Triển khai Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT: Giảm tải nhận xét đại trà cho học sinh
Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai từ 6/11 nhằm điều chỉnh, khắc phục các bất cập, bổ sung một số nội dung của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học. Sự điều chỉnh này được cán bộ quản lý, giáo viên dạy bậc tiểu học đánh giá có nhiều yếu tố tích cực, giảm áp lực ghi chép nhận xét từng học sinh để tập trung các điều kiện khác giúp các em học tích cực và có tiến bộ hơn.
Từ giữa tháng 11 đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh đã triển khai công tác chỉ đạo, tập huấn Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học cho cán bộ chuyên môn, quản lý giáo dục và giáo viên bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Qua theo dõi, thăm dò ý kiến, các giáo viên đều khẳng định, những điều chỉnh này tạo điều kiện đánh giá hoạt động học tập, năng lực, phẩm chất của học sinh rõ nét hơn. Giáo viên được giảm tải sổ sách ghi chép nhận xét đối với từng học sinh, để dành thời gian nhiều hơn cho công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ủng hộ sự điều chỉnh mới phù hợp thực tế về đánh giá học sinh tiểu học, cô Liên - giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) nói: Theo văn bản hướng dẫn mới, công tác nhận xét học sinh hàng tháng, giáo viên được quyền chọn học sinh tiêu biểu có thành tích vượt bậc, nổi trội về nỗ lực học tập so với tháng trước để ghi lời nhận xét vào bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục năm học dành cho học sinh. Còn lại, các em khác với năng lực học tập vẫn tích cực, không có đột phá mới, giáo viên có thể xem xét không ghi lời nhận xét vào sổ theo dõi cá nhân, chỉ nhắc chung trước lớp về lưu ý hạn chế, thiếu sót đại trà. Ngoài ra, cô giáo có thể trao đổi với phụ huynh để nhắc nhở học sinh chú tâm hơn trong học tập.
Cũng theo cô Liên, với những nhận xét dành cho học sinh tiêu biểu, nhà trường sẽ thuận lợi hơn trong việc khen thưởng cá nhân ở cuối học kỳ về các kết quả vượt trội ở từng mặt học tập bộ môn, năng lực…
Cô giáo Huyền – Giáo viên ở Trường Tiểu học thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) nhận xét: Trước đây Thông tư 30 có 2 mức đánh giá hoạt động học tập của học sinh là hoàn thành hoặc chưa hoàn thành và không có kiểm tra giữa học kỳ. Nhiều phụ huynh không thể đánh giá được khả năng tiếp thu kiến thức của con em đến đâu, cần hỗ trợ như thế nào trong học tập. Mặt khác, sự đánh giá trên gây khó khăn cho giáo viên, lẫn học sinh trong việc điều chỉnh hoạt động dạy và học cho phù hợp, nhằm đáp ứng chuẩn kiến thức, chất lượng giáo dục năm học. Các hạn chế trên được điều chỉnh tại Thông tư 22 khá rõ nét với 3 mức nhận xét: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành, đồng thời giữa mỗi học kỳ có kiểm tra các môn học lấy kết quả học tập, nhằm điều chỉnh, hỗ trợ học sinh học tập tiến bộ hơn. Cùng đó, quá trình đánh giá về năng lực, phẩm chất học sinh thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì từ 2 mức: đạt và chưa đạt trước đây, nay được điều chỉnh thành 3 mức: tốt, đạt, cần cố gắng. Thông tư 22 cũng quy định về các bài kiểm tra định kì giữa các kì học cho khối 4 và khối 5 đối với hai môn Tiếng Việt và Toán. Đây là cơ sở giúp giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh. Học sinh cũng có thêm cơ hội làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo.
|
Trước các ý kiến nhận xét của giáo viên, ông Võ Xuân Thủy – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho hay, quá trình kiểm tra thực hiện công tác đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, sau hơn 2 năm học thực hiện, nhiều trường học thực hiện chưa đúng quy định gây nên những hạn chế. Bởi vậy, trước những điều chỉnh của Thông tư 22 theo hướng tích cực, Sở đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường tiểu học trong tỉnh về thực hiện Thông tư 22. Trong đó, có hướng dẫn khắc phục bất cập, sửa đổi và bổ sung 13 điều trong tổng số 20 điều của Thông tư 30, nhằm đáp ứng yêu cầu đánh giá học sinh tiểu học phù hợp thực tế đổi mới giáo dục. Tại các lớp tập huấn, cán bộ phòng, ban chuyên môn của Sở luôn giám sát, hướng dẫn cán bộ giáo viên được tập huấn cần nắm được ý nghĩa và mục đích của việc đánh giá học sinh bậc tiểu học là giúp các em nhận thức được sự tiến bộ để có thái độ học tập tốt hơn.
Cũng theo ông Thủy, hiện tại, công tác đánh giá giữa học kỳ I của năm học đã đến gần, nên việc đẩy mạnh thực hiện Thông tư 22 ở cơ sở, sẽ tạo điều kiện tích cực cho các trường ổn định công tác dạy và học. Đối với giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.
Trần Hà