Sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc
Đảng, Nhà nước ta luôn đặt con người ở trung tâm của quá trình phát triển, coi “sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của xã hội”. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Trong thực hiện nhiệm vụ này, lực lượng nòng cốt, chủ lực chính là đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế với sứ mệnh thiêng liêng là chữa bệnh, cứu người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sức khỏe của nhân dân là vốn quý báu nhất của dân tộc, là nhân tố quyết định của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Người, để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và chữa bệnh tật cho nhân dân, phải xây dựng và phát triển nền y học nước nhà “dân tộc, khoa học và đại chúng”, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế của nhân dân, vì nhân dân.
Cách đây 70 năm (ngày 27/2/1955) trong Thư gửi cán bộ Hội nghị y tế, Bác căn dặn những người làm công tác y tế phải thực hiện cho kỳ được tinh thần trách nhiệm lớn lao trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. “Lương y phải như từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền…người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, lời dạy của Bác, ngành Y tế không ngừng chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ thầy thuốc “sáng về y đức, giỏi về y thuật”. Trong mọi hoàn cảnh, thời kỳ cách mạng, đội ngũ những người thấy thuốc của nước ta luôn trau dồi y đức, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để chăm sóc bệnh nhân.
Nhằm ghi nhận, tôn vinh những y, bác sĩ, nhân viên và những người công tác trong ngành Y tế đã dành hết sức lực và tài trí để cống hiến cho sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”. Đồng thời, đây cũng là dịp để những người thầy thuốc nhắc nhở bản thân về trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin tưởng giao phó.
|
|
Có thể thấy, suốt chặng đường vừa qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Mạng lưới y tế ngày càng hoàn chỉnh, phát triển rộng khắp; lực lượng y, bác sĩ được tăng cường, năng lực chuyên môn được nâng lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Năm 2024, chỉ tiêu số bác sĩ trên 10.000 dân của cả nước đạt 14 bác sĩ, số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34 giường, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Các tầng lớp nhân dân, từ người yếu thế, người nghèo, đồng bào DTTS, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật đều được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế.
Cùng với cả nước, ngành Y tế tỉnh ta tập trung xây dựng hệ thống mạng lưới y tế hiện đại, rộng khắp, gần dân. Hiện tại, toàn tỉnh có 1 bệnh viện hạng I, 3 bệnh viện hạng III, 10 trung tâm y tế huyện, thành phố, 99 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 3 phòng khám đa khoa khu vực, đảm bảo phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người và công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh.
Đặc biệt, ngành Y tế tỉnh luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có năng lực chuyên môn vững, phục vụ người dân tận tình, chu đáo. Nhận thức rõ về vai trò, sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hầu hết các y, bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh ta luôn nỗ lực không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận những tiến bộ của y học, làm chủ các trang thiết bị khám chữa, bệnh tiên tiến, hiện đại, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác. Với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”, ngành Y tế đã tích cực quán triệt, thực hiện đổi mới phong cách, lề lối làm việc, thái độ phục vụ. Đội ngũ những chiến sĩ mặc áo blouse trắng giữ vững y đức, hết lòng vì người bệnh, ngày đêm tận tụy với công việc. Nhiều người không quản khó khăn, xung phong đến công tác tại các vùng sâu, vùng xa, chấp nhận gian khổ, thiếu thốn vì sức khỏe nhân dân.
Thực tế, bên cạnh rất nhiều tấm gương các nhân viên y tế hết lòng tận tụy chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân, đâu đó vẫn có những cán bộ y tế mắc khuyết điểm, có thái độ ứng xử với người bệnh chưa thực sự đúng mực. Có nơi, có lúc, việc tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh còn những bất cập gây khó khăn cho người dân. Nhưng đó chỉ là những hiện tượng, sự việc cá biệt.
Trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ đặt ra nhiều thách thức mới những người làm công tác y tế. Vì vậy, cùng với việc nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận công nghệ hiện đại cần phải nâng cao y đức, cống hiến tài năng để thực hiện tốt sứ mệnh cao cả, vẻ vang là “chữa bệnh, cứu người”,vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thùy Hương