Người dân đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập tỉnh và cấp xã
Thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính nhằm xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, từ ngày 21- 22/4 vừa qua, các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến cử tri là đại diện hộ gia đình về Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, cùng với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Kết quả cho thấy đại đa số cử tri đồng tình và ủng hộ các đề án.
|
Theo thống kê từ UBND tỉnh, về Đề án sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, có tổng cộng 141.556 cử tri là đại diện hộ gia đình tham gia. Trong đó, số cử tri bỏ phiếu là 131.256 người, đạt tỷ lệ 92,72%; có 127.668 cử tri tán thành với đề án, chiếm 90,19% so với tổng số cử tri và 97,27% so với số cử tri tham gia lấy ý kiến.
Tuy nhiên, cũng có 3.561 cử tri không đồng thuận, chiếm tỷ lệ 2,52%. Một số ý kiến lo ngại về sự khác biệt văn hóa giữa Kon Tum và Quảng Ngãi cũng như khoảng cách địa lý giữa hai tỉnh. Một số đề xuất được đưa ra như việc sáp nhập tỉnh Kon Tum với tỉnh Gia Lai sẽ hợp lý hơn về mặt văn hóa và địa lý.
Tương tự, đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong số 135.320 cử tri là đại diện hộ gia đình tham gia, có 125.524 cử tri thực hiện bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 92,76%. Trong đó, 122.337 cử tri tán thành, chiếm 90,41% so với tổng số cử tri, đạt 97,46% so với cử tri tham gia.
Số cử tri không đồng thuận là 3.151, tương đương 2,33% trên tổng số cử tri. Nguyên nhân chính là mong muốn giữ lại tên gọi quen thuộc của các xã, phường hiện tại vốn đã gắn bó với đời sống và ký ức của người dân qua nhiều thế hệ.
|
Tại thôn 8, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, sau khi hoàn thành việc bỏ phiếu, các hộ dân đã tổ chức cuộc họp tại nhà chị Trần Thị Thu Sang. Không khí trong buổi gặp gỡ tràn ngập sự hào hứng và đồng thuận khi biết xã Đăk Cấm sẽ thành phường trong phương án hợp nhất với phường Ngô Mây và phường Duy Tân, với tên phường mới là Đăk Cấm.
Chị Sang xúc động chia sẻ: Chị sinh ra, lớn lên ở đây và sẽ gắn bó cả đời với mảnh đất này. Khi nghe xã được lên phường mừng lắm, nhưng vui nhất là cái tên Đăk Cấm vẫn được giữ lại. Đây là tên của con suối đã gắn bó, nuôi sống người dân khu vực này bao đời nay nên giữ lại tên này là điều rất mừng.
Một trong những điểm đáng chú ý trong đề án là việc lựa chọn tên gọi mới cho các đơn vị hành chính sau hợp nhất. Theo phương án tại Nghị quyết 29-NQ/TU, sau khi sắp xếp, tỉnh Kon Tum từ 102 xã, phường, thị trấn sẽ còn 37 xã và 3 phường.
Cụ thể, thành phố Kon Tum sẽ sắp xếp 21 đơn vị thành 6; huyện Đăk Hà sắp xếp 11 đơn vị thành 5; huyện Đăk Tô sắp xếp 9 đơn vị thành 3; huyện Tu Mơ Rông sắp xếp 11 đơn vị thành 4; huyện Ngọc Hồi sắp xếp 8 thành 3; huyện Đăk Glei từ 12 xuống 6; huyện Sa Thầy từ 11 xuống 5; huyện Ia H’Drai từ 3 xuống 2; huyện Kon Rẫy từ 7 xuống 3; và huyện Kon Plông từ 9 xuống 3.
Điều đặc biệt là việc lựa chọn tên gọi cho các đơn vị hành chính mới sau khi hợp nhất được thực hiện theo hướng tôn vinh các địa danh có giá trị văn hóa, lịch sử, gắn bó với sự hình thành và phát triển của từng vùng đất.
Ví dụ huyện Kon Rẫy hợp nhất 7 xã, thị trấn thành 3 xã với tên mới là xã Đăk Kôi, xã Kon Braih, xã Đăk Rve; còn huyện Kon Plông sắp xếp 9 xã, thị trấn thành 3 xã với tên mới xã Măng Đen, xã Măng Bút và xã Kon Plông.
Ông Lê Quang Thới- nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy) bày tỏ: Là người đã từng ăn, ở cùng dân và công tác tại huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông, tôi hoàn toàn đồng tình và nghĩ rằng bà con nhân dân 2 huyện sẽ đồng thuận với dự kiến của tỉnh.
Có thể khẳng định rằng, tỷ lệ cử tri đồng thuận cao không chỉ là kết quả của một chủ trương đúng đắn, mà còn nhờ vào công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, sâu sát, hiệu quả. Trước thời điểm tổ chức lấy ý kiến, các địa phương đã đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức như niêm yết công khai tại trụ sở thôn, khu phố, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm rõ nội dung, lý do, mục tiêu của đề án. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Tỉnh ủy và các ban ngành liên quan cũng được triển khai quyết liệt, đảm bảo tiến độ và đúng quy định, tạo sự tin tưởng trong nhân dân.
Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng bộ máy hành chính và đời sống người dân. Với sự đồng thuận cao từ nhân dân, kỳ vọng rằng sau quá trình sắp xếp, các địa phương sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thu hút đầu tư và xây dựng một nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt hơn cho nhân dân.
Dương Nương