Phân loại rác làm gì?
Khi vẫn gom chung các túi rác, dù phân loại hay chưa phân loại, vào một xe rác, rồi đem chôn lấp chung ở bãi rác, thì phân loại rác làm gì? Một phụ nữ đã chất vấn tôi như vậy, khi được hỏi sao không phân loại rác.
Ngày 6/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Các tỉnh, thành phố được yêu cầu nghiên cứu, triển khai phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính của địa phương.
Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được chia làm ba loại. Loại thứ nhất là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy thải (hộp, túi, lọ cốc bằng giấy, sách, truyện, thùng bìa carton, giấy bọc...); nhựa thải; kim loại, thủy tinh thải; vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện tử.
Loại thứ hai là chất thải thực phẩm gồm thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn. Chất thải này cần đựng trong túi, bao bì kín, không rò rỉ, ngăn mùi phát tán.
Loại thứ ba là nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm chất thải nguy hại (bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại…); chất thải y tế; chất thải cồng kềnh (như ghế, giường, tủ, khung cửa, gốc cây…); một số chất thải khác. Loại rác thải này phải được đựng, chứa trong túi, bao bì, tránh phát tán ra ngoài môi trường.
|
Mục đích của phân loại rác tại nguồn, nói một cách đơn giản, là tận dụng phế liệu tái chế; tự làm phân hữu cơ; giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng; tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
Trên thực tế việc thí điểm phân loại rác tại nguồn được triển khai ở tỉnh ta cách đây hơn 10 năm tại 3 phường nội thành là Quang Trung, Thắng Lợi, Duy Tân. Tuy nhiên mô hình thí điểm nhanh chóng rơi vào lãng quên.
Và cho tới bây giờ, sẽ không quá khi nói rằng chỉ có… người mua phế liệu và cơ sở thu gom phế liệu mới “phân loại rác”. Tất nhiên, họ chỉ nhặt nhạnh những gì có thể bán lấy tiền, chứ không phải vì bảo vệ môi trường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nổi lên là thiếu chế tài, chủ yếu mang tính khuyến khích; ý thức tham gia của người dân chưa cao.
Và đáng nói nhất là đơn vị làm nhiệm vụ thu gom rác chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại. Điều này có tác động rất lớn tới tâm lý người dân.
Khi được hỏi sao không phân loại rác tại nhà, một phụ nữ đã chất vấn tôi rằng: Phân loại rác làm gì, khi vẫn gom chung các túi rác vào một xe rác, rồi đem chôn lấp chung ở bãi rác?
Ấm ức đấy, nhưng thật sự là tôi không cãi được.
Bởi tôi cũng nhận thấy một thực tế rằng, dù rác thải sinh hoạt có được phân loại đi chăng nữa, thì cuối cùng vẫn dồn lại một chỗ, xử lý như nhau.
Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình là một giải pháp cần được áp dụng càng sớm càng tốt, thậm chí cần được khuyến khích hình thành một nét văn hóa.
Có nhiều cách để có thể thực hiện phân loại rác tại nguồn, trong đó, cách mà xóm tôi đang làm là một ví dụ.
Không biết “học lỏm” được ở đâu, anh “xóm trưởng” trình bày ý tưởng ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt.
Được mọi người đồng ý, anh quyên góp tiền mua mấy thùng nhựa lớn có nắp đậy, vận động mấy gia đình có quỹ đất trồng rau cho đặt thùng rác. Phần kỹ thuật ủ thế nào, thêm các loại phụ gia ra sao để không bị bốc mùi, phát sinh ruồi, bọ thì anh lo.
Cứ thế, cơm, thức ăn thừa, vỏ trứng, cọng rau, vỏ trái cây phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày đều được bỏ vào thùng ủ thành phân bón phục vụ việc trồng rau.
Cách làm trên đã đem lại nhiều lợi ích. Trước hết là con hẻm sạch sẽ; mấy mảnh vườn trồng rau xanh tốt nhờ có nguồn phân bón hữu cơ dồi dào.
Tiếp đến là lượng rác thải đem ra điểm tập kết giảm đáng kể. Xóm có hơn chục hộ gia đình, trước đây rác thải sinh hoạt được đựng trong các túi nilon chất đầy đầu hẻm bất kể sáng, trưa, chiều, tối.
Nay thì khác, ở điểm tập kết rác còn rất ít, chủ yếu là những túi đựng chai lọ vỡ, rác thải nhựa, giấy, bao bì các loại.
|
Không chỉ khắc phục được nạn rác thải vương vãi, bốc mùi gây ô nhiễm môi trường, mà công việc của anh chị em công nhân môi trường cũng đỡ vất vả hẳn.
Tất nhiên, để tạo thói quen ban đầu cho cư dân trong xóm không dễ, vì từ trước tới nay cứ cái gì không dùng là bỏ thùng rác, việc phân loại mất thêm thời gian, thao tác. Trong những ngày đầu, anh “xóm trưởng” phải đi nhắc nhở thường xuyên, sau thành thói quen thì không cần kiểm tra nữa.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, còn rất ít khu dân cư làm được điều này!
Một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này là mới đây, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã được “luật hóa” tại Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 4/4/2023 của UBND tỉnh.
Khoản 2, Điều 4, Quy định về quản lý chất thải mới được ban hành kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 4/4/2023 của UBND tỉnh nêu rõ: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng.
Nhưng để quy định đi vào thực tế đời sống thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đi kèm chế tài xử lý vi phạm. Đi cùng đó, chính quyền và đơn vị thu gom, xử lý rác thải cần đầu tư xây dựng một hệ thống thu gom, xử lý phù hợp, đáp ứng được việc phân loại rác từ nguồn.
Vì nếu người dân phân loại rác từ nhà thành 3 loại, nhưng ra đường, công nhân môi trường thu gom nhập lại thành một, thì không hiệu quả.
Và rất khó trả lời câu hỏi: Phân loại rác để làm gì?
Hồng Lam