Bảo tàng- Thư viện góp phần xây dựng văn hóa, con người
Lưu giữ nhiều giá trị to lớn về tri thức khoa học tự nhiên- xã hội và lịch sử, Bảo tàng- Thư viện tỉnh hiện là điểm đến hấp dẫn đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và đông đảo du khách gần xa để tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu và tiếp thu các giá trị văn hóa tinh thần cần thiết, làm giàu tri thức và đời sống văn hóa tinh thần của mỗi con người. Qua đó, góp phần vào việc nâng cao nhận thức, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc.
Bảo tàng- Thư viện tỉnh được thành lập năm 2018, trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý di tích tỉnh, Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh. Kể từ khi sáp nhập, Bảo tàng- Thư viện trở thành thiết chế văn hóa quan trọng trên địa bàn tỉnh, lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, lịch sử, là điểm đến văn hóa, giáo dục hấp dẫn cho mọi tầng lớp nhân dân.
Trong lĩnh vực bảo tàng, với chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, Bảo tàng- Thư viện tỉnh đã cung cấp nhiều bằng chứng hiếm về vật chất, thiên nhiên, con người để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của người dân.
Bảo tàng- Thư viện tỉnh chính là nơi có thể tìm thấy được gần như toàn bộ thông tin, tài liệu, hiện vật liên quan đến đất và người Kon Tum. Trong đó, có gần 23.500 hiện vật, tư liệu thuộc 2 mảng đề tài chính là khảo cổ và kháng chiến. Nhiều hiện vật và sưu tập quý hiếm như: sưu tập hiện vật khảo cổ học; các sưu tập hiện vật dân tộc học ghè, gùi, chiêng, trang phục, trang sức; các sưu tập ảnh tư liệu, hiện vật cách mạng kháng chiến qua các giai đoạn lịch sử.
|
Nhằm thu hút khách tham quan, tăng cường hiệu quả các mặt hoạt động, riêng ở lĩnh vực bảo tàng , Bảo tàng- Thư viện tỉnh từng bước được đầu tư, nâng cao hiệu quả qua nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục, trình diễn di sản văn hóa.
Trong đó, đơn vị thường xuyên chỉnh lý, làm mới các phần trưng bày, thực hiện nhiều chuyên đề và phim tư liệu về lễ hội, nghề thủ công truyền thống dân tộc để giới thiệu trình chiếu phục vụ khách tham quan, học tập, nghiên cứu. Đồng thời, thường xuyên tổ chức nhiều trưng bày chuyên đề gắn với các sự kiện văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc; tổ chức trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống.
Trong năm 2024, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức 7 đợt trưng bày chuyên đề quan trọng ở nhiều lĩnh vực như: Lễ hội và nhạc cụ truyền thống các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum; Chiến thắng Điện Biên Phủ- mốc vàng trong lịch sử dân tộc; 50 năm Chiến thắng Đăk Pék- lịch sử và phát triển; Đảng bộ tỉnh những chủ trương quan trọng trong giai đoạn cách mạng 1960- 1972; Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững; Di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum và chế tác, trình diễn nhạc cụ truyền thống; Trình diễn, trưng bày kết quả sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa nghề thủ công truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh và tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, trải nghiệm văn hóa truyền thống khác.
Bên cạnh đó, đơn vị đã hoàn thành hồ sơ đề nghị xếp hạng các di tích quan trọng trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Hoàn thành hồ sơ di tích lịch sử Ngục Kon Tum đề nghị xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; hồ sơ di tích Chiến thắng Đăk Pék đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia; dự thảo hồ sơ khoa học đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với hiện vật Đại Hồng Chung (Chuông U Minh) thuộc di tích lịch sử Chùa Tổ Đình Bác Ái; hoàn thành 3 biển chỉ dẫn vào di tích Căn cứ Huyện uỷ H16 và Phân xưởng luyện gang C13- Quân giới khu V; 2 cụm biển chỉ dẫn vào di tích lịch sử Làng kháng chiến Xốp Dùi.
|
Trong năm 2024, Bảo tàng tỉnh đã đón 10.869 lượt khách tham quan; trong đó có 7.754 lượt khách theo đoàn, 2.832 lượt khách tự do, 283 lượt khách nước ngoài.
Ở lĩnh vực Thư viện (Thư viện tỉnh), Bảo tàng- Thư viện tỉnh đã chú trọng mảng giáo dục, liên kết với ngành giáo dục tổ chức hiệu quả các chương trình học tập lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho các em học sinh.
Thư viện tỉnh đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, phát huy nguồn lực thông tin tư liệu hiện có, mở rộng các dịch vụ mới trong thư viện; phát triển hiệu quả hệ thống thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng nhu cầu học tập, giáo dục của các em học sinh và người dân.
Trong năm 2024, Thư viện tỉnh đã phục vụ tổng số 182.885 lượt bạn đọc với tổng số lượt tài liệu luân chuyển 263.550 lượt; cấp và đổi 6.850 thẻ cho bạn đọc, nâng tổng số thẻ của thư viện lên 8.563 thẻ; cấp 2.450 cuốn sách để xây dựng 10 tủ sách cơ sở.
Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi ý nghĩa về đọc sách, kể truyện, trải nghiệm văn hóa, nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng. Trong năm 2024 đã lựa chọn, lập danh sách trưng bày 2.630 cuốn sách để tuyên truyền, giới thiệu sách về các ngày lễ trong năm; phối hợp với các đơn vị tổ hoạt động Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, tuần lễ học tập suốt đời; tổ chức 55 chuyến xe ô tô thư viện lưu động tại các trường, 10 giờ đọc hạnh phúc, 67 tiết đọc sách và 4 buổi ngoại khoá, tham quan thư viện cho các cấp học.
Với sự nỗ lực, không ngừng hoàn thiện về chất lượng nội dung và dịch vụ, Bảo tàng- Thư viện tỉnh đã phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử, tri thức hiện có, phục vụ hiệu quả nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân, trở thành điểm đến văn hóa thu hút, gắn kết cộng đồng.
Hoàng Thanh