhập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường; thành lập Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ; thành lập Sở Nội vụ trên cơ sở sáp nhập Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ; thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc tỉnh tiếp nhận nguyên trạng Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ.
Như vậy, sau thời gian nỗ lực “chạy đua” với tiến độ và thời gian, theo tinh thần “không xếp hàng xong mới chạy”, cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh cũng đã được hoàn thành. Kết quả này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền.
|
Có thể khẳng định, việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết thành lập các sở mới, trên cơ sở tinh gọn và sáp nhập nhiều sở, ngành là sự thay đổi rất lớn trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Sự thay đổi này vừa đảm bảo được việc tinh gọn bộ máy, giảm chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn hay bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước; vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Đây không chỉ đơn thuần là việc điều chỉnh về mặt cơ cấu, mà còn là một sự thay đổi căn bản về tư duy quản lý nhằm xây dựng “bộ máy” hiện đại, linh hoạt và phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của tỉnh.
Một bộ máy tinh gọn, hợp lý hơn không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực, giảm bớt gánh nặng ngân sách mà quan trọng hơn còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Việc tinh giản đầu mối, giảm bớt các tầng nấc trung gian sẽ giúp quá trình ra quyết định nhanh chóng, kịp thời hơn, từ đó tạo điều kiện để chính sách đi vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ, một việc nhưng giao cho nhiều đơn vị, trong khi lại không rõ trách nhiệm, không rõ kết quả và sản phẩm.
Đơn cử, lâu nay trên thực tế, ngành GTVT quản lý hệ thống hạ tầng giao thông, trong khi ngành Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý công trình xây dựng đô thị. Một doanh nghiệp, khi triển khai dự án giao thông đô thị phải “qua cửa” cả hai ngành, với nhiều thủ tục. Điều này đôi khi tạo ra rào cản về thủ tục hành chính và lãng phí nguồn lực.
Chính vì vậy, việc hợp nhất hai ngành là cơ hội để thiết lập một hệ thống quản lý thống nhất, không “dẫm chân nhau” mà vẫn đảm bảo tính chuyên sâu trong từng lĩnh vực.
Hay như liên quan đến tài nguyên nước, theo quy định, ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý về nguồn nước; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khai thác các công trình hồ chứa, đập dâng, các trạm bơm, các công trình thủy lợi.
|
Khi triển khai dự án liên quan, tổ chức, cá nhân phải mất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục ở cả hai ngành. Nhưng nay thực hiện sáp nhập, chức năng, nhiệm vụ “gom” vào một đầu mối, rõ ràng là sẽ đem lại thuận lợi hơn rất nhiều.
Doanh nghiệp, người dân mong muốn, các cơ quan mới không phải là “thay tên đổi họ” mà là sự thay đổi thực chất. Việc sáp nhập, tinh gọn không mang tính cơ học, mà phải đáp ứng được yêu cầu về tính hiệu quả, giảm chồng chéo, đảm bảo bộ máy vận hành một cách linh hoạt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay. Không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực. Không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân, doanh nghiệp.
Người dân cũng mong muốn các cơ quan mới sẽ được thiết kế theo hướng tinh gọn, hiệu quả; hoạt động theo mô hình quản trị hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, dữ liệu lớn để tối ưu hóa hiệu suất công việc.
Đi cùng đó là tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, rõ ràng. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị sẽ tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt hơn trong điều hành, xử lý các công việc của các cấp, ngành, tạo được sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Tất nhiên, giai đoạn đầu thành lập các cơ quan mới trên cơ sở sắp xếp bộ máy cũ, không tránh khỏi những tồn tại, vướng mắc, như hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan, tổ chức vận hành, công tác nhân sự, tư tưởng của cán bộ, viên chức.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan mới tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong; quyết tâm, đồng lòng trong xác định rõ và giải quyết ngay những việc cần làm, những vướng mắc nảy sinh.
Qua đó đưa bộ máy đi vào vận hành hiệu quả, đảm bảo tính thông suốt, đồng bộ; giảm bớt thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận các dịch vụ công thuận lợi hơn.
Đây sẽ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực - hiệu quả - hiệu năng của bộ máy hành chính. Từ đó tạo động lực để tỉnh ta hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP hơn 12% trong năm 2025.
Hồng Lam