Vẫn “nở rộ” chiêu trò giả mạo trang fanpage các cơ sở lưu trú
Việc giả mạo các trang fanpage của các cơ lưu trú trên địa bàn tỉnh, nhất là trên địa bàn huyện Kon Plông không mới và đã được cảnh báo, tuy nhiên chiêu trò này vẫn đang tiếp tục “nở rộ”.
Từ khoảng cuối năm 2024 đến nay, bắt đầu xuất hiện các fanpage giả mạo khách sạn, homestay tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen để lừa đảo tiền đặt cọc phòng của khách hàng. Nguy hiểm hơn đối tượng lừa đảo còn hack tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt toàn bộ số tiền nạn nhân có trong tài khoản.
Nhiều người đã nắm được chiêu trò này và nâng cao cảnh giác nhưng vẫn bị sập bẫy do thủ đoạn hết sức tinh vi của đối tượng lừa đảo giăng ra; có trường hợp bị lừa chiếm đoạt số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Gõ tìm kiếm trên facebook tên “Măng Đen Romatic homestay” sẽ có vài trang cùng tên xuất hiện. Trong khi page chính chủ có 1,7 ngàn lượt thích và 2 ngàn lượt người theo dõi; thì các fanpage giả mạo lại có đến 4,6 ngàn lượt thích và cũng tương đương số đó người theo dõi. Nội dung đăng tải trên cả fanpage thật và fanpage giả mạo rất giống nhau. Chính vì vậy việc tìm kiếm và nhận diện thương hiệu cơ sở lưu trú, khách hàng đã rơi vào trạng thái “nhiễu” thông tin, thật - giả lẫn lộn.
Từ khi xuất hiện trang fanpage giả mạo đầu tiên vào ngày 16/12/2024, đến nay đã có trên 50 khách hàng của Măng Đen Romatic homestay bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 86,5 triệu đồng; trong đó có 7 khách hàng bị hack tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tiền, còn lại là bị lừa tiền đặt cọc phòng lưu trú.
|
Ông Phan Mậu Tình - chủ cơ sở Măng Đen Romatic homestay, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho hay, để tạo niềm tin cho khách hàng, tại trang giả mạo đã tạo ra những lượt theo dõi và lượt thích ảo rất lớn để khách hàng nghĩ rằng trang này đã hoạt động lâu, được nhiều khách hàng tin tưởng nên chắc chắn là trang chính chủ, vì thế mà nhiều khách hàng đã bị sập bẫy.
Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), để tăng tính thuyết phục, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng những chiêu trò hết sức tinh vi như tạo ra những trang website, fanpage facebook với giao diện gần hoặc giống hệt bản gốc, thậm chí còn có cả số điện thoại đường dây nóng để tư vấn khách hàng. Khi khách hàng chuyển tiền đặt cọc, chúng sẽ nhắn tin xác nhận để tạo lòng tin. Số tiền ban đầu chúng đề nghị đặt cọc không nhiều.
Sau khi nhận được tiền đặt cọc hoặc thanh toán trước, chúng sẽ viện nhiều lý do như lỗi hệ thống, hay vì một số lý do khách sạn vừa hết phòng và đề nghị được hoàn tiền lại cho khách hàng kèm theo rất nhiều thủ tục giao dịch trên mạng. Nếu người bị hại làm theo các bước chúng hướng dẫn, truy cập vào đường link chứa mã độc mà đối tượng gửi thì nhiều khả năng sẽ bị chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và mất toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng.
Ngoài giao diện giống như thật với các trang chính chủ, các đối tượng còn tinh vi lập đường dây nóng riêng sẵn sàng tư vấn khi khách hàng gọi; nhận được tiền còn nhắn tin xác nhận đã đặt phòng nhằm lấy lòng tin nên khách hàng khó có thể nhận ra mình đang bị lừa.
Còn tại khách sạn Mountain Lodge hotel Măng Đen (thị trấn Măng Đen) cũng đã có hàng trăm khách hàng bị lừa đảo. Anh Phạm Tuấn Anh - Chủ khách sạn cho biết, có trường hợp khách hàng bị lừa đến 400 triệu đồng. Tôi đã báo cáo lên facebook những trang giả mạo nhưng 2 tuần sau fanpage đó lại xuất hiện trở lại và còn tạo thêm 1 fanpage giả mạo nữa. Cả 2 fanpage giả đều chạy quảng cáo rất mạnh nên lừa được rất nhiều khách hàng. Ở Măng Đen có đến 90% khách sạn, homestay đều có fanpage giả mạo. Khách hàng muốn đặt phòng thì có thể tìm hiểu, đặt trên những trang uy tín như Agoda, Traveloka hoặc Booking.
Về phía đơn vị quản lý, bà Hoàng Tố Nga - Phó Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Kon Plông cho biết: Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch như tổ chức tập huấn; hướng dẫn các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, các tổ chức, cá nhân sử dụng app Du lịch Măng Đen. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về lừa đảo và về du lịch tại địa phương để kịp thời xử lý.
|
Để tránh bị lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn dịch vụ đặt phòng từ các công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch.
Người dân có thể yêu cầu đối tác cung cấp giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan để kiểm tra. Cần cảnh giác với những lời mời chào giá quá rẻ, thấp hơn 30-50% so với giá thị trường. Khi nhận được đường link từ người lạ, mọi người cần kiểm tra kỹ đường link và so sánh với trang thông tin chính thức của các khách sạn.
Khi có nhu cầu chỉ đặt phòng thông qua các kênh uy tín hoặc từ trang website chính thức của khách sạn; thực hiện xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại các khu vực du lịch cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, tránh bị tổn thất về uy tín.
Dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 năm nay kéo dài 5 ngày. Thời điểm này, lượng khách đặt phòng lưu trú cho dịp lễ tại Măng Đen đang tăng cao. Theo đó, mọi người cần thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền đặt cọc phòng nghỉ tránh “tiền mất, tật mang”.
Dương Nương