Vững bước vươn lên
Cách đây 47 năm, ngày 16/3/1975, một tin vui ngập tràn đã làm nức lòng đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đó là ngày tỉnh Kon Tum hoàn toàn được giải phóng, mở ra một giai đoạn mới – giai đoạn bảo vệ, xây dựng và phát triển. Trên hành trình phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự điều hành linh hoạt của chính quyền, đồng bào các dân tộc trong tỉnh vững bước đi lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
|
|
Trong suốt chặng đường trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân trong tỉnh đã cùng với cả nước chung lưng, đấu cật, chịu nhiều hy sinh, mất mát để đi đến ngày thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
Dù đã 47 năm trôi qua, nhưng ông Ka Ba Tơ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy vẫn nhớ như in ký ức ngày Kon Tum hoàn toàn giải phóng: Thời kỳ ấy tôi đang công tác tại huyện Đăk Glei. Sau khi nghe tin quân ta đã chiếm được thị xã Kon Tum và tỉnh nhà được hoàn toàn giải phóng, tất cả chúng tôi từ cán bộ và nhân dân đều ùa cả ra đường với một cảm xúc vỡ òa. Ai nấy đều hân hoan, phấn khởi không thể tả xiết được… Khắp nơi đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng, cờ mặt trận giải phóng tung bay phất phới. Qua nhiều năm tham gia công tác, chiến đấu cùng với đồng bào các dân tộc cho đến khi tỉnh Kon Tum được giải phóng, tôi nhớ nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, càng nhắc nhở tôi phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quân và dân trong tỉnh, tiếp tục góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và dựng xây quê hương Kon Tum ngày càng giàu mạnh.
Quả thật vậy, sau ngày giải phóng, bên cạnh niềm vui lớn, quân và dân trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách trên chặng đường kiến thiết quê hương. Đó là nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng còn lại què quặt, không đáng kể; công nghiệp hầu như không có gì; hệ thống giao thông bị hư hỏng nặng nề, khó khăn trong việc đi lại, giao thương; diện tích đất canh tác phần lớn bị bỏ hoang, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, đời sống nhân dân hết sức khó khăn.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chủ trương tập trung lực lượng “cứu đói như cứu lửa”, cung cấp lương thực, tổ chức tìm và đưa dân trở về, ổn định tư tưởng, nơi ăn chốn ở và đưa ra kế hoạch sản xuất để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh ủy đã huy động một đội ngũ cán bộ xuống trực tiếp các vùng ven mới giải phóng làm nhiệm vụ ổn định trật tự trị an, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới cho quần chúng, phát động nhân dân tham gia cùng lực lượng cách mạng thu dọn chiến trường, ổn định đời sống nhân dân.
Trải qua 47 năm với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương và sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vượt khó vươn lên thực hiện thắng lợi Nghị quyết của các kỳ Đại hội Tỉnh Đảng bộ và đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, làm tiền đề, nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI (2020-2025) của Đảng bộ tỉnh.
Đặc biệt là giai đoạn 2015-2020, quy mô kinh tế của tỉnh tăng đáng kể; đến cuối năm 2020 tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 25.851 tỷ đồng, tăng gần 75% so với năm 2015. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,13%/năm (đạt chỉ tiêu nghị quyết). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 23,19% năm 2015 lên 27,6% năm 2020; thương mại-dịch vụ tăng từ 39,08% năm 2015 lên 42,83% năm 2020; nông, lâm, thủy sản giảm từ 30,17% năm 2015 xuống còn 22,63% năm 2020. GRDP bình quân đầu người tăng từ 1.406 USD năm 2015 lên 2.025 USD vào cuối năm 2020 (tăng 45%); thu nhập bình quân đầu người năm 2020 khoảng 31,5 triệu đồng.
Và ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhưng Kon Tum là một trong những địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế-xã hội đạt nhiều mục tiêu đề ra. Kon Tum vẫn giữ vững tăng trưởng kinh tế với tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) năm 2021 (giá so sánh năm 2010) đạt 16.051 tỷ đồng, tăng 6,47% so với năm trước, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,8%; công nghiệp và xây dựng tăng 12%; dịch vụ tăng 3,8%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,9%.
47 năm trên hành trình bảo vệ, xây dựng và phát triển, mặc dù có những thời điểm gặp những khó khăn nhất định, nhưng nhờ phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh vươn lên, hội nhập và phát triển mạnh.
Dương Đức Nhuận